Bắt đầu từ thành công của “The Conjuring” (2013) của đạo diễn James Wan, loạt phim kinh dị giờ đã trở thành một “vũ trụ điện ảnh” nhiều tiềm năng.
Thuật ngữ “vũ trụ điện ảnh” (cinematic universe) đã trở nên phổ biến những năm gần đây, nhưng rất ít loạt phim thực sự thành công sau khi tuyên bố thành lập “vũ trụ” của riêng mình. “Vũ trụ Bóng tối” của hãng Universal là ví dụ điển hình. Mặc dù ý tưởng tập hợp các quái nhân nổi tiếng trong lịch sử có vẻ khá thú vị, cộng thêm việc chiêu mộ nhiều ngôi sao hạng A như Tom Cruise, Johnny Depp, thất bại của tác phẩm mở màn The Mummy đang khiến tương lai của “vũ trụ” này trở nên mờ mịt.
Bên cạnh Marvel, DC và Harry Potter là những thương hiệu tỷ đô, danh sách “vũ trụ điện ảnh” bất ngờ có sự góp mặt của một cái tên nhỏ bé nhưng được đánh giá có tiềm năng thành công không hề nhỏ - The Conjuring.
Phần phim đầu tiên ra mắt năm 2013 trở thành hiện tượng lớn, thu về 318 triệu đô toàn cầu với kinh phí chỉ 20 triệu đô. Tác phẩm kinh dị siêu nhiên dựa trên câu chuyện có thật về những vụ trừ tà của vợ chồng nhà ngoại cảm Ed và Lorraine Warren. Được đạo diễn bởi “bậc thầy kinh dị” James Wan – nhà làm phim nổi tiếng với Saw và Insidious, The Conjuring đã mang kỹ thuật hù doạ truyền thống lên tầm cao mới.
Không chỉ hấp dẫn ở câu chuyện rùng rợn, phim còn giới thiệu đến khán giả các nhân vật gây ám ảnh. Thế là, những phần tiếp theo, spin-off ra đời, tiếp tục thu được thành công.
Tính đến nay loạt phim đã cho ra mắt hai phần phim chính (The Conjuring 1 và 2), 2 phần spin-off xoay quanh búp bê ma Annabelle. The Conjuring 3 và hai phần spin-off The Nun, The Crooked Mancũng đã được lên kế hoạch sản xuất.
Bộ phim mới nhất đã khởi chiếu cuối tuần này – Annabelle: Creation có nhiều chi tiết kết nối rõ ràng với ba phần phim trước đó, đồng thời, “nhá hàng” phần tiếp theo xoay quanh ác ma Valak. Như vậy, hãng Warner Bros. đã gián tiếp tuyên bố sự ra đời của “Vũ trụ kinh dị Conjuring”.
Quan trọng hơn, “vũ trụ điện ảnh” này được đánh giá là có tiềm năng cực kỳ lớn bởi những lý do sau đây.
Kinh phí thấp cho phép đạo diễn tự do sáng tạo
Các sản phẩm điện ảnh có kinh phí sản xuất càng cao thì càng chịu nhiều áp lực và phải tuân thủ nhiều quy tắc, áp đặt khắt khe từ các hãng phim. Và ngược lại, với những phim có kinh phí càng thấp, nhà làm phim càng tự do thể nghiệm nhiều ý tưởng độc đáo, sáng tạo. Kinh dị là thể loại phim “ngốn” tiền các nhà sản xuất khá ít, thế nên rủi ro thua lỗ là không đáng kể.
Annabelle – phần được đánh giá kém nhất trong bốn phim đã ra mắt, chỉ tốn 6,5 triệu đô tiền kinh phí trong khi thu về gấp 40 lần. Phần có kinh phí cao nhất trong loạt phim tính đến này là The Conjuring 2 cũng chỉ mất 40 triệu đô để sản xuất. Với thành công hiện tại, những phim trong tương lai chắc chắn sẽ có kinh phí sản xuất còn lớn hơn, cho phép các đạo diễn tự do thể hiện sáng tạo trong việc lựa chọn chủ đề, xây dựng bối cảnh, hiệu ứng hình ảnh và những cảnh hành động máu me.
Đội ngũ sáng tạo tài năng
Yếu tố quyết định thành công của một “vũ trụ điện ảnh” là người đứng đầu phải có tầm nhìn sáng tạo. Với Marvel, người quyết định là Chủ tịch Kevin Feige, với DC là Geoff Johns còn với The Conjuring, đó là James Wan. Không chỉ là người đặt viên gạch đầu tiên cho “Vũ trụ kinh dị Conjuring” và trực tiếp đạo diễn hai phần phim quan trọng nhất, James Wan còn định hướng cho những phim khác để tạo nên chất lượng thống nhất cho loạt phim.
Kể cả khi không có James Wan đằng sau ống kính, các nhà sản xuất cũng rất giỏi trong việc chiêu mộ những đạo diễn tài năng khác về thực hiện phim cho mình. David F. Sandberg – người vừa thành công với Lights Out năm ngoái, đã trở thành người cầm trịch Annabelle: Creation. Và bộ phim đang nhận được phản hồi vô cùng tích cực.
Concept đủ lớn để xây dựng một “vũ trụ điện ảnh”
Chủ đề kinh dị siêu nhiên cực kỳ rộng lớn và đa dạng. Mỗi phần phim có thể khai thác một câu chuyện riêng biệt mà không gặp nhiều sức nặng trong việc duy trì mạch phim của phần trước đó. Hai trong số bốn phim đã ra mắt là phần spin-off xoay quanh Annabelle, hoàn toàn không có sự xuất hiện của bộ đôi Ed và Lorraine Warren nhưng vẫn thành công. Đó là bởi yếu tố quyết định nằm ở những mảng miếng hù doạ hiệu quả của riêng mỗi phần.
Các phần tiếp theo giúp câu chuyện được đào sâu
Một trong những điều khiến The Conjuring đặc biệt so với nhiều phim kinh dị khác là việc các phần tiếp theo giúp nội dung của loạt phim sâu sắc hơn. Như nhân vật Annabelle xuất hiện thoáng qua trong phần đầu tiên, gợi nhiều tò mò cho khán giả. Đến hai phần spin-off, quá khứ, nguồn gốc của búp bê ma được hé lộ khiến khán giả thoả mãn và giúp lịch sử “vũ trụ” thêm thú vị.
Tính độc lập của các phần phim
Như đã đề cập ở trên, The Conjuring tránh khỏi một vấn đề mà các vũ trụ điện ảnh khác mắc phải, đó là sự kết nối chặt chẽ giữa các phần. Không giống Vũ trụ Điện ảnh Marvel hay DCEU, “Vũ trụ kinh dị Conjuring” không xây dựng các sự kiện để dẫn đến một cuộc chiến lớn và đòi hỏi khán giả phải hiểu biết rõ về các nhân vật trong những phần trước. Thay vào đó, mỗi phần trong loạt phim kể một câu chuyện riêng, với mở đầu, kết thúc rõ ràng. Dù nắm rõ các sự kiện trong loạt phim sẽ giúp trải nghiệm xem phim tốt hơn, khán giả không xem các phần trước vẫn dễ dàng hiểu được nội dung phần mới. Như thế, loạt phim có thể thu hút thêm nhiều khán giả mới.
Thể loại kinh dị ít cạnh tranh
Khán giả hiện nay đang cảm thấy quá tải bởi số lượng các phim siêu anh hùng ra mắt hàng năm, nhưng không nhiều người than phiền bởi sự ra mắt của các phim kinh dị. Đó là vì thị trường phim kinh dị đang ít có sự cạnh tranh. Như năm nay, chỉ có duy nhất Annabelle: Creation và IT là hai cái tên đáng chú ý ở dòng phim kinh dị siêu nhiên. Hơn nữa, kinh phí sản xuất khiêm tốn, lại luôn được đánh giá cao hơn các phim cùng đề tài khiến “Vũ trụ kinh dị Conjuring” gần như bất khả chiến bại ở lãnh địa của mình.
Các fan phim kinh dị cũng vô cùng “nhiệt huyết”, không chỉ trung thành với các phim quen thuộc mà còn cởi mở chào đón những tên tuổi mới. Mùa hè năm ngoái, The Conjuring 2 và Lights Out ra mắt cách nhau chưa đầy một tháng nhưng đều thu được thành công lớn.
Theo Cinemablend