Cùng tìm hiểu về Sô Ngu, sinh vật mạnh mẽ nhất xuất hiện trong Fantastic Beasts: Crimes of Grindelwald

Nguyễn Hoàng Thuận

Sô Ngu là sinh vật được rất nhiều người xem chú ý đến bởi vẻ ngoài kì lạ cũng như là sức mạnh của nó

Nũ tác giả J. K. Rowling cũng đã từng chia sẻ rằng bà tạo nên hình tượng Sô Ngu dựa trên một loài thần thú xuất xứ từ thần thoại Trung Quốc. Theo như Fantastic Beasts: Crimes of Grindelwald miêu tả thì Sô Ngu có hình dạng như một con mèo nhưng với kích thước của một con voi, có sọc vằn đen trắng trên người như bạch hồ và có một cái bờm của sư tử.

Sô Ngu còn sở hữu cho mình 4 cái răng manh cong và dài cùng với bộ móng vuốt sắc nhọn. Ngoài ra thì nó cũng có một cái đuôi nhiều màu và dài quá cỡ so với kích thước của cơ thể. Là một thần thú nên tất nhiên Sô Ngu cũng rất mạnh, chạy nhanh như gió và có thể đi cả ngàn dặm.

Cái tên Sô Ngu được phiên âm trực tiếp từ chữ Hán 騶虞 (Phồn thể), 驺虞(Giản thể) và phiên âm là zōu yú, phiên âm tiếng Anh là Zouyu hoặc Zouwu. Có nghĩa là ''con thú hay nghi ngờ, tò mò''.

Newt Scamander đã từng bắt gặp Sô Ngu trước đó trong khi đi chu du khắp thế giới để ghi chép về các loài thần thú, tuy nhiên không rõ vì lý do gì mà anh không nhắc đến loài vật này trong quyển sách Fantastic Beasts And Where To Find Them.

Sô Ngu cũng có một hình dạng dữ tợn dù sinh vật này vốn rất hiền lành, chính Newt cũng đã từng nói rằng nó chỉ là một con mèo to xác và dễ bị con người làm cho hoảng sợ.

Nguyên bản của Sô Ngu trong thần thoại Trung Quốc được biến đến lần đầu tiên trong Sơn Hải Kinh - Là một bộ kỳ thư thời thượng cổ của Trung Quốc nhằm ghi chép lại những điều kỳ lạ cũng như là các thần linh, thần thú...có niên đại hơn 2000 năm.

Theo như Sơn Hải Kinh ghi chép thì Sô Ngu vẫn là một tạo vật của thiên giới, mang trong mình lòng từ bi độ lượng, tình tình thuần phác, đến cả cành cây nó cũng không nỡ giẫm đạp. Sô Ngu là linh thú nên không chết vì đói, chính vì vậy nó cũng không ăn thịt sống. Về sau, Sô Ngu được tôn là vua trong các loài mãnh thú vì sự cao thượng của nó.

Mặc dù có hình dạng khá giống nhưng đừng nhầm lẫn Sô Ngu với con Kỳ Lân hoặc con Nghê/sư tử đá giữ cửa.

Có nhiều ý kiến và ghi chép cho rằng Sô Ngu được tưởng tượng dựa trên hình ảnh của con gấu trúc, bởi vì tính tình hiền lành và không ăn thịt động vật khác. Tuy nhiên ý kiến này lại không phù hợp với những mô tả về hình dáng của nó (một loài mèo to lớn) và năng lực (chạy nhanh) của con vật. Gấu trúc vốn chậm chạp và cũng không có đuôi.

Giả thuyết có tính thuyết phục nhất chính là hình ảnh Sô Ngu vốn dựa trên con báo tuyết (Snow Leopard) ngoài đời thật. Loài này từ xưa vốn có mặt ở những đỉnh núi tuyết thuộc dãy Himalaya vùng Tây Bắc Trung Quốc.

Báo tuyết khá khớp với Sô Ngu về ngoại hình, đặc biệt là cái đuôi dài quá cỡ so với cơ thể. Ngoài ra loài này cũng rất tò mò nhưng lại hay e sợ, ít khi tiếp cận loài người. Khi thấy người chúng thường chạy đi mất dạng, rất đúng với cái tên ''Sô Ngu'' - kẻ hay nghi ngờ, e sợ.

Báo tuyết sống ở những ngọn núi xa xôi có độ cao chót vót, lại chạy nhanh, cũng khớp với mô tả có thể đi ngàn dặm trong Sơn Hải Kinh.

Mặc dù thuộc họ nhà mèo nhưng Báo tuyết lại sống trong một môi trường đặc thù đó là vùng núi đá lạnh giá quanh năm chứ không phải trong rừng. Đa phần chúng săn mồi vào ban đêm, chúng men theo những đường mòn, khe đá trên sườn núi để săn các loài dê núi và thú có vú nhỏ hơn.

Báo tuyết ngụy trang nhờ bộ lông đặc trưng và tấn công cắn cổ con mồi cực nhanh chỉ trong vài giây. Sau khi bắt được con mồi chúng sẽ ăn một phần và chôn phần thừa lại trong tuyết để dành ăn dần khi đói.

Quá trình đi săn này hoàn toàn khuất khỏi tầm quan sát của người Trung Quốc cổ đại. Vào buổi sáng họ sẽ chỉ thấy báo tuyết đùa giỡn, chạy tới chạy lui giữa các vùng núi tuyết mà thôi.

Thêm vào việc báo tuyết rất sợ người, nếu phát hiện người tới gần nó sẽ chạy mất dạng, chính vì thế người Trung Quốc xưa đã ghi chép rằng nó là con vật hiền từ không ăn thịt sống, không nỡ đạp lên ngọn cỏ (thực ra môi trường, thói quen di chuyển khiến báo tuyết không chạm đến cỏ và bản tính sợ người khiến nó cũng không tấn công loài người).

Cho đến thời điểm hiện tại thì giả thuyết này đã được các học giả Trung Quốc đồng ý nhất vì tính logic của nó. Đồng thời báo tuyết cũng là loại động vật duy nhất trùng khớp với miêu tả về ngoại hình trong Sơn Hải Kinh.

Về sau, một số thơ văn và các bức họa cổ xưa được phát hiện thêm đã chứng minh giả thuyết này là đúng.

Hôm nay 16 tháng 11 là ngày công chiếu phim bom tấn Fantastic Beasts: Crimes of Grindelwald được người hâm mộ khắp nơi trên thế giới mong chờ. Lost Bird hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ về loài thú thần thoại xuất hiện trong phim và có trải nghiệm xem phim thú vị hơn.

Nguồn bài: Tổng Hợp

Theo Lostbird

Bài cùng chuyên mục