Mỹ phân bổ 42 tỷ USD để phổ cập băng thông Internet cho 50 tiểu bang và các vùng lãnh thổ trên toàn quốc.
Thông báo này đã khởi động chiến dịch "Investing in America" (Đầu tư vào nước Mỹ) kéo dài 3 tuần của chính phủ Mỹ, trong đó Phó Tổng thống Kamala Harris và các lãnh đạo cấp cao khác sẽ giải thích cho người dân cách sử dụng số tiền được phân bổ để cải thiện cơ sở hạ tầng trong nước.
Bên cạnh phổ cập băng thông Internet cho toàn cầu, dự luật cũng sẽ tài trợ cho nhiều dự án khác nhau như cầu, đường, hệ thống nước và hệ thống điện.
Trong thông báo, Mỹ cho biết khoảng tài trợ trị giá 42,45 tỷ USD được trích nhằm phổ cập Internet băng thông rộng đến năm 2030 cho hàng triệu người sống ở các khu vực vùng nông thôn, nơi tiếp cận Internet tốc độ cao còn gặp nhiều khó khăn.
Internet băng thông rộng là điều cần thiết đối với người dân "nhằm phục vụ cho công việc, trường học, tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và duy trì kết nối với gia đình và bạn bè".
Khoản tài trợ dao động từ 27 triệu USD đến 3,3 tỷ USD, với mỗi tiểu bang nhận được ít nhất 107 triệu USD. Tổng cộng, 19 tiểu bang đã nhận được khoản phân bổ hơn 1 tỷ USD. Các bang nhận được khoảng tài trợ nhiều nhất là Alabama, California, Georgia, Louisiana, Michigan, Missouri, North Carolina, Texas, Virginia và Washington. Theo Nhà Trắng, khoản tài trợ này không chỉ cho phép hàng triệu người truy cập internet tốc độ cao mà còn hỗ trợ việc làm trong lĩnh vực sản xuất và thu hút đầu tư của khu vực tư nhân trên toàn quốc.
Ngoài ra, Mỹ cũng trích 14,2 tỷ đô la cho Chương trình Kết nối Internet giá rẻ (ACP), nhằm cấp cho các hộ gia đình khó khăn 30 USD/tháng cho hóa đơn internet, cũng như khoản trợ cấp 100 USD mua PC, laptop hoặc máy tính bảng.