Trước làn sóng phản đối trước việc sử dụng các sản phẩm có sẵn của con người để đào tạo cho công nghệ AI riêng của mình, Youtube lại có động thái muốn né tránh vấn đề này và chủ động muốn "trả phí" bản quyền cho các sản phẩm âm nhạc từ các nhà sản xuất âm nhạc lớn trên thế giới để phục vụ cho nhu cầu này.
Cụ thể hơn, Sony Music Entertainment, Universal Music Group và Warner Records đều được cho là đang tham gia vào các cuộc đàm phán với Youtube - nền tảng do Google sở hữu. Tuy nhiên, thỏa thuận này khó có khả năng thành công khi chính các công ty mẹ cũng không thể đưa ra quyết định cuối cùng. Việc sử dụng bản quyền của từng sản phẩm âm nhạc còn tùy thuộc vào từng nghệ sĩ.
Nhiều nhạc sĩ không hề vui mừng khi cho phép AI tiếp cận tác phẩm của họ. Vào tháng 4 năm 2023, hơn 200 nghệ sĩ đã ký một bức thư ngỏ nêu rõ: "Chúng ta phải bảo vệ khỏi việc sử dụng AI có mục đích xấu để đánh cắp giọng nói và hình tượng của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, vi phạm quyền của người sáng tạo và phá hủy hệ sinh thái âm nhạc".
Vào tháng 11, YouTube đã ra mắt Dream Track, một công cụ cho phép những người sáng tạo chọn lọc lời bài hát và giọng hát của các ca sĩ như John Legend và Charli XCX. Tuy nhiên, chỉ có mười nghệ sĩ tham gia thử nghiệm công cụ này và YouTube dường như đặt mục tiêu có "hàng chục" người tham gia vào chương trình tạo bài hát AI.
Các hãng thu âm đã có lập trường chống lại các công ty mà họ cho là sử dụng nội dung có bản quyền của họ. Ngày 24/6, bộ ba Sony, Universal và Warner đã đệ đơn kiện hãng sản xuất âm nhạc Suno và Omio vì vi phạm bản quyền "quy mô lớn". Họ yêu cầu lệnh cấm sử dụng tiếp và mức phạt lên tới 150.000 USD cho mỗi tác phẩm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không biết được tương lai của ngành âm nhạc sẽ đi đến đâu khi công nghệ AI ngày càng phát triển và vẫn sẽ còn tăng trưởng mạnh ở mọi khía cạnh của cuộc sống con người.