Tại Nhật Bản, bạn sẽ thấy những con mèo hoang có một bên tai bị bấm cụt theo hình chữ "V". Chúng được gọi là "Neko Sakura", và là minh chứng cho thấy con người thực sự giàu tình thương đối với chúng.
Người Nhật Bản có một tình yêu đặc biệt dành cho loài mèo. Với người Nhật, các "boss" không chỉ là một vật nuôi bình thường, mà giống như linh vật mang điềm lành cùng quyền năng bảo vệ con người.
Bởi vậy ở Nhật có rất nhiều dịch vụ độc đáo có liên quan đến mèo. Từ những bức tượng mèo được đặt trước cửa nhà hàng (vì quan niệm mèo sẽ mang đến tài lộc), cho đến những quán cafe mèo. Doraemon - một trong những biểu tượng tinh thần của người Nhật chẳng phải cũng là mèo đó ư?
Không chỉ mèo nuôi, lực lượng mèo hoang ở Nhật cũng rất được coi trọng. Đến mức, họ có cả những hòn đảo chỉ toàn mèo là mèo sống ở đó. Tuy nhiên khi đến Nhật, đôi khi bạn sẽ bắt gặp những bé mèo hoang có một bên tai bị cắt thành hình chữ V. Chúng được gọi là "Sakura Cat" (hoặc Sakura Neko - mèo anh đào) vì hình dạng đôi tai giống như cánh hoa anh đào.
Tại sao lại cắt tai của các bé mèo? Ý nghĩa của dấu cắt ấy là gì? Thực ra, đằng sau nó là cả một câu chuyện đầy yêu thương và trách nhiệm của người Nhật đối với mèo.
Những con mèo với một bên tai bị cắt hình chữ V được gọi là "Sakura Neko"
Thánh địa dành cho mèo
Thành phố Nagasaki là một trong những địa điểm nổi tiếng nhất đối với khách du lịch yêu mèo. Du khách đến đây chẳng muốn ngắm quang cảnh chim muông, mà chỉ muốn dạo một vòng quanh thành phố thôi. Và họ sẽ phải choáng ngợp, vì ở đây có quá nhiều mèo.
"Ai đến đây cũng cảm thấy choáng ngợp, vì họ có thể đụng mặt hàng chục con mèo trong vòng 2h đồng hồ," - Noriko Jintoku, thành viên của CLB Người yêu mèo. CLB này mỗi năm đều tổ chức 6 sự kiện "nekosaruku" - nhằm đưa du khách đi dạo và ngắm nhìn mèo xung quanh Nagasaki.
Không phải tự nhiên mà Nagasaki được xem là thánh địa của mèo. Đặc điểm địa lý nhiều dốc, đường mòn và bậc thang khiến cho không nhiều phương tiện có thể lưu thông tại đây. Nhờ thế, lũ mèo có thể thoải mái an yên nô đùa trên đường mà không lo bị xe tải tông trúng. Ngoài ra, các con phố hẹp cũng có nhiều nơi trú ẩn, giúp lũ mèo nuôi con mà không bị con người chú ý đến.
Quá nhiều mèo cũng là vấn đề
Dù yêu mèo đến thế nào thì việc để chúng phát triển quá mạnh cũng sẽ gây ra xáo trộn trong cộng đồng.
Mèo không phải là một cục bông di động và xinh xẻo. Chúng là sinh vật sống, thậm chí còn là loài săn mồi bẩm sinh. Thế nên, nơi nào có nhiều mèo hoang, chim muông có thể nói là... tan nát. Cộng thêm việc những bãi phân và nước tiểu mèo vung vãi rồi để lại mùi rất lâu trên đường phố, mâu thuẫn đã xảy ra giữa những người yêu mèo và nhóm không thích chúng.
Mèo quá đông cũng là vấn đề nan giải
Giải pháp sau đó được đưa ra, bằng cách cung cấp địa điểm cố định cho mèo ăn và các hộp vệ sinh dành cho chúng. Ngoài ra, người dân cũng cắt đặt các tình nguyện viên với nhiệm vụ dọn dẹp WC cho các boss mỗi ngày, tránh trường hợp mùi xuất hiện ảnh hưởng đến cư dân.
Nhưng chưa đủ! Từ xưa, người Nhật đã rất yêu mèo, nên số lượng mèo nuôi và mèo hoang tăng rất nhanh. Vì thế, chính quyền buộc phải tiêu hủy bớt dưới danh nghĩa "an tử" - hay cái chết nhân đạo.
Theo thống kê từ chính phủ Nhật do tờ Times đưa ra, năm 2013 Nhật Bản thực hiện an tử cho gần 100.000 con mèo. Nhưng hóa ra như vậy đã là thấp hơn rất nhiều nếu so với con số hơn 1,1 triệu con mèo bị "an tử" vào năm 1974.
Người Nhật muốn bảo vệ mèo không rơi vào tình trạng "an tử", họ phải nghĩ ra giải pháp kìm hãm sự phát triển của mèo hoang. Và giải pháp chính là sự xuất hiện của các "Sakura Neko".
Sakura Neko và câu chuyện về tình yêu thương của người Nhật dành cho loài mèo
Thực ra, muốn mèo hoang không phát triển quá mạnh thì giải pháp duy nhất là phải triệt sản chúng. Vì tình yêu thương dành cho mèo, Hiệp hội động vật ở các địa phương đã đứng ra đảm nhận trách nhiệm này.
Quy trình triệt sản mèo hoang tại Nhật được thực hiện theo 3 bước TNR (T - trap: bắt giữ; N - Neuter: triệt sản; R - release: thả về chỗ cũ). Tại bước N, người ta sẽ cắt tai mèo đã qua triệt sản thành hình chữ "v" để đánh dấu rằng chúng đã được triệt sản thành công.
Bởi vết cắt này giống hình dạng của cánh hoa anh đào, nên chúng mới mang cái tên "Sakura Neko". Trong đó, mèo đực sẽ bị cắt tai phải, và ngược lại tai trái là mèo cái.
"Dù có thích mèo hay không, thì bất kỳ ai cũng sẽ cảm thấy hài lòng khi thấy một chú mèo hoang có đôi tai hình cánh hoa anh đào," - Jintoku chia sẻ.
Quy trình TNR được thực hiện và lan tỏa trên phạm vi toàn nước Nhật. Và bạn biết không, mục đích của TNR không chỉ là để kìm hãm sự phát triển của mèo, mà còn là giải pháp tối ưu để bảo vệ chúng khỏi một cái chết thê thảm.
Dobutsu Kikin tại đảo Tokunoshima là một trong những tổ chức đi đầu trong chiến dịch này. Mục tiêu của họ là mọi con mèo trên đảo đều được triệt sản miễn phí, với số lượng lên tới 3000 con, và hiện tại đã triệt sản thành công cho 2000 cá thể.
Cần biết rằng đảo Tokunoshima đã từng suýt được trao tặng danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới. Có điều, danh hiệu đã phải gác lại vì loài thỏ Amami quý hiếm trên đảo đang biến mất dần do bị mèo hoang săn đuổi. Tokunoshima vì thế đứng trước 2 lựa chọn: hoặc phải giải quyết lũ mèo, hoặc vĩnh viễn mất danh hiệu Di sản thiên nhiên trên.
Họ giao nhiệm vụ đó cho Dobutsu Kikin. Bằng cách triệt sản toàn bộ mèo trên đảo, quần thể mèo sẽ không tiếp tục tăng thêm được nữa. Đồng thời, sự trợ giúp của cộng đồng tình nguyện viên cung cấp cho mèo chỗ ăn ở cố định cũng hạn chế được thói quen săn mồi của mèo.
Tức là, sẽ không còn những con mèo buộc phải bị tiêu hủy nữa. Một vòng luẩn quẩn vì thế cũng sẽ chấm dứt, với sự xuất hiện của những chiếc tai hình hoa anh đào.
Và đằng sau đó lại là sự quan tâm đầy tình thương với loài mèo.
Tham khảo: Tokyo Business Day, Times, Asahi