Và cả hai đã được tạc tượng như một tấm gương về lòng dũng cảm đáng quý để mọi người học tập theo.
Cô bé Karina Chikitova ở Siberia được người dân bản địa đặt cho biệt danh là “cô bé Mowgli” – tên của nhân vật chính trong quyển sách nổi tiếng “Câu chuyện rừng xanh” (The Jungle Book), bởi câu chuyện thú vị tưởng chừng như không thể có thật trên đời này.
Cô bé Karina và chú chó Naida thực sự là một đôi bạn thân “có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia”. (Ảnh: Mirror)
Lúc 4 tuổi, cô bé Karina dắt chú chó Naida đi dạo chơi để rồi cả hai đều lạc vào khu rừngsâu gần đó, nơi ẩn chứa biết bao hiểm nguy rình rập như bầy sói đói hay những con gấu hung tợn. Giữa cái lạnh như cắt da cắt thịt của vùng Yakutai – nơi lạnh nhất ở nước Nga, chú chó Naida đã rúc vào lòng Karina để giữ ấm cho cô bé. Do thử đi tìm cha của Karina– người đang đi công tác xa, nên đôi bạn nhỏ này đã bị lạc trong rừng sâu.
Chú chó đã ở bên bảo vệ Karina suốt 9 ngày đêm trước khi tự tìm đường về nhà cầu xin sự cứu giúp. Những người dân làng đổ đi tìm Karina nhưng không dám vào sâu trong rừng vì họ thiếu dụng cụ bảo hộ cũng như vũ khí để chiến đấu với gấu và sói hoang.
Chú chó Naida đã ủ ấm cho Karina giữa cái giá rét của rừng sâu. (Ảnh: Mirror)
3 ngày sau, họ tìm thấy cô bé đang ngủ mê mệt trong một cái hố, hoàn toàn lành lặn trước sự ngỡ ngàng của bao nhiêu người. Được biết, Karina đã sống sót nhờ uống nước sông và ăn những quả dâu dại. Khi được tìm thấy, Karina rơi vào trạng thái suy dinh dưỡng trầm trọng. Cô bé đói lả người đi, kiệt sức và bị muỗi cắn khắp người.
Bức tượng đồng về Karina và Naida có tên “Cô gái nhỏ và chú chó” được thực hiện bởi Nikolay Chochchasov – một nghệ nhân điêu khắc người bản địa, nhằm tôn vinh nghị lực sinh tồn, sự kiên cường, dũng cảm của cô gái nhỏ người Yakut và sự cống hiến của chú chó thông minh. Bức tượng được đặt một cách đầy trịnh trọng tại sân bay Yakutsk – thành phố của vùng đất lạnh giá nhất thế giới này.
Bức tượng đồng về Karina và Naida. (Ảnh: Mirror)
Quay lại với câu chuyện của cô bé Karina và chú chó, khi gặp lại Naida, lời đầu tiên mà Karina nói với Naida chính là… một câu “trách”: “Sao cậu lại bỏ tớ?”. Nhưng thật ra, hành động này của Naida đã cứu mạng Karina. Khi quay trở về làng để cầu cứu, Naida không thể lần theo dấu vết để trở lại tìm Karina nữa, nhưng cũng nhờ vậy mà đội cứu hộ ghé lại bờ sông, vô tình thấy dấu chân của cô bé lưu lại trên đất ẩm. Ngay sau đó, họ tìm thấy cô bé lạc trong rừng sâu suốt 12 ngày đêm.
Karina Chikitova khi được giải cứu từ rừng sâu. (Ảnh: Mirror)
Bà của Karina khen ngợi cháu mình: “Con bé hầu như chẳng sợ khu rừng một chút nào cả. Nhưng cũng nhờ có Naida cứu giúp”. Karina phải nằm viện sau khi được giải cứu nhưng rồi cũng nhanh chóng bình phục.
Chú chó nhỏ Naida cứu chủ sau hơn 10 ngày lạc trong rừng sâu. (Ảnh: Mirror)
Bác sĩ điều trị cho Karina tại bệnh viện nhi đồng ở Yakutsk, Fedora Gogoleva, nói: “Gia đình Karina sống ở một ngôi làng hẻo lánh và có lẽ yếu tố này đã cứu sống cô bé. Vì lớn lên gần gũi với thiên nhiên, từng theo bà và cha mẹ vào rừng hái dâu nên Karina không hề tỏ ra sợ hãi khi bị lạc trong rừng sâu. Bản thân cô bé cũng là một người rất mạnh mẽ cùng với ý chí vững vàng. Tôi nghĩ những điều này đã thực sự cứu sống cô bé”.
Là một trong những người trong đội giải cứu Karina, anh Albert Semyonov chia sẻ trải nghiệm của mình: “Khu rừng này có rất nhiều gấu, khi vào đây, phải đi cùng với những người biết bắn súng mới làm chúng tôi cảm thấy bình tĩnh hơn. Tuy nhiên, nỗi sợ lũ gấu trong chúng tôi nhanh chóng bị thay thế bởi một nỗi sợ khác khủng khiếp hơn, đó là một cô bé không có khả năng tự vệ đang lạc giữa hiểm nguy khôn lường”.