Kể từ “Insidious” (2010), dòng phim kinh dị siêu nhiên với trung tâm là những đứa trẻ bị quỷ dữ tấn công trở lại huy hoàng trên màn bạc.
Thành công của thể loại phim kinh dị, trước hết là khơi gợi được nỗi sợ cái ác và sự tàn bạo nơi người xem, đôi khi là cả sự ghê rợn và kinh tởm. Đặc trưng này khiến kinh dị chưa bao giờ là một thể loại phù hợp với những khán giả nhỏ tuổi. Nhưng đối với bản thân những bộ phim kinh dị, trẻ em lại là một kiểu nhân vật tuyệt vời. Đã có một giai đoạn khá dài, trẻ em đã trở thành kiểu nhân vật được yêu thích trong những bộ phim kinh dị - chúng sẽ là nạn nhân, hoặc chính là thủ phạm của nỗi kinh hoàng.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ chỉ nhắc đến trẻ em, trong vai trò nhân vật chính, và là nạn nhân của những sự tấn công của các thế lực ma quỷ.
Sự quay trở lại của xu hướng
Trong bốn thập kỉ cuối của thế kỉ 20, xu hướng lựa chọn trẻ em làm nhân vật chính trong các phim kinh dị - chủ yếu thuộc thể loại siêu nhiên, đã mang đến cho khán giả cùng lúc cả cảm giác sợ hãi và bất ngờ. Bắt đầu từ năm 1973 với The Exorcist, bộ ba The Poltergeist các năm 1982 – 1986 – 1988, The Shinning (1980) và IT (1990). Những bộ phim ra đời trong khoảng thời gian này đã từng bước kéo trẻ em ra khỏi vùng an toàn trong những bộ phim kinh dị.
Bộ ba “The Poltergeist” các năm 1982 – 1986 – 1988.
Trong hai thập niên tiếp sau đó, với sự lên ngôi của thể loại slasher, zombie và xu hướng lồng ghép yếu tố hành động cường độ cao vào thể loại kinh dị, trẻ em không còn là lựa chọn tiềm năng cho vị trí nhân vật chính. Nhưng giờ đây, xu hướng ấy đã quay trở lại.
Hãy kể tên những series phim kinh dị “bom tấn” trong vòng 5 năm trở lại đây. Đầu danh sách này, chắc chắn phải là Insidious với cậu con bé Dalton bị đoạt hồn bởi một con quỷ đến từ thế giới bên kia. Và nếu đã nhắc đến Insidious, không thể không kể đến hai phần của The Counjuring – series mà xét về nhiều yếu tố, đang giữ phong độ ổn định hơn người anh em của nó. Trong cả hai phần của series này, người xem sẽ được thấy các anh chị em trong hai gia đình nọ phải chống chịu trước những thế lực siêu nhiên tà ác trước khi vợ chồng nhà ngoại cảm Warren xuất hiện. Mới đây hơn, là Ouija: Origin of Evil và Annabelle: Creation với những đứa trẻ bị quỷ đoạt hồn…
Cậu bé Dalton của “Insidious Chapter I” và “Insidious Chapter II” trở thành nạn nhân của các linh hồn ác.
Và bản danh sách trên sẽ không thể hoàn chỉnh nếu thiếu sự hiện diện của bộ phim kinh dị - tâm lý IT (2017). Là bản phim điện ảnh đầu tiên chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Stephen King, IT kể lại câu chuyện một nhóm thiếu niên sát cánh bên nhau chống lại sự tấn công của một sinh vật khát máu trong hình dáng chú hề. Bộ phim là một thành công lớn được dự báo trước, về cả mặt doanh thu và giá trị nội dung. IT đã lột tả được cảm giác lạc lõng và nỗi ám ảnh tâm lí của những đứa trẻ vị thành niên không nhận được sự quan tâm của cả gia đình và xã hội, song song với việc thể hiện hình ảnh NÓ - một ác quỷ ăn thịt trẻ con khiến người xem ớn lạnh từ đầu đến chân.
Cảnh mở đầu phim kinh điển của “IT” (1990)
Phiên bản làm lại của IT lần này cũng gây ra nhiều bất ngờ vì đã thay đổi trọng tâm của câu chuyện, chỉ tập trung kể về khoảng thời gian các nhân vật mới bước vào tuổi thiếu niên thay vì lúc đã trưởng thành. Sự thay đổi về lứa tuổi này – được hợp lí hoá bằng cái tên “Chương I” hiện ra chỉ khi bộ phim đã kết thúc.
Tại sao lại là “chúng”?
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự lựa chọn này có lẽ bắt đầu từ việc Hollywood đã bão hoà các kiểu kịch bản cũng như motif nhân vật. Một bộ phim kinh dị còn gì là thú vị khi mọi thứ đã trở thành công thức? Như cái cách mà một vài năm trước The Cabin in the Wood đã cười cợt nền công nghiệp phim kinh dị, khán giả ngày nay ra rạp, và có thể chỉ ra nhân vật này sẽ sống hay chết, sẽ gặp nạn ở đoạn nào trong phim chỉ bằng vài chục phút quan sát. Thế nên, thay bằng việc cố tiếp tục đào sâu vào vũng lầy ấy, chi bằng tìm đến một kiểu nhân vật khác, luôn được biết đến bởi khả năng tạo ra những bất ngờ: trẻ em.
Trẻ em, đang trong quá trình hình thành nhân cách, hành động bằng những yêu ghét bản năng nhiều hơn kinh nghiệm sinh tồn, chính là làn gió mới thổi vào những bộ phim kinh dị đã cũ. Chẳng phải quá ngọt ngào sao khi bạn nghe thấy cậu bé anh trai trong The Poltergeist (2015) đã quyết định đi sang thế giới bên kia, vì “Cháu sẽ không bỏ rơi em gái mình!”, hay cậu em trai trong The Conjuring 2 hét lên “Ta không sợ mi đâu” khi đối diện với quỷ dữ đang cướp lấy cơ thể chị gái mình? Hay như trường đoạn cô bé Linda trong Annabelle: Creation tìm cách chạy trốn khỏi căn nhà ma ám, sự nhạy bén và khéo léo của cô bé trong tình huống ngặt nghèo ấy chẳng phải đã khiến người xem quên đi khoảng cách giữa nhân vật và khán giả hay sao?
Linda của “Annabelle: Creation” là một nhân vật gây nhiều bất ngờ
Lí do thứ hai, giải thích đồng thời cho cả việc tại sao lại chọn trẻ em làm nhân vật trung tâm, và tại sao cách làm ấy lại đạt hiệu quả lớn, chính là bản năng duy trì nòi giống – thể hiện ở việc các con trưởng thành có trách nhiệm bảo vệ những con thú non trong đàn, hay việc người trưởng thành có trách nhiệm phải bảo vệ những đứa trẻ là tương lai của chính họ. Lựa chọn trẻ em làm nhân vật trung tâm của những cuộc tấn công, bỏ lại chúng trong cô độc và sợ hãi, chính là tấn công trực diện vào cảm xúc bản năng ấy nơi người xem, khiến họ, song song với cảm giác bức bối khó chịu, không thể nào quên được những gì mình đã nhìn thấy trên màn ảnh.
Và trong một vài trường hợp, nỗi sợ hãi của những đứa trẻ trên phim, cũng gợi lại cho chính những khán giả ngồi bên dưới những nỗi sợ hãi nguyên thuỷ của mình khi còn là một đứa trẻ.
Chú hề cũng là một hình ảnh gây ám ảnh và sợ hãi cho cả người lớn và trẻ em.
Nhưng tất nhiên, trong các bộ phim, trẻ em có thể là đối tượng bị tấn công, nhưng chúng luôn có cách để chứng minh rằng mình không yếu đuối. Đối mặt trực diện với nỗi sợ hãi của mình là một lựa chọn đầy can đảm. Như những đứa trẻ trong IT đã cùng tiến vào hang ổ của Pennywise, hay cô bé Linda trong Annabelle: Creation đã mang con búp vê vứt xuống giếng, rồi chú bé Dalton trong Insidious đã dấn thân để tìm lại người bố đang đi lạc trong thế giới của những linh hồn ác… Sự quả cảm, và tình yêu thương trong sáng của chúng luôn có đủ sức mạnh để chinh phục trái tim của khán giả, xoa dịu những nỗi sợ hãi của họ gây ra bởi cái ác trên màn ảnh.
Tuy trở thành nạn nhân của cái ác, nhưng các nhân vật trẻ em luôn có cách để vượt qua, bằng sự quả cảm và tình yêu thương trong sáng.
Nếu coi sự xuất hiện của Insidious (2010) là mốc khởi đầu của quá trình “phục hưng” xu hướng lấy trẻ em làm đối tượng chính chịu sự tấn công trong các bộ phim kinh dị, thì IT chính là đỉnh cao của sự “phục hưng” ấy. Đây cũng có thể coi là một sự trùng hợp đáng kinh ngạc, vì 27 năm về trước, phiên bản đặc biệt chiếu trên truyền hình của bộ phim này cũng nằm ở đoạn kết cao trào của những bộ phim kinh dị lấy trẻ em làm nhân vật trung tâm. Liệu lịch sử ấy có một lần nữa lặp lại, hay xu hướng này sẽ tìm được một hướng phát triển mới? Đây quả thực là một “bí ẩn” gây tò mò và hối thúc người xem ra rạp và khám phá.
Theo Muzuco