Đạo diễn Koizumi Norihiko không lên kế hoạch làm ra lại một bộ phim lãng mạn hài hước học đường nữa, mà ông triển khai câu chuyện theo chủ đề chính là trò chơi Karruta. Các nhân vật trong phim đều thú vị theo những cách riêng biệt, và được xây dựng rất có chiều sâu.
2016 là một năm khá thú vị của nền điện ảnh Nhật Bản trên nhiều phương diện. Đầu tiên trên khía cạnh thương mại, hai tác phẩm đáng chú ý nhất là phiên bản reboot lần thứ ba của franchise “Godzilla” đình đám và anime “Your Name”.
Đây cũng là năm mà nhiều sự kiện đáng chú ý diễn ra trong ngành điện ảnh Nhật Bản như sự tái sinh của series “Roman Porno”, công ty Third Window sản xuất ra bộ phim “không kinh phí” xuất sắc “Lowlife Love”, xu hướng chuyển thể manga/anime tiếp tục mang đến những tác phẩm chất lượng, nổi bật nhất là “Chihayafuru”. Không có gì bất ngờ khi thể loại chính kịch xã hội độc lập vẫn được ưa chuộng nhất, với số lượng phim vượt trội trong năm 2016, tuy nhiên, nhờ hướng tiếp cận độc đáo của riêng mình mà “Hime Anole” được giới phê bình đánh giá cao hơn hẳn. Cuối cùng, màn quay trở lại với thể loại kinh dị của đạo diễn Kurosawa Kiyoshi cùng “Creepy” cũng rất đáng được quan tâm.
Để bạn có một cái nhìn tổng quan về ngành điện ảnh phong phú của xứ sở hoa anh đào, sau đây chúng ta sẽ đến với danh sách top 10 bộ phim điện ảnh Nhật Bản trong năm 2016 (tính cả một số phim ra mắt cuối năm 2015).
10. Chihayafuru (Koizumi Norihiko)
Dựa trên bộ manga cùng tên đình đám của tác giả/họa sĩ Suetsugu Yuki, “Chihayafuru” xoay quanh trò chơi Karuta (một trò chơi thẻ bài kết hợp tốc độ và kiến thức về thi ca) và mối quan hệ tay ba giữa một cô gái và hai chàng trai.
Ayase Chihaya là một học sinh trung học “cuồng” Karuta, cô chơi nó từ nhỏ với hai người bạn là Wataya Arata và Mashima Taichi. Sau đó Ayase và Mashima lại cùng học trung học và lập ra một câu lạc bộ Karuta cùng với ba thành viên khác để tham gia giải đấu.
Ayase, Arata và Mashima còn tạo nên một tam giác tình yêu khi mà Mashima thầm thích Ayase và chơi bài chỉ để gần cô hơn, còn Ayase lại có tình cảm với Arata. Mọi chuyện càng trở nên rối rắm hơn khi Nữ Hoàng Karuta – Wakamiya Shinobu lại quan tâm tới Arata bởi lẽ đây là hai người chơi giỏi nhất trong lứa của họ.
Đạo diễn Koizumi Norihiko không lên kế hoạch làm ra lại một bộ phim lãng mạn hài hước học đường nữa, mà ông triển khai câu chuyện theo chủ đề chính là trò chơi Karruta. Các nhân vật trong phim đều thú vị theo những cách riêng biệt, và được xây dựng rất có chiều sâu.
9. Over the Fence (Yamashita Nobuhiro)
Kịch bản phim dựa trên truyện ngắn “Over Fence” từ tuyển tập “Ogon no Fuku” của Sato Yasushi. Nhân vật chính Shiraiwa sau khi vừa trải qua một cuộc hôn nhân tan vỡ, đã chuyển tới sống ở một thành phố khác và tham gia một khóa học hồi phục tâm lý. Sau đó, một người bạn học dẫn anh tới hộp đêm để thuyết phục hợp tác làm ăn, tại đây anh gặp Satoshi, và mối quan hệ đặc biệt của họ bắt đầu hình thành. Cùng lúc đó, anh và những người bạn học của mình cũng đang tập luyện cho một trận đấu bóng chày.
Đạo diễn Yamashita Nobuhiro thực hiện bộ phim theo phong cách drama Nhật Bản hiện đại, với diễn biến chậm rãi, không có nhiều tình tiết bất ngờ, một chút hài hước, rất nhiều mạch truyện phụ, và chủ yếu dựa trên nhân vật để phát triển cốt truyện.
Nhân vật Satoshi có lẽ là một trong những điểm nhấn lớn nhất của bộ phim, khiến nó nổi bật giữa hàng tá những tác phẩm cùng thể loại. Cô mang một cái tên khá … nam tính, làm việc tại một sở thú và thích bắt chước âm thanh của các loài chim. Một nhân vật có vẻ khá ngô nghê, đáng yêu và hồn nhiên, nhưng bên trong cũng đang ẩn chứa những tổn thương sâu sắc mà nữ diễn viên Yu Aoi đã thể hiện một cách hoàn hảo.
8. Creepy (Kurosawa Kiyoshi)
“Creepy” là tác phẩm đánh dấu sự quay trở lại của đạo diễn Kurosawa Kiyoshi với thể loại kinh dị sau thời gian dài thử nghiệm với art-house và xã hội (“Journey to the Shore”, “Real”, “Tokyo Sonata”, …)
Mở đầu bộ phim, tên giết người hàng loạt mà thám tử Takakura đang thẩm vấn đã trốn thoát thành công. Điều này khiến Takakura quyết định xin từ chức và theo học chuyên ngành tâm lý tội phạm. Hai vợ chồng ông chuyển tới một nơi ở mới, hàng xóm của họ đều tỏ vẻ thận trọng, dè chừng hai người, chỉ trừ Nishino thân thiện, cho tới khi họ phát hiện ra bộ mặt thật đáng sợ của hắn.
Nét đặc trưng nhất của Kurosawa được thể hiện trong bộ phim kinh dị này là khả năng bồi đắp bầu không khí căng thẳng dần dần cho tới điểm “bùng nổ”. Những yếu tố rùng rợn xuất hiện một cách từ từ , qua những đoạn hội thoại thưa thớt, nhưng khiến chúng ta lúc nào cũng cảm thấy có gì đó không đúng. Tuy nhiên, điểm trừ của nó là thời lượng quá dài (130 phút), dù đoạn kết xuất sắc cũng phần nào bù đắp được cho sự chờ đợi người xem.
Cả ba nhân vật chính đều thành công trong việc tạo cho người xem cảm giác “có gì đó sai sai” ngay từ đầu, khi mà Takakura quá tâm huyết với việc phá án, Yasuko quá háo hức kết bạn, và đặc biệt là Nishino thì lúc nào trông cũng “ghê rợn”, bất kể hắn hành động như thế nào. Màn trình diễn của tất cả các diễn viên chính đều rất “nhịp nhàng” với bầu không khí ghê rợn chung của bộ phim.
7. The Long Excuse (Nishikawa Miwa)
Kinusaga Sachio từng là một nhà văn rất thành công trong quá khứ, nhưng nay đã hết thời và phải kiếm tiền bằng cách tham dự những buổi talk show. Anh ta kết hôn với Natsuko, một nhà tạo mẫu tóc, và có hai đứa con, nhưng lại luôn đi ngoại tình. Mọi chuyện thay đổi khi Natsuko chết trong một tai nạn xe buýt cùng với người bạn của cô là Yuko. Và hai người đàn ông góa vợ là Sachio và Yoichi đối mặt với tình cảnh này theo hai cách khác nhau hoàn toàn.
Sachio cố gắng tận dụng “nỗi đau” của mình để thu hút sự chú ý của công chúng, trong khi Yoichi đắm chìm trong nỗi đau khôn nguôi. Thế rồi họ bắt đầu kết bạn với nhau nhờ nỗ lực của Yoichi, rồi Sachio cũng để Yoichi làm “bảo mẫu” cho hai đứa con của mình luôn. Đến khi họ bắt đầu thân thiết với nhau, Sachio mới nhận ra lỗi lầm của mình với người vợ quá cố.
“The Long Excuse” là một bộ phim cảm động và nhân văn, xen lẫn vào đó những yếu tố đầy hài hước, dí dỏm. Diễn xuất là điểm nhấn lớn nhất của bộ phim, đặc biệt là hai diễn viên nhí trong vai con của Sachio, với hầu hết những thông điệp chính trong phim đều được truyền tải qua đoạn đối thoại của chúng với ông bố của mình.
6. After the Storm (Korreeda Hirokazu)
Trong suốt hai thập kỷ qua, Koreeda Hirokazu đã leo lên vị trí đỉnh cao của thể loại drama gia đình Nhật Bản với hàng loạt những tác phẩm xuất sắc như “Nobody Knows”, “Still Walking”, “Like Father, Like Son”, … Và “After the Storm” lại tiếp tục chuỗi thành công của ông trong thể loại này.
Câu chuyện xoay quanh Ryota, một tiểu thuyết gia tầm cỡ trong quá khứ, nhưng nay sống một cuộc đời khốn khổ vì sa vào cờ bạc, bị vợ li dị và không được gặp con của mình vì không gửi tiền trợ cấp. Để kiếm tiền, Ryota tìm cách bán đồ trong nhà bố mẹ mình, khiến cho mẹ của ông là Yoshiko cũng sẵn sàng đuổi ông ra đường. Đến khi biết được rằng vợ mình đang gặp mặt người đàn ông khác, Ryoto cố gắng thay đổi và sửa chữa những sai lầm bằng cách cố gắng gắn kết hơn với cậu con trai của mình, và cơ hội đã đến với ông trong một đêm giông bão.
Lại một lần nữa Koreeda đạo diễn thành công một bộ phim ý nghĩa về tình cảm gia đình theo phong cách quen thuộc của mình, vốn đã trở thành thương hiệu “kiểu mẫu” của thể loại này tại Nhật Bản. Phong cách này kết hợp diễn biến chậm rãi, tình tiết nhẹ nhàng, không bùng phát mà chú ý tới tiểu tiết (đặc biệt là tái hiện một cách chân thực cuộc sống hàng ngày), sự tương tác giữa các nhân vật, và một chút hài hước.
Theo Tasteofcinema