Phòng cách âm - Điểm trừ đối với giải LCS tại Bắc Mỹ và châu Âu

Không phòng cách âm - Không có gì khác! Liệu đó có phải là lối suy nghĩ đúng đắn của ban tổ chức LCS?

Nếu theo dõi thể thao điện tử nhiều, chắc hẳn các bạn đã không còn quá xa lạ với hình ảnh những chiếc phòng cách âm chuyên được sử dụng trong thi đấu. Trung Quốc, Hàn Quốc hay thậm chí là Đài Loan đã áp dụng mô hình này từ rất lâu vào bộ môn Liên Minh Huyền Thoại. Tuy nhiên, hai khu vực LCS là Bắc Mĩ và châu Âu lại không hề có ý định sử dụng những phòng cách âm như vậy, mặc dù những tuyển thủ chuyên nghiệp cũng như người hâm mộ đã nhiều lần gợi ý. Vậy điều gì đã khiến ban tổ chức LCS quyết định khác đi so với những người đồng nghiệp châu Á?

Phòng cách âm – Hình ảnh quá quen thuộc ở LCK của Hàn Quốc

Đây là lý do của Riot Games

Không thể phủ nhận những lợi ích mà phòng cách âm mang lại cho những người chơi chuyên nghiệp. Trước tiên chính là khả năng loại bỏ hầu hết những tạp âm từ bên ngoài, giúp người chơi tập trung tối đa vào trận thi đấu của mình. Đồng thời, chúng sẽ giúp bảo vệ các tuyển thủ khỏi những sự cố bên ngoài như cổ động viên quá khích, nhân viên thu hình vướng phải dây máy tính…

Tuy nhiên, ban tổ chức tại LCS lại không mấy mặn mà với ý tưởng áp dụng phòng cách âm. Dù họ chưa đưa ra những lí do cụ thể, nhưng theo suy đoán của nhiều người, LCS muốn tạo cho mình hình ảnh của một giải đấu “thân thiện”. Nếu sử dụng phòng thi đấu thì sẽ không còn hình ảnh các tuyển thủ tiến tới bắt tay nhau, cũng như ăn mừng cùng khán giả sau khi trận đấu kết thúc nữa. Hơn thế, người hâm mộ cũng sẽ có cảm giác xa cách hơn với những thần tượng của mình, khi có một tấm kính chắn trước mặt họ.

Đẹp thì đẹp thật nhưng mà…ồn quá!

Đồng thời, so với mật độ của những giải đấu khác, việc trang bị phòng cách âm ở LCS có vẻ là khá thừa thãi. Trung bình một tuần, LCS chỉ có 10 cặp Bo1 được diễn ra, ít hơn rất nhiều so với những khu vực khác sử dụng Bo3. Hơn thế nữa, vòng Chung Kết Playoffs – sự kiện thu hút nhiều khán giả nhất của LCS – cũng không được diễn ra tại studio thông thường. Vậy nên, những chiếc phòng cách âm có lẽ không phải là ưu tiên để Riot mở hầu bao.

Nhưng các vận động viên thi đấu thì không nghĩ vậy

Liệu phòng cách âm có thật sự “lợi bất cập hại” như những gì ban tổ chức LCS nghĩ? Từ mùa 2012, đã có không ít tuyển thủ chuyên nghiệp lên tiếng yêu cầu trang bị phòng cách âm ở LCS, mà nổi bật nhất là HotshotGG – ông chủ của CLG.

Ở mùa 2014, khi chạm trán TSM và liên tục bị khán giả đối phương chơi xấu bằng việc hét thật to mỗi khi có đợt gank, Hotshot đã bức xúc chia sẻ trên Reddit:

“Riot, làm ơn dẹp cái thứ vớ vẩn này đi và trang bị phòng cách âm cho chúng tôi. Xin lỗi vì cáu giận nhưng thực sự vấn đề này đã diễn ra quá lâu rồi. Tôi có thể nghe thấy vô vàn những đợt gank sắp đến hoặc khi đối phương ăn Baron vì khán giả cứ hét lên rõ là to. Trong sự nghiệp của mình đã có ít nhất 5 đến 6 lần tôi nghe được những điều có thể thay đổi cả cục diện trận đấu từ khán giả phía dưới…”

Rõ ràng rằng, khi nghe rõ khán giả hét lên những gì đang diễn ra thì việc trang bị tai nghe cho các tuyển thủ cũng là “bằng không”. Điều này sẽ vô cùng bất lợi cho cả 2 đội, khi nhất cử nhất động của mình bị đối phương nắm rõ. Ngay trong trận Chung Kết LCS Bắc Mĩ vừa rồi, người chơi Hỗ trợ của CLG là Ahpromoo cũng đã lên tiếng phàn nàn.

Anh chia sẻ rằng ở trên sân khấu quá ồn, đến mức dù được trang bị 2 tai nghe (in-ear và headphone) nhưng anh vẫn không thể nghe thấy những người đồng đội nói gì, và cả đội thường phải gào lên thật to mới giao tiếp được. Hơn nữa, có nhiều cổ động viên quá khích còn chiếu đèn laser vào mắt anh.

Với việc một khu vực nổi tiếng chuyên nghiệp và “bạo chi” như LCS lại không hề có ý định trang bị một thứ tối thiểu cho thi đấu chuyên nghiệp là phòng cách âm, nhiều người đã tỏ rõ sự quan ngại của mình. Ngay đến giải đấu Intel Extreme Master (IEM) luôn được biết tới với sự chậm trễ và lề mề trong khâu tổ chức vẫn có được những chiếc phòng tốt nhất cùng khu vực thi đấu gần như là hoàn hảo. Liệu các tuyển thủ Bắc Mĩ và châu Âu có đang chịu nhiều thiệt thòi hơn so với những đồng nghiệp ở châu Á?

IEM cũng có những chiếc phòng cách âm cực tốt, còn LCS thì…

Quan trọng hơn, Riot chính là đơn vị phụ trách tổ chức CKTG, vậy nên chừng nào LCS không có phòng thì CKTG cũng sẽ như vậy. Hãy tưởng tượng đến viễn cảnh những đội tuyển hàng đầu thế giới như SKT, ROX hay RNG cũng không thể tập trung thi đấu do tiếng ồn ở bên ngoài. Điều này sẽ khiến chất lượng những trận đấu được coi là “đỉnh cao” giảm sút đến đâu?

Ở Hàn Quốc, dù các tuyển thủ hầu như chỉ ở trong phòng suốt thời gian thi đấu, trong khi khán đài lại cách xa sân khấu, nhưng những người hâm mộ vẫn không hề thấy xa cách với những người chơi. Trước và sau trận đấu, họ luôn có những màn phỏng vấn, những màn “nói xấu nhau” (trashtalk), những video clip hài hước do cả đội thực hiện để giúp những người hâm mộ hứng thú nhất có thể.

Kể cả khi không thi đấu, họ vẫn tham gia những chương trình truyền hình thực tế, tham gia gặp mặt fan… Thế nên, ban tổ chức LCS cần nhận ra rằng có không ít cách để tương tác với người hâm mộ, và việc lắp đặt phòn gcách âm không ảnh hưởng gì đến hình ảnh của giải đấu cả.

Ngay cả giải đấu còn non trẻ như LJL của Nhật Bản cũng đã có phòng cách âm

“Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”, có thể có những lí do nào đó khác mà LCS không muốn trang bị phòng cách âm. Tuy nhiên, hãy cứ nhìn cái cách mà Hàn Quốc, Trung Quốc hay Đài Loan tiến nhanh đến như thế nào chỉ với một lợi thế đơn giản là những chiếc phòng thi đấu. Hi vọng rằng LCS sẽ sớm nhận ra tầm quan trọng của chúng và đặt lợi ích của những tuyển thủ lên hàng đầu.

Bài cùng chuyên mục