Mở hộp và đánh giá tai nghe Gamdias HEBE M1 RGB: Dưới 1 triệu nhưng quá ngon
Nếu đang có ý định sắm sửa cho mình một chiếc tai nghe chơi game để chinh chiến trong mùa hè này thì Gamdias HEBE M1 RGB sẽ là một lựa chọn để cho bạn quyết định đấy. Cùng mở hộp và đánh giá chiếc tai nghe này qua bài viết sau nhé.
Thông số kỹ thuật:
- Độ nhạy: 119 dB
- Trở kháng: 32 Ohm
- Driver 50mm
- Loại mic: Unidirection
- Độ nhạy mic: -40 dB
- Kích thước bộ rung: 30mm
- Độ dài dây cáp: 2m
- Đầu cắm USB mạ vàng
- Phần mềm điều khiển: HERA
Mở hộp và trên “đầu”
Phần đóng gói khá ấn tượng cho một tai nghe tầm giá dưới 1 triệu đồng là những gì có thể cảm nhận được khi lần đầu tiên tiếp xúc với Gamdias HEBE M1 RGB.
Ngoài việc đóng gói chắc chắn tai nghe bên trong hộp các tông như hình thì một phần tai nghe cũng có thể được nhìn xuyên qua nhờ vào lớp nhựa trong bên hông hộp.
Các thông số “ăn tiền” cũng được nhà sản xuất đưa lên phía mặt tiền hộp như giả lập âm thanh 7.1, đèn nền RGB thay đổi liên tục, driver ngoại cỡ và miếng đệm tai êm ái,……..
Tai nghe được đặt trong một lớp khuôn nhựa cứng khác và không có gì quá đặc biệt. Tuy vậy thì phần đóng gói lại khá tốt khi tai nghe nằm trọn bên trong hộp và không xê dịch mấy.
Nhân vật chính của chúng ta đây: chiếc tai nghe chơi game Gamdias HEBE M1 RGB. Ấn tượng ban đầu của mình về nó: Khá to và dày
Nhìn qua thì cũng có thể suy đoán được cặp tai nghe này sẽ phù hợp nhất với các game thủ có kích thước đầu to như mình chẳng hạn, đeo vào khá là vừa vặn. Nhờ vào phần gọng kim loại khá cứng cáp cộng thêm phần dây đeo tự điều chỉnh nên tai nghe khá vừa vặn với nhiều kích thước đầu mà không gây khó chịu với người dùng.
Trên dây đeo tự điều chỉnh còn có một logo Gamdias in chìm nữa.
Cận cảnh phần gọng kim loại.
Nếu bạn không tin vào chất lượng của phần gọng kim loại, hãy thử “ép” nó ra hết cỡ như hình bên dưới. Yên tâm đi vì nó không hề bị ảnh hưởng tí nào cả. Chất lượng build khá tốt này sẽ là một điểm cộng trong mắt người dùng đây.
Phần cúp tai phải nói là khổng lồ chứ không phải lớn hay bình thường nữa. Để giải thích cho điều này thì HEBE M1 RGB phải nhồi nhé khá nhiều phần cứng vào trong đó: driver âm thanh lớn tận 50mm, bộ rung cùng hệ thống đèn nền RGB.
Đệm tai của nó cũng rất lớn, bù lại thì cảm giác êm ái đem lại là khá ổn, dù chưa thể sánh bằng với các sản phẩm cao cấp khác. Được làm từ da giả và đệm khá dày nên người dùng tất nhiên là không sợ bị cấn khi đeo tai nghe trong thời gian dài được rồi.
Tuy vậy thì phần cúp tai này có một điểm trừ đánh vào sự vừa khít của sản phẩm với đầu người đeo: nó không lung lay, nghiêng, lật hay di chuyển theo bất kỳ hướng nào cả. Tất cả chỉ gắn chặt vào phần gọng nên sẽ rất “hên xui” khi đeo: người thì rất vừa và không cảm thấy gì cả, người thì cảm thấy tai nghe không được sát và bị thoát âm rất nhiều khi đeo.
Để kết nối tai nghe trái sang phần bên phải, một sợi dây tín hiệu nhỏ sẽ chạy theo phần logo như hình dưới rồi luồn qua dây đeo tự điều chỉnh, một chút xíu dây sẽ thừa ra để bảo đảm dây không bị căng quá mức khi đeo.
Micro thuộc dạng “unidirectional”, tức là chỉ theo một hướng cố định, không bẻ theo ý mình được. Điều này không ảnh hưởng lắm đến chất lượng thu âm thanh vì tai nghe dùng cổng USB mà. Ngoài ra thì nó còn có thể kéo ra vào rất tiện lợi và được bọc nhựa trong suốt khá là ổn. Tuy vậy thì có vẻ Mic kéo ra hơi bị ngắn thì phải, không tới gần sát miện được.
Nhân tiện nhắc đến đầu cắm, đây chính là đầu cắm USB được mạ vàng của tai nghe nhằm đảm bảo độ ổn định của tín hiệu, khá là ổn với tầm giá này.
Phần dây kết nối cũng khá dày vì được bọc nhựa đem lại cảm giác an toàn khi vô tình cán phải, giống như dây bọc lưới vậy. Ở đoạn giữa ấy thì có hẳn một remote điều chỉnh các thông số như âm lượng, bật tắt đèn, bật tắt mic và bật tắt rung. Mình nghĩ nếu phần remote này được làm nhỏ lại và thay nút âm lượng bằng con lăn sẽ tiện lợi cho người dùng hơn cũng như giúp tai nghe thêm phần thẩm mỹ.
Một điểm nhấn của HEBE M1 RGB mà Gamdias muốn nhắc người dùng chính là hệ thống đèn LED đổi màu trên tai nghe. Khi không LED thì nó sẽ như hình dưới.
Còn khi lên đèn sẽ khá là “ảo”.
Đeo thử khá vừa vặn, đặc biệt là các bạn đầu to.
Tuy vậy điểm yếu của hệ thống LED chính là khả năng điều khiển gần như không có. Màu sắc RGB sẽ tự động đổi liên tục mà không có các hiệu ứng khác. Thiết nghĩ các hiệu ứng như nháy đèn theo nhạc sẽ phù hợp hơn, khiến tai nghe trở nên sinh động hơn nhiều.
Phần sử dụng cũng không có quá nhiều đặc biệt hơn khi bạn cài đặt phần mềm điều khiển HERA dùng cho tất cả gaming gear của Gamdias. Mặc định tai nghe đã có 7.1 nên bạn không cần bật lên nữa. Chỉ là giờ đây bạn có thể điều khiển "vị trí" các loa ảo, âm lượng 2 tai trong thẻ Main Setting.
Trong thẻ Equalizer sẽ có sẵn một số tùy chỉnh âm thanh khác nhau cho bạn lựa chọn.
Thẻ Environment sẽ cho phép bạn giả lập môi trường xung quanh cho phù hợp với kích thước, nói đơn giản hơn là tăng giảm âm lượng phát ra từ nguồn âm thôi.
Thẻ Karaoker/MG Voice sẽ giúp bạn boost âm lượng microphone lên nếu bạn cảm thấy nhỏ. Ngoài ra nó còn giúp bạn "giả giọng" rất hài nữa.
Còn lại là thẻ Update/Support để bạn cập nhật và nhận hỗ trợ từ nhà sản xuất
Cảm nhận và đánh giá
Quả thực với tầm giá dưới 1 triệu đồng thì chiếc tai nghe này có ít nhược điểm để phàn nàn hơn là ưu điểm. Xấu trước tốt sau nhé!
Đầu tiên chính là chất lượng build. Đây là một chiếc tai nghe có chất lượng build khá tốt, hơn nhiều so với những cái tên cùng tầm giá khác. Tuy vậy đây cũng là nhược điểm của nó khi chất lượng build tốt đồng nghĩa với sự cứng cáp, mà cứng quá đôi khi lại không hay. Giá như phần cúp tai có thể xê dịch thêm một chút để vừa khít, ôm sát đầu người dùng hơn nữa thì sẽ thoải mái hơn rất nhiều. Hơn nữa bạn có thể đeo tai nghe vào cổ mà không quá vướng víu khi nó có thể được lật xuống.
Quá cứng cáp
Một điểm vừa là ưu vừa là nhược nữa chính là hệ thống rung của HEBE M1 RGB. Khi nghe nhạc thì một chút rung đó sẽ không sao nhưng khi vào những game đấu căng thẳng thì tiếng rung có đôi khi còn át luôn tiếng bước chân, tiếng súng, và còn tệ hơn nữa khi đang trong red zone (vâng, mình test PUBG với chiếc tai nghe này) Cũng may là tai nghe còn có remote điều khiển để tắt mở tính năng rung nhưng không phải lúc nào mình cũng nhớ mà tắt. Chi tiết hơi dư nhưng chấp nhận được.
Nhân tiện nhắc đến remote, nó hơi to và cồng kềnh cũng như đặt ở vị trí chưa thích hợp. Nếu tích hợp luôn phần điều khiển vào cúp tai vốn đã rất to thì sẽ tiện lợi hơn rất nhiều. Về micro nếu dài hơn chút nữa sẽ càng tốt.
Tích hợp remote vào thân tai nghe sẽ gọn hơn rất nhiều.
Còn lại mọi thứ thì HEBE M1 RGB làm rất ổn, chất lượng âm ở mức vừa đủ để trải nghiệm trò chơi, không quá lấn át dù nó dùng driver tận 50mm. Giả lập âm thanh khá chân thực, giúp mình có thể nhận biết chính xác hơn hướng âm thanh trong game Chất lượng thu âm mic cũng tốt, khác hẳn với cặp tai nghe mình đang dùng ở nhà, không rè chút nào mà còn rõ nữa. Tai nghe dù cồng kềnh nhưng lại đeo rất thoải mái nhờ phần đệm khá dày của nó. Phần nổi trội hơn cả của HEBE M1 RGB so với các tai nghe cùng tầm giá chính là phần mềm điều khiển của nó - HERA, giúp ích khá nhiều cho các bạn hay mày mò.
Ưu điểm:
- Chất lượng build tốt, cứng cáp
- Có đèn nền RGB
- Có giả lập âm thanh 7.1
- Đeo thoải mái nhờ đẹm mút dày và dây tự điều chỉnh
- Driver âm thanh 50mm cho chất âm khá
- Có rung
- Giá bán tốt so với chất lượng, ~990k
Nhược điểm
- Thiết kế chưa hoàn hảo và tiện dụng
- Cúp tai không điều chỉnh ôm sát đầu được
- Đèn RGB không điều chỉnh hiệu ứng được
Kết luận
Thay vì phải bỏ ra con số gấp đôi giá bán tầm 990 nghìn của chiếc tai nghe HEBE M1 RGB để mua các thương hiệu lớn mà không được tích hợp nhiều tính năng như vậy thì bạn có thể tiết kiệm được kha khá tiền rồi đấy. Một chiếc tai nghe đeo thoải mái, đủ xài với nhu cầu không cao sẽ thích hợp cho các game thủ yêu cầu RGB, tai nghe hoành tráng và đẹp, nhất là nó còn có tính năng giả lập âm thanh 7.1 nữa chứ. Chúc các bạn có được sự lựa chọn tai nghe chơi game cho riêng mình nhé.
Sản phẩm hiện có giá khoảng 990k và đang có mặt trên hầu hết các cửa hàng tại Việt Nam. Xin cảm ơn Elite, nhà phân phối các sản phẩm Gamdias độc quyền tại Việt Nam đã giúp đỡ chúng tôi thực hiện bài viết này.
Bài viết: Jelly Donuts
Ảnh: Đoàn Dũng
Bài cùng chuyên mục