Elon Musk tìm kiếm tình nguyện viên thử nghiệm cấy chip não
Công ty Neralink của Elon Musk đang tìm kiếm những người bị liệt tứ chi làm tình nguyện viên cho công nghệ cấy ghép não gây tranh cãi của mình.
Thông báo được công ty đưa ra sau vài tháng nhận được chấp thuận của FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) cho các thử nghiệm cấy chip lên người vào đầu năm nay.
Tuy nhiên công ty cũng phải đối mặt với sự giám sát gắt gao về cáo buộc tàn ác với động vật và các mối nguy hiểm về an toàn khác. Hiện tại, Neuralink đang thực hiện từng bước nhỏ và bắt đầu thử nghiệm trên người, tập trung vào những bệnh nhân bị liệt cột sống và các bệnh thoái hóa thần kinh liên quan. Công ty cho biết: “Những người bị liệt tứ chi do chấn thương tủy sống cổ hoặc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) có thể đủ điều kiện”.
Giai đoạn đầu tiên của thử nghiệm Neuralink trên người sẽ cố gắng đọc và truyền sóng não của đối tượng thử nghiệm là con người. Những sóng não này sẽ được đưa vào một ứng dụng và được giải mã để một người bị liệt có thể thực hiện các tác vụ như điều khiển con trỏ chuột hoặc nhập liệu bằng bàn phím bằng suy nghĩ của họ.
Neuralink đã chứng minh khả năng này khi một con khỉ được gắn chip não được nhìn thấy trên video đang chơi trò chơi có tên "Pong" và gõ trên màn hình, gần như thể nó được thực hiện bằng thần giao cách cảm.
Neuralink phân loại thử nghiệm đầu tiên sắp diễn ra trên người là nghiên cứu PRIME (Giao diện máy tính-não được cấy ghép chính xác bằng robot). Bám sát các nguyên tắc cơ bản, trước tiên công ty sẽ đánh giá mức độ an toàn của bộ phận cấy ghép và robot phẫu thuật có nhiệm vụ đưa nó đi qua hộp sọ con người và kết nối các điện cực giống như dây với mô não.
Nghiên cứu này là một bước tiến lớn đối với Neuralink, công ty đã giành được sự chấp thuận của FDA vào tháng 5 sau khi bị cơ quan này từ chối vào đầu năm 2022.
Những người tham gia "Nghiên cứu PRIME" trước tiên sẽ dự chương trình kéo dài 18 tháng, bao gồm 9 buổi gặp gỡ. Sau đó, họ sẽ dành ít nhất 2 giờ/ tuần cho các buổi nghiên cứu "giao diện não - máy tính" và thực hiện thêm 20 buổi gặp các nhà nghiên cứu trong vòng 5 năm.
Bài cùng chuyên mục