Hè 2017: Một mùa hè bom tấn đáng thất vọng
Câu chuyện đằng sau một mùa hè làm ăn thất bát của Hollywood.
CEO của chuỗi rạp chiếu lớn nhất nước Mỹ AMC Entertainment, Adam Aron, đã có một tuần khó khăn, với việc giá trị công ty giảm đến 27% chỉ trong vòng vài tiếng sau khi xuất hiện những phân tích cảnh báo rằng doanh thu quý tới sẽ ít hơn mong đợi. Vào ngày 4/8, sau khi đã công khai báo cáo về những khoãn lỗ của công ty, ông Adam phát biểu thẳng thắn:
“Nói rằng chúng tôi chỉ cảm thấy thất vọng là đã giảm tránh nhiều rồi. Cả quý rồi là một thất bại hoàn toàn.”
Ảnh: Variety
AMC không phải là công ty duy nhất chịu ảnh hưởng của làn sóng lỗ đang càng lúc càng lan rộng trong ngành. Đối với các hãng sản xuất lẫn nhà phát hành, hè vừa qua là một mùa hè tệ hại. Những quả ‘bom xịt’ như King Arthur: Legend of the Sword hay Baywatch đã và đang nhấn chìm phòng vé. Doanh số vé giảm đến tận 10.8% cho mùa hè và gần 3% nếu tính từ đầu năm. Doanh thu rạp được dự đoán sẽ giảm mạnh trong hai tháng tới. Cuối tuần rồi, phim đứng đầu bảng xếp hạng phòng vé là The Dark Tower với doanh thu ít hơn 20 triệu đô. Cũng vào đúng thời điểm đó một năm trước, Suicide Squad thu về 134 triệu đô trong cuối tuần đầu công chiếu. Mùa hè đáng lẽ phải là thời điểm các hãng phim ‘kiếm tiền’ – tuy nhiên trong 2017 điều ngược lại đã xảy ra.
Nhà phân tích Jeff Bock gắn kết việc doanh thu phòng vé giảm với một yếu tố, đó là “sự dựa dẫm của Hollywood vào những phim hậu truyện (sequel).” Theo ông, “tất cả những sequel trừ Guardians of the Galaxy Vol. 2 đều đã gây thất vọng.”
Ảnh hưởng ngày một gia tăng của truyền hình trực tuyến cũng là điều cần nhắc đến, Bock nhận xét. Trong cuộc chiến giành người xem ở bối cảnh có quá nhiều phương tiện giải trí xuất hiện thì các hãng phim đang bị lép vế.
“Hè năm rồi tâm điểm của mọi cuộc bàn luận là series Stranger Things của Netflix, còn hè này là Game of Thrones, thay vì những phim ngoài rạp,” Bock nói thêm.
Tình trạng ảm đạm tại các rạp phim cũng đồng thời dẫn đến việc bán tháo cổ phiếu. Kể từ đầu tháng 8, bốn hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất Bắc Mỹ giảm giá trị đến 1.3 tỉ đô trên sàn chứng khoán và vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy hiện tượng này sẽ dừng. Quý 2 đã xấu, quý 3 càng xấu hơn – các ước lượng cho thấy rằng doanh số vé có thể giảm đến tận 15% trong quý tới.
Không chỉ các hãng phim lớn, cả các hãng độc lập cũng đang chịu ảnh hưởng. EuropaCorp được dự đoán sẽ nhận khoản lỗ lên đến hàng chục triệu đô cho phim ‘Valerian and the City of a Thousand Planets’ - dự án có kinh phí 180 triệu đô của nhà sản xuất kiêm đạo diễn Luc Besson. Nhiều nhà phân tích cho rằng phim thậm chí sẽ không chạm mốc 60 triệu đô doanh thu nội địa. Broad Green, hãng độc lập đã sản xuất phim ‘A Walk in the Woods’, thông báo sẽ đóng cửa đơn vị sản xuất và sa thải 20% nhân viên sau nhiều năm liên tục thất thoát.
Tính bất ổn của thị trường cũng khiến các hãng độc lập cân nhắc sang nhượng lại công ty của mình. Open Road - hãng đã sản xuất bộ phim là chủ nhân của tượng vàng Oscar 2016 dành cho tác phẩm hay nhất ‘Spotlight’- đã được Tang Media mua lại ngày 7/8 vừa qua với giá không được công bố. Trong khi tuần trước Hasbro suýt nữa cũng đã sở hữu Lionsgate nếu thương vụ này không sụp đổ vào phút chót. Hãng phim mới thành lập Annapurna đã gây tiếng vang với tựa đầu tay ‘Detroit’ được giới bình phim đánh giá cao. Tuy nhiên Detroit (kinh phí 30 triệu đô) được cho là sẽ rất khó hòa vốn mặc dù đã được quảng bá rộng rãi.
Ảnh: Variety
Sẽ khá dễ để đổ mọi thứ cho chất lượng của các phim được chiếu, nhưng vấn đề ở đây còn lớn hơn thế. Thứ đã và đang gây khó khăn nhất cho ngành chính là việc tìm nguồn tài trợ - trong những năm gần đây những ‘túi tiền nặng ký’ đã càng lúc càng trở nên ‘thông minh’ hơn trước và tránh như tránh tà những tựa có… dấu hiệu thất bại rành rành như phim làm lại của Ghostbusters hay The Brothers Grimsby được sản xuất vào 2016 (hai trong số nhiều tựa khiến Lone Star Capital hủy thỏa thuận tài chính với Sony vào tháng 7 năm nay).
Đó là chưa nói đến rắc rối các hãng đang gặp phải tại Trung Quốc, vùng đất phồn hoa nhiều năm qua đã giúp bật đèn xanh cho vô số dự án phim Hollywood. Tuần này, ủy viên ban quản trị của Viacom sẽ đến mảnh đất Đại Lục hòng kiếm được nguồn tài trợ 500 triệu đô từ Huahua, sau khi công ty truyền thông này đã bỏ lỡ cung ứng tiền cho Paramount như đã thỏa thuận vào tháng 6 vừa qua. Dalian Wanda, tập đoàn lớn đã góp phần khai mào làn sóng tiêu tiền của người Hoa tại Hollywood với việc thu mua hãng Legendary và AMC, đang dự định bán tháo tài sản cố định thuộc mảng du lịch của nó (giá trị lên đến 9 tỉ đô) để trả nợ.
Stan Rosen, một chuyên viên phân tích chính trị và xã hội Trung Quốc có thâm niên tại trường USC (Đại học Nam California), nói rằng chính sách mới của [Trung Quốc] về hạn chế đầu tư ngoài nước sẽ thúc đẩy việc đầu tư có chọn lựa hơn, qua đó đem đến lợi ích cho đất nước. “Họ sẽ bắt đầu xem xét kỹ càng mọi thứ trước khi bắt tay vào đầu tư,” ông nói, “Điều đó có nghĩa là kể cả khi bạn đã ký hợp đồng thỏa thuận đầy đủ với một công ty nước ngoài, bạn vẫn cần phải được nhà nước phê chuẩn.”
Aynne Kokas, giáo sư tại trường Đại học Virginia và tác giả cuốn ‘Hollywood Made in China’, cho rằng hiện tượng các nhà tài trợ đồng loạt rút đầu tư khỏi Hollywood đang khiến cả ngành công nghiệp làm phim này trở nên càng lo âu hơn về mối quan hệ của nó với Trung Quốc trong tương lai. Đất nước này đang trong bối cảnh chuyển giao quyền lực, với quá trình ủy quyền lãnh đạo mới cho Đảng Cộng sản vẫn tiếp tục diễn ra. Các hãng phim hiện đang liên hệ với viên chức nhà nước Trung Quốc về một thỏa thuận mới liên quan đến chỉ tiêu số lượng phim được tài trợ, do ảnh hưởng từ chính sách mới nhiều khả năng sẽ dẫn đến tình trạng báo cáo giả doanh thu của các hãng phát hành Trung Quốc.
Tuy nhiên do lý do nền điện ảnh Trung Quốc vẫn chưa phát triển được nhanh như mong đợi, các hãng phim Mỹ vẫn nắm giữ chút lợi thế. Kokas dự đoán rằng nhiều khả năng chỉ tiêu [về số phim được Trung Quốc tài trợ] sẽ được nâng lên, nhưng cảnh báo rằng trước khi điều đó xảy ra, ‘mọi thứ đều rất mơ hồ’.
Cả Kokas lẫn Rosen tin rằng những giới hạn đầu tư trên sẽ nhanh chóng được gỡ bỏ trong tương lai, mặc dù trong tình thế hiện tại các hãng phim Hollywood vẫn đang trong trạng thái ‘hoảng loạn’ vì chính sách mới này. Và thực tế mà nói tình hình vẫn còn khả năng cải thiện vào mùa hè năm sau, thời điểm các hãng phim sẽ dụ dỗ khán giả xem rạp qua những tựa bom tấn mới như ‘The Incredibles 2’, ‘Jurassic World: Fallen kingdom’ hay phim ngoại truyện Star Wars về Han Solo. Giả thuyết được đặt ra ở đây là khán giả sẽ vẫn tiếp tục bị thu hút bởi những sequel, nhưng với điều kiện đó là sequel của những phim… thích hợp để có sequel.
Eric Wold, nhà phân tích cấp cao của B. Riley & Co, tin rằng mùa hè thất bại của 2017 không phải là thứ đáng để lo. “Mọi người thường hay phản ứng dữ dội mỗi khi xuất hiện hiện tượng giảm doanh thu phòng vé ngắn hạn. Phản ứng thái quá là bệnh nan y của ngành.”
Trừ khi thị hiếu khán giả thay đổi hoàn toàn, mọi thứ nhiều khả năng sẽ trở lại như bình thường sớm hay muộn. Tuy nhiên trong bối cảnh mà các ông lớn dịch vụ trực tuyến và viễn thông mỗi lúc một ‘phình to’ ra, các công ty làm phim có lý do để lo lắng. Lấy vụ thu mua Time Warner trị giá 85 tỉ đô của tập đoàn viễn thông AT&T làm ví dụ (thương vụ vẫn đang chờ chính phủ chấp thuận). Time Warner là công ty mẹ của những cái tên quen thuộc với người yêu điện ảnh như HBO và Warner Bros. Tuy là một cái tên lớn trong ngành, nếu được sát nhập vào AT&T, Time Warner sẽ chỉ đóng góp chưa tới 20% doanh thu của tập đoàn này. Liệu thời đại mà các tác phẩm bom tấn và những bộ phim truyền hình kinh phí cao sẽ chỉ là những thứ đi kèm với một gói cước điện thoại đắt tiền đã đến?
Một ngày nào đó, có thể không còn xa nữa, phim ảnh sẽ chỉ trở thành một thứ phụ thêm.
Nguồn: Variety
Bài cùng chuyên mục