Những con số đầy tích cực được Xiaomi công bố trong tuần trước chắc hẳn đã khiến không ít người bất ngờ: "Apple của Trung Quốc" đã đảo chiều suy thoái thành công bằng những cửa hàng vật lý. Thế nhưng, đằng sau mức doanh số khủng chưa chắc đã là kế sinh nhai lâu dài.
Không chỉ một đỉnh núi
Những câu chuyện thành công và thất bại trong thế giới công nghệ thường là những câu chuyện của "một đỉnh núi": một khi đã đi sang bên kia thành công, bạn khó có thể đảo chiều suy thoái.
Đó từng là câu chuyện của Xiaomi. Lợi nhuận đã không có, trong 2 năm 2015 và 2016 Xiaomi đã phải cam chịu đứng nhìn khi thậm chí không thể tăng trưởng doanh số so với thời kỳ còn "nóng". Kết thúc năm ngoái, công ty của tỷ phú Lei Jun còn không hé lộ lượng smartphone bán ra trên toàn cầu.
Với những thế lực về bản chất là startup như Xiaomi, một cú sốc như vậy có thể là đòn kết liễu. Qua nhiều năm làm mưa làm gió, công ty Trung Quốc này vẫn chưa hề sinh lãi mà vẫn đang chỉ trong giai đoạn "đốt tiền mua chỗ đứng" như vô số startup công nghệ khác.
Một giai đoạn "hú hồn" của Xiaomi đã qua đi.
Ấy vậy mà đến quý 2 vừa rồi Xiaomi đã kịp hồi phục. Tuyên bố mới nhất của Lei Jun cho biết tổng lượng smartphone Mi xuất xưởng trên toàn cầu từ tháng 4 đến tháng 6 đạt 23,16 triệu máy, đem lại "quý kinh doanh thành công nhất trong lịch sử Xiaomi". Con số 23 triệu cũng tương đương với mức tăng 70% từ quý 1.
Liệu mọi thứ đã trở lại màu hồng với Xiaomi?
Chìa khóa tới thành công
Trong tuyên bố kể trên, CEO Lei Jun đã đưa ra 3 yếu tố đứng sau sự hồi phục bất ngờ của Xiaomi. Lý do đầu tiên nằm ở chuỗi cửa hàng vật lý Mi Home: tính đến ngày hôm nay, Xiaomi đã có gần 140 cửa hàng vật lý phủ sóng tại Trung Quốc. Lý do thứ hai nằm ở doanh số ngày một tăng trên thị trường quốc tế mà đặc biệt là Ấn Độ: chỉ trong vòng 1 năm sắp tới, Xiaomi sẽ mở thêm 100 Mi Home tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Lý do cuối cùng nằm ở những nỗ lực nghiên cứu & phát triển (R&D), đem đến các cải tiến vượt bậc cho camera, thời lượng pin cũng như con chip đầu tiên do Xiaomi tự thiết kế, Surge S1.
Mi Home, một phần quan trọng trong chiến lược hồi phục của Xiaomi.
Nếu tinh ý, bạn sẽ nhận ra chìa khóa hồi phục của Xiaomi thực chất chỉ có 1. Xiaomi đã và đang là một startup chỉ biết mở rộng chứ chưa biết sinh lời (Lei Jun không đưa ra con số nào về lợi nhuận và cũng không đặt ra mục tiêu nào về lợi nhuận cho 2017 và 2018). Việc đốt tiền để thâu tóm thị phần tại Ấn Độ, Nam Mỹ và các thị trường đang phát triển không phải đến quý vừa rồi mới bắt đầu: chúng đã được tiến hành từ 2013 dưới sự lãnh đạo của cựu phó chủ tịch Google, Hugo Barra.
Còn các nỗ lực R&D cũng khó có thể coi là động lực thúc đẩy doanh số mạnh mẽ: hãy đặt mình vào vị trí của một người dùng bình thường và bạn sẽ nhận ra Surge S1 chưa thể là một cái tên hấp dẫn như Snapdragon hay Exynos. Cũng chưa có ai thừa nhận chất lượng camera của Xiaomi đã đủ tầm sánh với Samsung hay Apple cả.
Nói cách khác, chìa khóa để Xiaomi trở lại thành công chỉ có thể là Mi Home mà thôi.
Mâu thuẫn của những cửa hàng vật lý
Không khó để nhận ra vì sao Mi Home lại có thể giúp Xiaomi quay đầu: bất kỳ một người tiêu dùng nào cũng đều sẽ ưa thích các cửa hàng vật lý hơn là mua hàng trực tuyến. Ngay cả trong thời đại của Amazon, các cửa hàng vật lý cũng vẫn là biện pháp tốt nhất để người dùng có thể thực sự thử nghiệm sản phẩm. Trong không gian choáng ngợp và đẹp mắt của Store công nghệ, những quyết định mua sắm sẽ diễn ra dễ dàng hơn rất nhiều so với những trang web "phẳng lỳ" của e-commerce.
Nếu dư dả tiền của, Xiaomi có lẽ đã mở chuỗi Mi Home ngay từ khi mới thành lập.
Thực tế, đến cả Amazon cũng có cửa hàng vật lý nhỏ đặt bên trong các trung tâm mua sắm lớn. Đến với Amazon Pop-up Store, bạn sẽ được tận mắt, tận tai và tận tay thử nghiệm đầy đủ các mẫu Kindle, Fire Tablet, Fire TV và Echo. Gã khổng lồ của thương mại trực tuyến cũng hiểu rằng mở cửa hàng "thật" vẫn là cách tốt nhất để bán phần cứng. Tương tự, từ khi bộc lộ tham vọng với phần cứng, cả Google lẫn Microsoft đều đã mở cửa hàng vật lý tại Mỹ.
Vậy, tại sao Xiaomi (và Amazon) không mở store ngay từ đầu? Lý do rất đơn giản: cửa hàng vật lý tốn tiền hơn rất nhiều so với mô hình bán hàng trực tuyến nói chung và những đợt flash sale mà Xiaomi từng sử dụng để kích cầu người dùng.
Điều này lại dẫn chúng ta đến với câu hỏi tiếp theo: cái giá phải trả khi dùng cửa hàng vật lý để kích cầu mua sắm là gì?
Tương lai và sự nghiệt ngã của smartphone
Smartphone Mi càng bán chạy, Xiaomi càng khó khăn.
Câu trả lời quá rõ ràng: ai cũng hiểu rằng mở một loạt cửa hàng vật lý để kích cầu chỉ có thể khiến tốc độ đốt tiền của Xiaomi tăng cao mà thôi. Một lần nữa, hãy nhớ rằng "lợi nhuận" đang là cụm từ vắng mặt hoàn toàn khỏi bất kỳ tuyên bố nào của Xiaomi.
Vậy thì tại sao Xiaomi vẫn cứ cố gắng ăn thua đủ trên lĩnh vực smartphone? Tại sao lại chấp nhận những khoản lỗ lớn hơn chỉ để tăng doanh số những chiếc smartphone không đem lại mấy đồng lãi?
Hãy nhớ rằng Xiaomi không sống bằng smartphone
Đó là sự thật. Ngay từ đầu, hãng này đã đặt ra mục tiêu bán điện thoại chịu lỗ (hoặc không có lãi) để thúc đẩy doanh thu từ ứng dụng và... thú bông. Đến giờ, Xiaomi đã mở rộng danh mục ra rất nhiều các sản phẩm khác, từ pin sạc, vòng đeo luyện tập cho đến nồi cơm cao tần thông minh và xe đạp gấp. Tuy chưa thể kết hợp lại thành một hệ sinh thái thực thụ (với những sợi dây vững chắc về doanh số và tính năng), những thành viên của "gia đình" Xiaomi có thể là chìa khóa sống sót trong tương lai.
Nhưng smartphone sẽ là chìa khóa mở ra doanh thu từ những món hàng khác.
Những chiếc smartphone Mi sẽ không phải là "người kiếm cơm" của gia đình này. Chúng tiếp tục tồn tại (và giữ sân khấu chính của Xiaomi) chỉ vì smartphone vẫn tiếp tục là trọng tâm trong cuộc sống số của người dùng. Các tác vụ như theo dõi thông số do Mi Band thu thập, chia sẻ video từ camera Yi hay theo dõi quá trình nấu cơm của nồi cơm MiJia vẫn sẽ cần những chiếc Mi 5 hay Mi Note đảm trách.
Và người tiêu dùng vẫn sẽ dõi theo từng sự kiện của smartphone Mi để hào hứng so sánh chúng với những chiếc Galaxy S, Galaxy Note, LG G... Danh tiếng từ điện thoại sẽ trở thành mồi nhử đầy hấp dẫn để kiếm lợi nhuận từ phần mềm, phụ kiện và các sản phẩm gia dụng thông minh. Một kỷ nguyên mới sẽ mở ra, nơi những chiếc smartphone sẽ thực sự phổ cập nhưng chỉ có tiếng mà không có miếng..
Theo Genk