Với những đoạn phim kinh dị siêu ngắn dưới đây, chỉ trong vòng vài phút, người xem sẽ trải nghiệm cảm giác sợ hãi ngay lập tức.
Điểm khác biệt cơ bản giữa một phim kinh dị chiếu rạp và một phim kinh dị siêu ngắn, đó là khoảng thời gian mà bạn phải chờ đợi để thấy tình huống kinh dị xuất hiện.
Đối với phim kinh dị siêu ngắn, chỉ trong vòng vài phút, bạn đã có được cảm giác sợ hãi, lạnh sống lưng hoặc một cái giật mình. Dù bạn đã tự dặn mình rằng chỉ trong vài phút nữa, tình tiết rùng rợn sẽ xuất hiện, nhưng vẫn không cách nào kìm hãm được nỗi sợ.
Với những đoạn phim kinh dị siêu ngắn dưới đây, bạn chỉ cần chờ đợi trong vòng vài phút sẽ được trải nghiệm nỗi sợ một cách nhanh chóng nhất, không cần chờ đợi “sốt ruột”. Vì thế, nếu bạn không phải là fan của phim kinh dị, không nên trải nghiệm những tác phẩm phim ngắn này.
Mama (2008)
Mama (2008)
Đoạn phim ngắn này được thực hiện bởi đạo diễn người Argentina - Andrés Muschietti. Sau này, từ ý tưởng về đoạn phim “Mama”, Muschietti đã thực hiện bộ phim điện ảnh kinh dị khá thành công trên quy mô quốc tế - “Mama” (2013). Nhiều người cho rằng đoạn phim ngắn “Mama” hấp dẫn và đáng sợ hơn bộ phim cùng tên được thực hiện sau đó.
Lý do là bởi phim ngắn “Mama” bí ẩn hơn, người xem gần như không biết gì về nhân vật “mama” ngoại trừ diện mạo đáng sợ. Một điểm đặc biệt ở phim kinh dị siêu ngắn, đó là người xem sợ hãi không chỉ bởi những gì họ nhìn thấy và hiểu được mà còn bởi những gì họ không thấy và không hiểu.
Bedfellows (Ngủ cùng giường - 2008)
Bedfellows (2008)
Đoạn phim ngắn của đạo diễn người Mỹ - Drew Daywalt. Phim xoay quanh tình tiết người phụ nữ đang ngủ thì có cuộc gọi điện thoại. Cô cầm máy và chợt nhận ra, chồng mình đang đi công tác ở xa, anh đang gọi điện về cho cô, vậy người đang nằm cạnh cô… là ai?!
Alma (2009)
Alma (2009)
Ít ai có thể ngờ rằng một đoạn phim hoạt hình lại có thể mang màu sắc kinh dị. Tuy vậy, một khi đã xem “Alma”, bạn sẽ hiểu rằng hãng phim hoạt hình nổi tiếng thế giới - Pixar (Mỹ) - có thể làm tất cả đối với hoạt hình. “Alma” sẽ không khiến bạn sợ hãi, giật mình, mà chỉ đơn giản khiến bạn không thể rời mắt khỏi khuôn hình.
“Alma” giống như một câu chuyện cổ tích dành để răn dạy trẻ nhỏ. Khi hình ảnh cuối cùng khép lại, khi đã chứng kiến toàn bộ câu chuyện từ đầu đến cuối, nỗi sợ sẽ “len lén” luồn vào tâm lý người xem. Một câu chuyện cổ tích “đen tối” được xây dựng trong một diện mạo hoạt hình dễ thương quả là ý tưởng không tồi.
He Dies at the End (Anh ấy cuối cùng cũng chết - 2010)
He Dies at the End (2010)
Đoạn phim của đạo diễn người Ireland - Damian McCarthy - khai thác tâm lý “khác lạ” mà chúng ta có thể từng cảm thấy khi phải ở lại văn phòng làm việc tới tối muộn mà chỉ có một mình.
Người đàn ông xuất hiện trong đoạn phim này cũng vậy, anh còn tình cờ click vào một trang web “tiên đoán” trước xem anh ta sẽ chết như thế nào. Người đàn ông lần lượt trả lời từng câu hỏi mà trang web đưa ra và nhận thấy một sự trùng hợp bất thường.
The Whistler (Chim hót - 2013)
The Whistler (2013)
Đoạn phim được thực hiện bởi đạo diễn người Mỹ Bryce McGuire, xoay quanh một cặp đôi. Mọi chuyện bắt đầu khi có một chú chim nằm chết trên ban công nhà họ. Bài học rút ra sau khi xem đoạn phim này là không bao giờ được trêu đùa trên nỗi đau của người khác, kể cả là nỗi đau của… một chú chim.
Light’s Out (Đèn tắt - 2013)
Light’s Out (2013)
Đoạn phim đánh vào tâm lý đôi khi “yếu bóng vía” của những người sống một mình. Ý tưởng của “Light’s Out” được xây dựng dựa trên chính yếu tố “thần hồn nát thần tính” mà đôi khi tự chúng ta vẫn hù dọa bản thân. Phim được thực hiện bởi đạo diễn người Thụy Điển David Sandberg.
Pictured (Ảnh chụp - 2014)
Pictured (2014)
Đoạn phim được thực hiện bởi cùng một tác giả với “Light’s Out” - đạo diễn người Thụy Điển David Sandberg. Có thể bắt gặp cùng một nữ diễn viên, cùng một nhịp điệu phim, nhưng người xem vẫn không khỏi giật mình.