Trước siêu phẩm Ký sinh trùng vừa giành giải "Bộ phim xuất sắc nhất" tại Oscar 2020, vị đạo diễn Bong Joon-ho từng mang đến nhiều tác phẩm vô cùng giá trị.
Sau nhiều năm hoạt động trong làng làm phim, thành công đã mỉm cười với Bong Joon-ho khi vừa qua tại đường đua điện ảnh danh giá nhất, vị đạo diễn tài năng đã vượt qua hàng loạt ứng cử viên xuất sắc để chiến thắng hạng mục "Đạo diễn xuất sắc nhất" tại Oscar 2020, chính thức làm nên lịch sử là người châu Á đầu tiên giành được giải thưởng danh giá này trong suốt hơn 100 năm lịch sử.
Trước siêu phẩm Parasite (tựa Việt: Ký sinh trùng) vừa giành giải "Bộ phim xuất sắc nhất" tại Oscar 2020, nhà làm phim tài ba của xứ kim chi từng mang đến nhiều tác phẩm vô cùng giá trị với bức thông điệp phản ánh giá trị xã hội sâu cay từ lâu vốn làm nên thương hiệu của ông.
1. Incoherence (1994)
Incoherence là bộ phim ngắn tốt nghiệp gồm có ba phần dài hơn 30 phút được đạo diễn cho ra mắt vào năm 1994. Phần đầu là chuyện một giáo sư đại học ngồi đọc tạp chí khiêu dâm trong văn phòng, phần hai là chuyện một ông lão đi tập thể dục chuyên uống trộm sữa được giao trước cửa hàng xóm mỗi sáng và phần ba là chuyện một người đàn ông đại tiện bậy bạ và bị phát hiện.
Ba câu chuyện tưởng như độc lập với nhau trong phim rốt cuộc tụ lại ở đoạn kết. Mặc dù còn nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật, Incoherence vẫn là bộ phim đầu tay ngắn góp phần chứng minh tài năng làm nghề của Bong Joon-ho ở thị trường phim ảnh.
2. Barking Dogs Never Bite (2000)
Cốt truyện phim xoay quanh chuyến hành trình tìm kiếm chú chó bị mất tích của một viện sĩ thất thế Lee Sung-jae và một nữ nhân viên quản lý tòa nhà Bae Doo-na. Trong khu chung cư của họ, các chú chó cảnh cứ thế mất tích một cách bí ẩn. Nhiều vấn đề xã hội bị lột trần một cách khéo léo trong tác phẩm, đơn cử như chuyện muốn tiến thân phải đi đút lót hay những góc khuất trong đạo đức tồn tại ẩn sâu bên trong mỗi cá nhân con người.
Dẫu vậy, bộ phim dài đầu tay của Bong Joon-ho lại nhận về nhiều phản hồi tiêu cực khi nhiều người cho rằng vị đạo diễn cổ súy vấn nạn bạo hành động vật.
3. Memories of Murder (2003)
Cho đến nay, cùng với Parasite, Memories of Murder (tựa Việt: Hồi ức kẻ sát nhân) vẫn được coi là những tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp làm phim của Bong Joon-ho nói riêng và làng điện ảnh Hàn Quốc hiện đại nói chung bởi những thông điệp ngầm phía sau, thay vì đơn thuần chuyện điều tra - phá án đơn thuần.
Dựa trên vụ án có thật về một kẻ giết người hàng loạt từng gây chấn động cả Đại Hàn dân quốc trong quãng thời gian từ 1986-1991, Memories of Murder theo chân hai thanh tra cảnh sát Park Doo-man (Song Kang-ho) và Seo Tae-yoon (Kim Sang-kyung) trong vụ điều tra gần như rơi vào bế tắc do nhiều hạn chế trong công tác điều tra và bối cảnh lịch sử thời bấy giờ. Bằng lối kể chuyện hấp dẫn, bộ phim đã khéo léo dẫn dắt người xem qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ vui vẻ, sợ hãi cho đến giận dữ tột cùng bởi cái kết đầy ám ảnh.
4. The Host (2006)
Ngay tại thời điểm vừa cho ra mắt, The Host của Bong Joon-ho đã trở thành bộ phim Hàn Quốc ăn khách nhất mọi thời đại với doanh thu từ hơn 13 triệu lượt khán giả nội địa. Câu chuyện phim xoay quanh một gia đình nghèo bên bờ sông Hàn có cuộc sống bị xáo trộn bởi một sinh vật lạ bỗng nhiên trồi lên từ dưới mặt nước và bắt đi đứa con gái nhỏ của họ.
Cũng như nhiều tác phẩm khác, The Host không chỉ đơn thuần là một bộ phim về đề tài quái vật mà ẩn chứa nhiều bức thông điệp xã hội sâu cay mà vị đạo diễn muốn gửi gắm. Hành trình tìm kiếm người thân của nhóm nhân vật chính làm lộ ra nhiều “ung nhọt” trong xã hội Hàn Quốc hiện đại. Phim thậm chí còn đề cập trực diện đến mối quan hệ chính trị Mỹ - Hàn vốn gây nhiều tranh cãi trong xứ sở kim chi trong những năm đầu của thế kỉ 20.
5. Mother (2009)
Mother kể về câu chuyện của một bà mẹ Kim Hye-ja đang cố gắng tìm cách minh oan cho cậu con trai yêu dấu Won Bin khi dính phải án tử vì bị cho là kẻ sát nhân. Mãi đến bộ phim này, người ta mới thấy được tình mẫu tử có lẽ chưa bao giờ mãnh liệt và trần trụi đến thế trên màn ảnh lớn. Trong Mother, dường như không tồn tại ranh giới trắng - đen, đúng - sai, và người xem cứ thế bị cuốn theo chuyến hành trình đầy gai góc của bà mẹ tội nghiệp.
Ra mắt vào năm 2009, mặc dù có quy mô nhỏ hơn so với ba tác phẩm trước đó những tiếng vang của bộ phim là không hề nhỏ. Phim vẫn nằm trong top những tác phẩm gây ám ảnh nhất của Bong Joon-ho.
6. Snowpiercer (2012)
Lấy bối cảnh thế giới bước vào giai đoạn hậu tận thế sau một thí nghiệm thất bại và những người sống sót nay sinh tồn trên chuyến tàu chạy động cơ vĩnh cửu, Snowpiercer phản ánh sự phân tầng xã hội từ nghèo đói, bẩn thỉu, cho đến xa hoa, trụy lạc. Bên cạnh đó, bộ phim còn chứa đựng nhiều phân cảnh hành động, kịch tính và cái kết nhiều suy ngẫm về trật tự giàu - nghèo trong xã hội.