Khi lạm dụng công nghệ quá nhiều có thể gây tác dụng phụ và khiến chất lượng phim bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng
CGI (tạm dịch: hình ảnh được tạo ra bằng máy tính) là một con dao hai lưỡi trong điện ảnh. Nếu được sử dụng hợp lý, công nghệ này sẽ mang đến cho khán giả những thước phim mãn nhãn. Còn ngược lại, sử dụng thừa thãi, thiếu hợp lý có thể nhấn chìm cả một tác phẩm, kể cả nó có tiềm năng thành công.
Dưới đây là 15 bộ phim thảm họa CGI được Business Insider bầu chọn và đưa ra.
15. "Hulk"
Hulk không phải cái tên tệ hại nhất trong danh sách này, thế nhưng với một bom tấn được đầu tư đậm, những hiệu ứng máy tính nên được thực hiện tốt hơn những gì xuất hiện thực tế trên màn ảnh. Theo đó, thay vì một người khổng lồ xanh chân thực, khổng lồ thì Business Insider lại đánh giá những gì khán giả được thấy không chất lượng như kì vọng. Đối với nhiều người, Hulk trong phim như thể được làm bằng cao su và bước ra từ một bộ phim hoạt hình nào đó vậy.
14. "Tron: Legacy"
Thành thực mà nói, hình ảnh trong Tron: Legacy khá hoàn thiện và chất lượng. Thế nhưng, hiệu ứng hình ảnh được tạo dựng bằng máy tính để tạo ra khuôn mặt của Jeff Bridges thời còn trẻ không đạt được như kì vọng. Nhân vật Clu theo đó nhìn như thể cao su, thiếu tự nhiên và không để lại nhiều ấn tượng.
13. "The Hobbit: The Battle of the Five Armies"
Hiệu ứng CGI trong The Hobbit: The Battle of the Five Armies không thực sự tệ. Tuy nhiên, hiệu ứng hóa trang, trang phục và bối cảnh trong bộ phim này lại không quá ấn tượng, thiếu chiều sâu, đôi khi nhân vật thiếu tự nhiên và đội quân thì trông "giả" đến mức các cảnh chiến đấu không để lại nhiều hiệu ứng về cảm xúc.
12. "Jurassic World"
Trong Jurassic World, Steven Spielberg đã kết hợp cả hiệu ứng thực tế và kỹ thuật số để tạo ra những gì mà ông cho là "một trong những thứ tốt nhất trong sự nghiệp". Thế nhưng, hiệu ứng CGI trong phim này lại bị đánh giá là bị lạm dụng quá nhiều, thiếu chiều sâu và không đủ tạo ra sự sợ hãi cho người xem.
11. "Gods of Egypt"
Ngoài dàn diễn viên tuyệt vời và khoản đầu tư khổng lồ lên tới 140 triệu USD, Gods of Egypt không được đánh giá cao ở phần hiệu ứng hình ảnh và công nghệ CGI được áp dụng thì gây ra nhiều tranh cãi và thậm chí bị đánh giá là "một đống hỗn độn".
10. "The Transformers"
Công nghệ CGI được sử dụng trong The Transformers khá ổn bởi thực tế thì cũng chẳng ai tạo được hình ảnh một robot biến hình từ xe hơi trong thực tế. Hình ảnh thì chẳng có gì để chê nhưng điều người ta chê ở đây là cách CGI được sử dụng. Trong nhiều cảnh phim, mọi thứ dường như hỗn độn đến mức người xem còn chẳng thể phân biệt nổi ai đang đánh nhau với ai. Việc sử dụng CGI kiểu này có thể là một phong cách riêng của Michael Bay nhưng đối với nhiều người nó cũng đủ để The Transformers có mặt trong danh sách này.
9. "Green Lantern"
Green Lantern cũng là một bộ phim lạm dụng CGI đến mức thiếu thực tế bởi ngay cả bộ cánh của diễn viên chính cũng là một sản phẩm của máy tính. Nhất là khi hiệu ứng được sử dụng cũng không thực sự ấn tượng.
8. "The Polar Express"
The Polar Express là một bộ phim hay về chủ đề Giáng sinh. Tuy nhiên, các hiệu ứng hình ảnh máy tính trong phim này cũng được Business Insider đánh giá không cao. Công nghệ bắt chuyển động hoạt hình chưa thực sự hoàn thiện khiến nhiều cảnh phim thiếu tự nhiên cho người xem.
7. "X-Men Origins: Wolverine"
Business Insider xếp X-Men Origins: Wolverine vào danh sách các bộ phim có hiệu ứng CGI tệ bởi nó dường như quá phụ thuộc vào công nghệ máy tính và đôi khi làm mất đi sự hiệu quả một cách không đáng. Có thể bạn sẽ bất ngờ khi biết bộ móng của Wolverine cũng chỉ là một sản phẩm của máy tính, trong khi đó đoàn làm phim hoàn toàn có thể làm một bộ móng thật để khiến mọi thứ chân thực hơn.
6. "Lost In Space"
Hiệu ứng CGI trong Lost In Space trông vừa xấu vừa giống... nhựa. Vẫn biết rằng nó là một phim đã phát hành từ những năm 90 của thế kỉ trước thì những gì nó mang đến cho người xem vẫn là dưới tiêu chuẩn.
5. "The Matrix Reloaded"
Bản gốc của Matrix được cho là đã dựng lên một tiêu chuẩn cho hiệu ứng đặc biệt hiện đại, thế nhưng phần tiếp theo của nó thì lại không đáp ứng được kì vọng. Sự phụ thuộc quá nhiều vào hiệu ứng CGI làm không tới đã khiến The Matrix Reloaded có nhiều hạt sạn không đáng có.
Nhiều cảnh phim được đánh giá là trông như thể cắt ra từ một trò chơi có từ những năm 90 của thế kỉ trước.
4. "The Mummy"
Một số cảnh phim CGI trong The Mummy bị đánh giá là không cần thiết và thực tế có thể hiệu quả hơn nếu chọn cách làm thực tế bằng hiệu ứng hóa trang và thiết kế phục trang.
3. "Spy Kids 3-D: Game Over"
Spy Kids 3-D: Game Over được ra đời với mong muốn đưa các hiệu ứng hình ảnh lên một tầm cao mới và tận dụng sự quan tâm của khán giả dành cho dòng phim 3D thế nhưng những gì bộ phim mang tới lại hoàn toàn thất vọng.
2. "The Lawnmower Man"
Ra mắt năm 1992, The Lawnmower Man có thể đổ lỗi cho công nghệ sơ khai và lỗi thời khiến các hiệu ứng hình ảnh máy tính mang đến cho người xem thực sự xấu xí. Tuy nhiên, đó không phải một lý do chính đáng khiến nó thoát khỏi việc có tên trong danh sách này. Cũng như các công nghệ khác, CGI cần thời gian để hoàn thiện. Dù vậy, The Lawnmower Man vẫn là một ví dụ cho thấy công nghệ CGI sẽ tệ hại thế nào nếu làm không tới.
1. "Star Wars" special editions
Chốt lại danh sách Business Insider đưa ra là "Star Wars" special editions với việc lạm dụng CGI quá mức.