"The Battleship Island : Đảo địa ngục” là bộ phim lấy cảm hứng từ câu chuyện bi thương có thật trong thời kỳ Hàn Quốc là thuộc địa của Nhật Bản năm 1945. Với kinh phí sản xuất khủng cùng sự chỉ đạo của đạo diễn Ryu Seung Wan và những diễn viên đình đám Hwang Jung Min, So Ji Sub, Song Joong Ki, Lee Jeong Hyun, “Đảo địa ngục” là tác phẩm được mong đợi nhất của điện ảnh Hàn Quốc mùa hè năm 2017.
Hòn đảo Hashima (còn gọi là Đảo Chiến Hạm vì có hình dáng giống một tàu chiến) thực sự là địa ngục trần gian của hơn 400 người lao động Triều Tiên dưới thời đô hộ của Nhật Bản. Đây là một địa danh có thật, là nơi chứng kiến nỗi cùng cực của những người bị quân Nhật bắt giữ, giam cầm, bóc lột và tra tấn. Hashima giống như một nhà tù khổng lồ không lối thoát, được xây dựng vô cùng kiên cố, nằm lạc lõng giữa đại dương và các hầm khai thác than sâu dưới 1.000 mét so với mực nước biển. Chính phủ Nhật Bản cũng chưa một lần thừa nhận hay lên tiếng chính thức về những cáo buộc xung quanh hòn đảo bí ẩn này. Sự thật lịch sử đã bị chôn giấu suốt hàng chục năm, còn Hashima lại được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, trở thành biểu tượng cho quá trình hiện đại hóa và cuộc cách mạng công nghiệp của Nhật Bản.
Battleship Island kể về cuộc sống khổ sai, sự đấu tranh và cố gắng đào thoát của những người lao động Triều Tiên. Họ được đưa tới đây theo chế độ quân dịch hoặc lừa phỉnh với những ưu đãi hấp dẫn tại ngay Seoul và bị tống vào những mỏ khai thác than. Phụ nữ, trẻ em gái thì bị nhốt vào khu nhà chứa mua vui cho người Nhật, nam giới bị cưỡng ép phải làm việc trong môi trường gian khổ và khắc nghiệt, có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào.
Giống như hầu hết những phim trước đó của mình, đạo diễn Ryu Seung Wan đã làm rất tốt về mặt hình ảnh, từng khung hình đều được trau chuốt vô cùng kỹ lưỡng về cả ánh sáng lẫn góc quay. Với kinh phí đầu tư khủng lên tới 25 triệu đô cho thấy quyết tâm của nhà đầu tư cho dự án là rất lớn. Vì không thể ghi hình trực tiếp tại Hashima, hãng CJ Entertainment tạo ra phim trường giả rộng bằng 2/3 hòn đảo, có diện tích lên tới 66,000 m2 ở Chuncheon tỉnh Gwangwon. Phim đã đưa người xem choáng ngợp bới những khung cảnh được tái hiện đầy chân thực: khu hầm lò tăm tối, đầy rẫy nguy hiểm có thể rò rỉ khí gas bất cứ lúc nào; khu vực đèn đỏ nơi mà các cô gái bị giam cầm mua vui, thậm chí bị đánh đập dã man; và khu nhà ở chật chội, ẩm thấp, bẩn thỉu, không thể tệ hơn mà người Triều Tiên sinh sống.
Hàng loạt các tình tiết trong phim đã khắc họa rõ nét sự tàn ác của phát xít Nhật đàn áp lên những người Triều Tiên. Những chi tiết nhỏ trong cách sinh hoạt, hành động của người Nhật sống trên đảo đã phản ánh đúng tinh thần người dân đất nước này thời đó - yêu nước một cách cực đoan. Cách xây dựng hình ảnh quân phát xít Nhật độc tài, thiên hướng bạo lực có lẽ là chủ ý của đạo diễn nhằm tạo sự kịch tính, kích thích người xem cũng như là nguồn căn nguyên đẩy tâm lý các nhân vật lên tới đỉnh điểm - "Tức nước thì vỡ bờ". Không một dân tộc, không một con người nào khi bị đàn áp, bóc lột mà lại không vùng dậy đấu tranh, tìm lại quyền được sống, quyền được tự do.
Tuy nhiên, xét theo một phương diện khách quan, màu sắc đấu tranh của những người Triều Tiên được đạo diễn xây dựng trong phim cũng không khác cách mà người Nhật thời đó thể hiện hiện tình yêu với Nhật Hoàng của họ, đó là sự cực đoan. Chiến tranh đã qua, cái mà nhân loại đang hướng tới đó là sự sẻ chia, tương trợ lẫn nhau giữa con người với con người dẫu cho bạn đến từ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào. Chính vì vậy, nếu đây là bộ phim trình chiếu cho những khán giả của thời đại này, liệu những tư tưởng yêu nước đó có quá lỗi thời và cá nhân. Dẫu biết lòng tự tôn dân tộc là điều rất thiêng liêng và việc đạo diễn muốn đưa nó vào bộ phim là rất đáng trân trọng nhưng cũng không khác Hàn Quốc, nước Nhật cũng từng trải qua những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ. Do vậy, nếu đạo diễn chỉ tập trung vào những người Nhật nông cạn, độc ác đang bóc lột người dân Triều Tiên trên đảo Hashima để khơi dậy lòng yêu nước thể hệ trẽ Hàn Quốc thì liệu có quá khiêng cưỡng?
Mặc dù phim vẫn mang chủ nghĩa nặng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nhưng chúng ta vẫn không thể phủ nhận những điểm sáng khác của phim. Bên cạnh lòng yêu nước thì tình yêu thương gia đình, tình yêu lứa đôi, sức mạnh của con người khi bị đẩy vào đường cùng phải vùng lên đấu tranh đã đươc khai thác rất tốt. Cha con nhạc trưởng Lee Kang Ok có lẽ là 2 nhân vật để lại nhiều cảm xúc nhất cho người xem. Hwang Jung Min đã mang lối diễn khá trào phúng và cường điệu vào phim nhưng nó lại rất duyên dáng, đem lại hiệu quả có cả mạch phim. Cô bé Kim Su An ngày nào vẫn gây ấn tượng với lối diễn xuất tự nhiên, trong sáng. Tuy nhiên, phim vẫn mang lại cảm giác chưa truyền tải trọn vẹn câu chuyện cuộc đời của hai cha con nhạc trưởng nói chung và các nhân vật khác nói riêng. Đây dường như là một yếu điểm khác khi mà đạo diễn Ryu Seung Wan có vẻ đang ôm đồm quá nhiều câu chuyện của những con người đau khổ đang sống trên hòn đảo.
Các tuyến nhân vật nổi bật khác như Choi Choel Sung (So Ji Sub) – tay giang hồ gai góc nhưng trượng nghĩa, và Park Moo Yeong (Song Joong Ki) một quân nhân của lực lượng giải phóng Triều Tiên muốn giải cứu một lãnh tụ dân tộc đang ở Hashima. Đây được xem là hai gương mặt được người hâm mộ mong chờ nhất. Cả hai đã làm tốt và chỉn chu về mặt diễn xuất cũng như thể hiện các pha hành động trong phim. Tuy nhiên, để nói họ có đem lại ấn tượng sâu sắc hay không thì có lẽ phải chờ sự thể hiện của họ ở một tác phẩm khác.
Phim khai thác tốt các tiểu tiết nhỏ như cách sinh hoạt, trò chuyện của những con người sống trên đảo, qua đó thể hiện rõ sự phân chia tầng lớp, lối sống và tính cách. Những pha hài hước nhẹ nhàng rất đúng kiểu Hàn làm cho bộ phim bớt phần u ám và không quá nặng nề với người xem.
Kết thúc phim là hình ảnh đầy ấn tượng khi quả bom nguyên tử rơi xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki. Chiến tranh không chừa bất kỳ một ai, dù xảy ra ở đâu thì nó cũng chỉ đem đến đau thương, mất mát. Người Triều Tiên trong phim đã phải sống khổ cực nhưng khi họ vừa thoát khỏi hòn đảo địa ngục thì cả nước Nhật mất đi hơn 200 ngàn người dân vô tội. Không rõ thông điệp thực sự mà đạo diễn muốn gửi gắm qua cảnh kết đó là gì nhưng khi nhìn vào gương mặt đầy nước mắt của cô bé So-hee thì đó có lẽ là sự đồng cảm, nỗi đau thương và ám ảnh còn mãi về chiến tranh lên trên mỗi con người.
Nhìn chung, Battleship Island là một bộ phim thành công về mặt hình ảnh khi để lại trong tâm trí người xem nhiều khung hình rất ấn tượng. Diễn xuất đồng đều, tự nhiên của hầu hết các tuyến nhân vật là một điểm cộng đáng ghi nhận. Phim có vài chi tiết trong các pha hành động chưa thực sự thuyết phục. Mạch phim vừa phải, hợp lý tuy chưa thực sự được sắp xếp theo cách tốt nhất để đẩy cao trào phim lên tới đỉnh điểm của cảm xúc. Chủ nghĩa yêu nước, tình thần đoàn kết dân tộc được thể hiện rõ nét và mạnh mẽ trong phim theo cái nhìn có phần hơi cá nhân của đạo diễn.
Theo Muzuco
Một số hình ảnh khác trong phim