Intel Optane - phương pháp tăng tốc HDD hiệu quả cho tốc độ tiệm cận SSD

Cứ tưởng tượng việc gắn giày cho HDD của bạn để đạt được tốc độ cao hơn mà không phải bỏ ra quá nhiều chi phí.

Optane là gì?

Optane là tên dòng sản phẩm lưu trữ mới của Intel sử dụng công nghệ mới dựa trên NAND như các SSD nhưng có áp dụng công nghệ 3D Xpoint (3D Crosspoint) do Intel và Micron phát triển. Các chip nhớ trong SSD Optane được tạo thành từ các lớp bán dẫn xếp chồng lên nhau cả chiều dọc và ngang giúp tiết kiệm không gian và giá thành sản xuất xuống thấp nhất có thể. Ngoài ra tốc độ cũng được cải thiện rất nhiều, nếu so sánh tốc độ nó chỉ thua RAM mà thôi. Tuy nhiên đây là dạng bộ nhớ non-violatile nên sẽ không bị mất dữ liệu khi mất điện. Hình minh họa về Optane ở phía dưới:


Kiến trúc Optane với các ưu điểm


So sánh tốc độ 3D Xpoint với các công nghệ bộ nhớ khác

Có 2 dòng sản phẩm sử dụng công nghệ 3D XPoint, một dành cho doanh nghiệp và một dành cho người dùng phổ thông. Phiên bản dành cho doanh nghiệp sẽ có giá cực kỳ chua mà bạn có thể tham khảo thêm tại đâyCòn lại là phiên bản dành cho người dùng phổ thông với dung lượng hạn chế: 16GB và 32GB. Tốc độ của SSD Optane này có tốc độ cao hơn hẳn SSD SATA nhưng lại thua SSD NVMe nhưng với dung lượng hạn chế như vậy thì khó có thể dùng để lưu trữ dữ liệu lớn được. Thay vào đó, nhiệm vụ của các SSD Optane này sẽ là "thuốc tăng lực" cho HDD hoặc SSD của bạn với vai trò cache (bộ nhớ đệm) giúp bộ nhớ lưu trữ được tăng tốc đáng kể, gần bằng so với SSD SATA thông thường. 


SSD Optane dành cho người dùng phổ thông với kết nối M.2.

Ai sẽ được lợi?

Thực ra lợi hay hại sẽ tùy theo cách sử dụng của mỗi người. Giá thành của SSD Optane 16GB ngang ngửa với SSD 120GB chất lượng khá và bản 32GB khoảng 2 triệu. Nếu bạn đang sở hữu một HDD dung lượng lớn như Seagate Baracuda 10 TB chẳng hạn và muốn tăng tốc cho ổ cứng thì SSD Optane là một lựa chọn không hề tồi. So với giá thành của chiếc HDD 10TB thì SSD Optane đóng vai trò bộ nhớ đệm không đáng là bao nhưng có thể cải thiện tốc độ đọc/ghi phần nào. Còn nếu đang sở hữu một HDD nhưng chưa vội lên SSD nhưng vẫn muốn tăng tốc thì nên cân nhắc tới Optane vì giá của bản 16GB đủ để sắm một SSD tầm trung 120GB dư sức cài đặt hệ điều hành rồi. Trường hợp muốn tăng tốc cho SSD thì mình xin không bàn tới vì tính kinh tế của nó có vẻ không cao (đây chỉ là ý kiến cá nhân mà thôi).


SSD Optane kết hợp với 10TB HDD, nghe hay nhỉ?

Làm thế nào để sử dụng?

Vậy làm thế nào có thể sử dụng được công nghệ mới này của Intel? Tất nhiên trước tiên bạn cần một SSD Optane M.2 16GB hoặc 32GB. Hiện nay các nhà sản xuất bo mạch chủ cũng đã có bán mainboard kèm theo 1 SSD Optane gắn sẵn giúp tăng tốc ổ lưu dữ liệu. Thật tiện lợi phải không? Tuy nhiên cũng có vài điều kiện nhất định để sử dụng công nghệ mới của Intel tại thời điểm hiện tại: Hệ thống của bạn phải sử dụng CPU nền tảng Kabylake đời thứ 7 của Intel và chỉ Kabylake mà thôi. Hy vọng trong tương lai Intel sẽ mở rộng tương thích với các nền tảng khác nữa.


MSI B250 Bazooka OPT Boost có gắn sẵn SSD Optane M.2.

Ngoài kết nối M.2 thì SSD Optane sẽ có thêm dạng SSD truyền thống 2.5" để phù hợp với đa số người dùng. Tất cả các SSD Optane sẽ sử dụng các làn PCIe - kết nối phổ biến và không quá khó để sử dụng. Laptop cũng được trang bị SSD Optane làm bộ nhớ tăng tốc cho SSD/HDD. Sản phẩm đầu tiên được sử dụng là laptop Lenovo ThinkPad T570. Ngoài ra NUC - máy tính nhỏ gọn của Intel cũng sẽ được trang bị công nghệ mới nhất này. Tuy nhiên hiện tại chỉ Windows dùng CPU Intel mới được hưởng lợi từ công nghệ mới này. Các hệ thống khác có lẽ phải chờ vào sự "nhân từ" của Intel mà thôi.

Thị trường Việt Nam đã có bán 2 SSD Optane phiên bản 16GB và 32GB với giá lần lượt là 1.250.000 và 2.050.000.

Jelly Donuts

Bài cùng chuyên mục