“Shark Terror” – Khi người xem chỉ mong cá mập chiến thắng

Tác phẩm mới nhất về các hung thần đại dương có phần cốt truyện đơn giản và tình tiết nhàm chán.

Cá mập là một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất của con người trên biển cả bởi thân hình to lớn và bản tính hung hăng, khát máu. Nhiều bộ phim về hung thần đại dương này, từ nghiêm túc cho tới hài hước, luôn nhận được sự yêu thích của người xem như JawsSharktopusThe Shallow,... Song, Shark Terror (Tựa Việt: Mồi cá mập) lại không nằm trong số đó.

Shark Terror theo chân một nhóm bạn trẻ người Mỹ gồm Josh (Josh Potthoff), Jeff (Joel Hogan) và Megan (Megan Peta Hill) đến Úc để quay video tham gia một chương trình thực tế. Họ dự định ghi lại khoảnh khác lặn biển ngắm cá mập trắng trong lồng sắt. Trong lúc bị vây quanh bởi hàng chục con cá mập khổng lồ, con tàu của nhóm bị sóng biển đánh úp cùng toàn bộ thủy thủ và hành khách. Chuyến đi trở thành một “đại tiệc” của bầy cá mập khát máu.

Bộ phim kinh dị của đạo diễn Gerald Rascionato có phần mở đầu đầy hứa hẹn khi được quay theo phong cách tài liệu hành trình. Khán giả sẽ được xem mọi diễn biến trong phim qua chiếc máy quay cầm tay của nhân vật chính. Câu chuyện của nhóm bạn trẻ được diễn tả một cách chi tiết từ quá trình lên kế hoạch cho tới những ngày đầu đến nước Úc xa xôi. Mối quan hệ giữa các thành viên trong nhóm cũng dần hé lộ.

Việc thể hiện thảm họa cá mập kinh hoàng qua chiếc máy quay cầm tay giúp Shark Terror mang tới những trải nghiệm chân thật nhất. Người xem sẽ có cảm giác mình đang cùng nhóm nhân vật chính ở giữa biển cả mênh mông và bị bao vây bởi hàng chục con cá mập khát máu. Hình ảnh của máy quay không xa hơn tầm nhìn của con người trong làn nước đục ngầu nên các các hung thần đại dương sẽ chẳng xuất hiện trừ khi chúng đến rất gần.

Nhờ đó, phần jump-scare được đạo diễn khai thác tối đa khi những con cá mập bất ngờ trồi lên từ đáy biển xanh sâu thẳm rồi kéo con mồi xuống dưới. Chiếc máy quay trở nên rung lắc dữ dội cùng tiếng la hét và âm thanh bì bõm của nước tạo ra những trải nghiệm khá ấn tượng.

“Shark Terror” Khi người xem chỉ mong cá mập chiến thắng

Tuy nhiên, đó cũng là những điểm sáng hiếm hoi của Shark Terror. Bộ phim dành quá nhiều thời gian ban đầu để nói tới những mối quan hệ chồng chéo của các thành viên trong nhóm khiến người xem khá khó chịu và chỉ mong tua nhanh tới cuộc sinh tồn giữa biển cả. Thất vọng thay, phân đoạn cá mập tấn công cũng chẳng khá khẩm hơn.

Trừ một vài đợt tấn công ban đầu, nhóm nhân vật chính lại hoàn toàn... bình yên vô sự khi trôi nỗi giữa đàn cá mập. Những hung thần đại dương dường như chỉ xuất hiện khi... đạo diễn muốn và làm khá tốt công tác hù dọa cho vui. Cả phim là một loạt những phân cảnh đứt quãng bị cắt ghép đến vụn vặt bởi đặc trưng kể chuyện bằng máy quay cầm tay.

Các tình tiết và tính cách của nhóm bạn trẻ được xây dựng cực kỳ vô lý. Thay vì bơi cùng nhau tìm những vật dụng cứu hộ trên thuyền, họ chỉ co cụm lại một chỗ và gào thét một cách khó chịu. May mắn thay, mọi thứ thuận lợi như phao cứu sinh đều được đạo diễn ra lệnh cho trôi về phía Jeff, Josh và Megan. Thế nhưng nhóm bạn trẻ này lại tự tay phá nát chúng.

Cách đây ít lâu, người xem ấn tượng với cô nàng tóc vàng hoe Nancy thông minh và mạnh mẽ trong cuộc chiến với hung thần đại dương trong The Shallows thì Megan lại ở một cảnh giới khác hoàn toàn. Nhiệm vụ của Megan là la hét và nói nhiều hết mức có thể. Như chưa thể hết khó chịu, cô nàng còn đưa ra những quyết định ngây ngô và cứng đầu đến mức ức chế. Dành chữ “ngu si” cho nữ chính này là không quá đáng chút nào. Cặp anh em Jeff và Josh cũng chẳng khá khẩm hơn khi đã ở trong tình huống ngặt nghèo mà còn thích “nghịch dại”.

“Shark Terror” Khi người xem chỉ mong cá mập chiến thắng 2

Những hành động của nhóm bạn này như điển hình của nhóm đối tượng Tây “trẻ trâu” trong truyền thuyết và đi ngược lại mọi quy luật sinh tồn trong thực tế. Sự thông minh, kịch tính của những tác phẩm cùng đề tài bị Shark Terror phá nát không thương tiếc. Không hiểu sao, nhóm này vẫn sống sót tới cuối phim trong khi đáng lẽ phải là những kẻ bị ăn đầu tiên. Đôi lúc, khán giả sẽ khó chịu đến mức mong muốn cá mập ăn quách cả bọn cho mau hết phim. Nếu không, họ sẵn sàng lao vào màn hình mà bóp cổ cả nhân vật vì quá ức chế.

Sự sinh tồn của loạt phim biến thành trò cười khi các hung thần đại dương thì “từ chối” ăn thịt nhóm bạn trẻ và biến mất dạng dù có tên trên tiêu đề tác phẩm. Còn bộ ba “nguyên tử” thì liên tục tự bóp cổ và mời gọi đàn cá mập xơi mình. Có lẽ, Shark Terror là phim duy nhất khiến người xem đứng về phía thiên nhiên và liên tục chờ đợi cái chết bi thảm cho dàn nhân vật khó chịu bậc nhất này.

Nhìn chung, Shark Terror là một bộ phim tệ hại và nhàm chán. Không những thế, khán giả còn tập được đức tính bình tĩnh và kiên nhẫn khi có thể ngồi hết hơn 80 phút phim.

Theo Muzuco


Một số hình ảnh trong phim

“Shark Terror” Khi người xem chỉ mong cá mập chiến thắng 3“Shark Terror” Khi người xem chỉ mong cá mập chiến thắng 4“Shark Terror” Khi người xem chỉ mong cá mập chiến thắng 5“Shark Terror” Khi người xem chỉ mong cá mập chiến thắng 6“Shark Terror” Khi người xem chỉ mong cá mập chiến thắng 7“Shark Terror” Khi người xem chỉ mong cá mập chiến thắng 8“Shark Terror” Khi người xem chỉ mong cá mập chiến thắng 9“Shark Terror” Khi người xem chỉ mong cá mập chiến thắng 10

Bài liên quan

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang