Không chỉ có hiện tượng “Your Name”, năm qua, anime của Nhật Bản còn gặt hái được nhiều thành công khác.
Còn 2 tháng nữa chúng ta sẽ kết thúc năm 2017. Hãy điểm lại một số anime thành công trong năm qua để hiểu thêm về thể loại điện ảnh đặc trưng xứ anh đào nhé.
Dòng phim đại chúng: vẫn nhịp nhàng vắt sữa
Với một ngành truyền thông mạnh mẽ, một bộ phim anime chắc chắn sẽ có liên quan đến những tác phẩm trong lĩnh vực truyện tranh/game/đồ chơi. Và năm 2017, ngành anime lại tiếp tục thu lợi từ những bộ phim đến từ các franchise đã thành công từ trước.
Điển hình nhất là movie 21 của Thám tử lừng danh Conan. Có thể với bạn đọc Việt Nam, việc kéo dài bộ truyện tranh này từ năm này qua năm khác, cộng với những tình tiết ngày càng nhàm chán khiến Conan không còn là một cái tên hấp dẫn. Nhưng ở Nhật, người ta vẫn yêu quí Conan đến nỗi ga Nagoya (1 thành phố lớn của Nhật) còn có biệt danh là Ga của thám tử Conan. Và với bộ phim Conan: Bản Tình Ca Màu Đỏ Thẫm, các nhà sản xuất đã kịp thu về hơn 6.87 tỷ Yên (hơn 60.5 triệu USD) doanh thu.
Tuy thành công dựa trên fandom lâu năm, nhưng phim cũng không phải hoàn toàn dở, nhất là khi cốt truyện khai thác trò chơi Karuta truyền thống và được hợp tác sản xuất với tác giả bộ truyện tranh Chihayafuru nổi tiếng.
Hay một bộ phim khác cũng được làm dựa theo series light novel ăn khách và cũng đã có mặt tại Việt Nam vào tháng 5 năm nay - Sword Art Online the Movie: Ordinal Scale. (Sword Art Online: Ranh giới hư ảo).
Phim lấy bối cảnh năm 2026, một chiếc máy mới gọi là Augma được phát triển để cạnh tranh với NerveGear bởi người kế nhiệm Amusphere. Augma không có chức năng đầy đủ giống như các phiên bản trước của nó. Thay vào đó, nó sử dụng Augmented Reality (AR) để đưa người chơi vào trò chơi. Nó an toàn, thân thiện với người dùng và cho phép người dùng chơi trong khi họ có ý thức, lập tức trở thành hit trên thị trường. Trò chơi phổ biến nhất trên hệ thống là "Ordinal Scale", một ARMMORPG được phát triển dành riêng cho Augma. Khi Asuna và nhóm của cô, cũng như Kirito tham gia vào trò chơi, một biến cố đã xảy đến.
Với doanh thu 4.3 tỉ Yên, đây hẳn là một đoạn kết đẹp cho series nổi đình nổi đám này.
Bên cạnh đó còn có các anime dựa trên các series manga khác cũng lần lượt ra mắt khán giả như Fairy Tail: Dragon Cry, Black Butler: Book of the Atlantic, Kuroko: Last Game. Trong số này chỉ mới có Kuroko: Last Game được ra mắt tại Việt Nam.
Các tên tuổi lớn tiếp tục thống trị
Từng làm thế giới say mê với câu chuyện đẹp đến nao lòng và nét vẽ đầy mê hoặc trong 5cm/s, đạo diễn Makoto Shinkai đã trở lại và hớp hồn khán giả lần nữa qua siêu phẩm Kimi no Na wa (Your Name). Được phát hành tại Việt Nam vào dịp đầu năm nay với tựa Tên cậu là gì?, bộ phim hoạt hình dài 107 phút kể về câu chuyện của Yotsuha và Taki, hai học sinh trung học sống cách nhau đến 3 năm và hàng trăm cây số. Vẫn cách kể chuyện duyên dáng, Makoto Shinkai đã thêm thắt yếu tố siêu nhiên, li kì vào câu chuyện tình đẹp đẽ tuổi học trò và khiến khán giả phải vỡ òa cảm xúc suốt cuộc hành trình ấy.
Sức hút của “Kimi no Na wa” được thể hiện qua việc khán giả Việt sẵn sàng ra rạp dù đã có bản lậu trên mạng từ trước.
Có thể nói, Kimi no Na wa là một ví dụ tiêu biểu cho việc những tác phẩm nguyên bản không cần dựa vào dây chuyền phim-truyện-game. Bộ phim được đón nhận nhiệt liệt tại Nhật Bản, Việt Nam, Mỹ và cả Trung Quốc, đem về cho hãng Toho hơn 355 triệu USD doanh thu toàn cầu.
Nếu Makoto Shinkai cùng Kimi no Na wa có cuộc đại thắng về doanh thu, thì đạo diễn Katabuchi Sunao cùng bộ phim In This Corner of the World (Góc khuất của thế giới) của ông lại có chiến thắng cả về doanh thu lẫn giải thưởng.
Phim lấy bối cảnh thập niên 1930 - 1940 tại hai thành phố Hiroshima và Kure, Nhật Bản vào khoảng 10 năm trước và sau vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki.
Trong phim, thiên nhiên và nền văn hóa truyền thống của Nhật Bản được khắc họa và phản chiếu bằng những cảnh tàn khốc và tuyệt vọng do chiến tranh gây ra. Tuy đây là tác phẩm hư cấu, song nội dung nền tảng dựa trên các sự kiện có thật, do chính nhà sản xuất phim dày công nghiên cứu. Cảnh quan thành phố Hiroshima trước vụ ném bom lịch sử được tái hiện lại chính xác dựa trên ảnh chụp cũ và ký ức của người dân sống ở nơi đây.
Phim xoay quanh cuộc đời của nhân vật nữ Suzu trong bối cảnh Thế Chiến II tại Kure, một thành phố nhỏ gần Hiroshima.
Đạo diễn Katabuchi Sunao chia sẻ, ông đã cố gắng thêm những chi tiết chân thực và chính xác vào bối cảnh của bộ phim, ví dụ như một cảnh chụp cần sửa 20 lần mới ưng ý, hay sử dụng ảnh vệ tinh để đo kích thước của một cửa tiệm và phỏng vấn với trên 10 người dân lớn tuổi. Như một sự đền đáp xứng đáng, bộ phim đã được đề cử và giành nhiều giải thưởng, trong đó có cả Giải thưởng của Viện Hàn lâm Nhật Bản. Phim còn gây tiếng vang tại nước ngoài khi được đề cử cho hạng mục World Fiction Competition tại liên hoan phim Los Angeles 2017.
Sự trở về của vị vua
Hayao Miyazaki - người tạo nên những giấc mơ tuyệt vời nhất.
Thế nhưng, tất cả những bộ phim anime trên có thể vẫn chưa đủ để thỏa mãn cơn khát anime của “fan ruột”. Bởi có lẽ họ đang chờ đợi sự trở về của Hayao Miyazaki, đồng sáng lập của hãng hoạt hình lừng danh Ghibli. Dù đã nhiều lần tuyên bố về hưu nhưng Hayao Miyazaki vẫn tiếp tục trở lại và càng lợi hại hơn. Nhưng người hâm mộ phải đợi đến năm 2019 mới được thưởng thức bộ phim Boro the Caterpillar – được phát triển dựa trên phim ngắn cùng tên.
Clip giới thiệu Hayao Miyazaki đang trong quá trình thực hiện bộ phim mới – “Boro the Caterpillar”.
Điều tuyệt vời hơn nữa là, dẫu bộ phim Boro the Caterpillar đã tốn của ông 20 năm lên ý tưởng, thì ông vẫn chưa hài lòng với nó và mong muốn làm thêm một phim khác để thỏa mãn sức sáng tạo của bản thân lẫn đáp lại lòng hâm mộ của khán giả.
Kết: Anime luôn chứa đựng sự cần mẫn, cầu kì và bản sắc riêng của người Nhật. Hi vọng rằng, trong năm 2018 sẽ có thêm nhiều tác phẩm anime “cập bến” Việt Nam để thoả mãn nhu cầu của người hâm mộ.