Minamoto no Yoshitsune (1159 – 1189) là một chiến binh huyền thoại thời Heian, ông là một mắt xích quan trọng đặt dấu chấm hết cho sự cai trị của nhà Taira và giúp cho anh trai mình, Yoritomo, trở thành người đàn ông hùng mạnh nhất nước Nhật thời bấy giờ, đánh giấu sự khởi đầu của chế độ Mạc phủ – Tướng quân kéo dài suốt 7 thế kỉ tại Nhật Bản. Sau đây là cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Bối cảnh
Câu chuyện của Minamoto no Yoshitsune cũng chính là câu chuyện về sự mâu thuẫn giữa 2 gia tộc Taira và Minamoto. Tất cả bắt đầu từ cuộc nổi dậy Hougen (Loạn Bảo Nguyên) diễn ra năm 1156. Đây là lúc tranh nhau ngôi kế vị giữa Hoàng đế Go-Shirakawa và Hoàng đế Sutoku. Quân đội của Go-Shirakawa có sự hậu thuẫn của Fujiwara no Tadamichi (con trường của gia tộc Fujiwara) – Taira no Kiyomori (tộc trưởng gia tộc Taira) – Minamoto no Yoshitomo (con trai của Tameyoshi), thủ lĩnh là Taira no Kiyomori. Phía bên hoàng đế Sutoku là Fujiwara no Yorinaga (là cánh tay phải của Sutoku) – Minamoto no Tameyoshi (tộc trưởng tộc Minamoto) – Taira no Tadamasa (chú của Kiyomori), thủ lĩnh là Minamoto no Tameyoshi. Trận chiến kết thúc với phần thắng thuôc về Hoàng đế Go-Shirakawa, các tướng lĩnh bên phía Hoàng đế Sutoku đều bị giết và tự sát, bản thân Sutoku bị đi đày, còn Minamoto no Yoshitomo trở thành tộc trưởng tộc Minamoto.
『保元・平治の乱合戦図屏風』保元の乱 白河殿焼き討ち (Nguồn: Wiki)
Sau khi Shirakawa nắm được quyền lực, dòng họ Taira đã cấu kết chặt chẽ với chính quyền mới và nhận được nhiều ân sủng và nhiều khả năng gia tộc Taira sẽ tiếp nối gia tộc Shirakawa, tiếp tục duy trì quyền lực so với các gia tộc khác. Điều này khiến cho gia tộc Minamoto bất bình và mâu thuẫn, đỉnh điểm là Nổi loạn Heiji 1160 giữa gia tộc Taira và gia tộc Minamoto. Quân đội của Taira được dẫn dắt bởi Taira no Kiyomori, liên minh với gia tộc Fujiwara còn quân đội bên phía Minamoto được dẫn dắt bởi tộc trưởng Minamoto no Yoshitomo. Cuộc nội chiến kết thúc bằng phần thắng thuộc về nhà Taira, tộc trưởng nhà Minamoto, Yoshitomo, bị xử tử.
Tuy nhiên, điều kì lạ là các con của Minamoto no Yoshitomo lại được Taira tha mạng. Trong đó có Minamoto no Yoshitsune (con trai thứ 9 của Yoshitomo) và Minamoto no Yoritomo (con trai thứ 3 của Yoshitomo). Yoshitsune bị đày lên núi Kurayama (phía bắc Kyoto) để trở thành một nhà tu hành.Mặc dù vậy khi mới lên 7, Yoshitsune đã tự xác định sứ mệnh của mình là báo thù cho người cha chứ không phải trở thành người nhà chùa.
Sự nổi lên của Yoshitsune
Ngay từ nhỏ, Yoshitsune đã tìm kiếm và học hỏi mọi đấu thuật mà ông có thể tìm được, trong đó có cả Binh pháp Tôn Tử và tích cực luyện tập võ nghệ cùng với các tăng binh trên chùa Kurayama, mà bỏ ngoài tai những bài giảng của Đức phật.
Đại tướng quân Yoshitsune
Trước khi lên 15 tuổi, chàng võ sĩ trẻ tuổi đã tinh thông võ nghệ và rời bỏ nhà chùa để bắt đầu con đường báo thù Taira no Kiyomori. Trong thời gian đó, tại cầu Gojo ở Tokyo có một tăng binh tên là Benkei, cứ thấy võ sĩ đi qua là thách thức giao chiến và tước đoạt kiếm của họ, đến lúc này đã được 999 chiếc. Đến người thứ 1000, chính là Yoshitsune thì Benkei thất bại, kể từ đó Benkei trở thành người bảo vệ thân cận của Yoshitsune và được Yoshitsu hết mực tin tưởng.
Lần gặp mặt đầu tiên giữa Benkei và Yoshitsune trên cầu Gojo (Nguồn: Wiki)
Trong khi đó, Yoritomo, anh trai của Yoshitsune và là người thừa kế ngôi vị tộc trưởng Minamoto cũng đã hết sức tập hợp lực lượng nhằm lật đổ nhà Taira. Mặc dù được chính nhà Taira nuôi dưỡng (một hình thức giam lỏng) nhưng ông không quên mối thù với Kiyomori và đến năm 1180 đã tập hợp một lực lượng đủ sức đánh bại Taira, với sự giúp đỡ từ người em Yoshitsune. Đây là khởi đầu cho Chiến tranh Genpei (Nguyên Bình hợp chiến) chấm dứt thời kì trị vị của nhà Taira và đánh dấu sự khởi đầu của Mạc phủ Kamakura. Cùng thời điểm đó, Taira no Kiyomori đặt cháu trai mình, thái tử Antoku (2 tuổi) lên ngôi Thiên hoàng, chính thức đẩy Taira lên vị thế thống lĩnh Nhật Bản thay cho gia tộc Shirakawa.
Yoshitsune trong Chiến tranh Genpei
Năm 1184, Yoritomo cử Yoshitsune đến đánh anh họ mình là Yoshinaka, người muốn tranh giành ngôi kế vị tộc trường tộc Minamoto với Yoritomo. Quân của Yoshinaka bị đánh bại và Yoshinaka trốn chạy được cùng với đoàn tùy tùng của mình, trong đó nổi tiếng có Tomoe Gozen.
Tuy nhiên, họ sớm bị truy lùng và đánh bại, Yoshinaka phải mổ bụng tự sát. Yoshitsune ngày một trưởng thành và trở thành vị tướng quan trọng nhất trong kết hoạch phục hưng nhà Minamoto, với việc dành vô vàn chiến thắng trước các chi tộc của nhà Taira và dần tiến sâu vào lãnh thổ của gia tộc Taira. Yoshitsune tiếp quản Kyoto và được phong làm Đại Tướng quân khi chỉ mới 25 tuổi năm 1184.
Chiến tranh giữa nhà Taira và Minamoto liên tục leo thang. Sau nhiều trận đánh diễn ra, cuối cùng vào năm 1185, Hoàng đế Antoku, khi đó mới 8 tuổi, bị buộc phải bỏ chạy lên thuyền chiến sau khi bị lực lượng của Yoshitsune đánh vào. Yoshitsune tiếp tục đuổi theo, dẫn đến trận thủy chiến trên sông Dan no Ura – một trận đánh rất nổi tiếng và quan trọng bậc nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Trận thủy chiến Dan no Ura, kết thúc Chiến tranh Genpei
Nhà Minamoto chạm trán hạm đội nhà Taira tại en Shimonoseki, một khoảng nước nhỏ phân cách giữa đảo Honshu và đảo Kyūshū. Sau hàng loạt cung tên, sáp chiến bắt đầu. Thủy triều đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trận đánh, ban đầu mang lợi thế cho nhà Taira, những thủy thủ kinh nghiệm và tài giỏi hơn, và sau đó là cho nhà Minamoto. Lợi thế của nhà Minamoto được nâng cao nhiều nhờ sự phản bội của Taguchi Shigeyoshi, một tướng quân của nhà Taira nói ra vị trí của Thiên hoàng Antoku và thần khí. Nhà Minamoto chuyển sự chú ý của mình đến con thuyền của Thiên hoàng, và trận đánh nhanh chóng chuyển hướng có lợi cho họ.
Quy tắc hải chiến thời đó quy định không bắn vào người lái thuyền, chỉ bắn chết võ sỹ samurai, tức là thành viên chiến đấu. Sở dĩ như vậy, vì người lái thuyền đều là dân chài, không phải quân lính, nếu bắn chết họ thì sau này họ sẽ không lái thuyền cho quân đội nữa, thủy quân cũng không hình thành nổi. Tuy vậy, Yoshitsune vốn là người miền Ðông, không nghĩ xa tới tương lai thủy quân, nên đã phá lệ cũ, nhằm bắn người lái thuyền trước nhất. Người lái thuyền không mặc giáp trụ, nên bị trúng tên thì bị thương nặng không lái thuyền được nữa. Vì vậy, họ sợ bỏ chạy hết, khiến đoàn thuyền của Taira không xoay xở được. Các tướng Taira đã thốt lên “Yoshitsune là đồ hèn!” mà chết đi..
Nhiều samurai và gia thất của nhà Taira, trong đó có bà nội Antoku – người ôm Antoku vào vòng tay, cầu nguyện rồi trẫm mình xuống làn sóng nước thay vì sống để thấy sự thất bại cuối cùng của gia tộc mình về tay nhà Minamoto. Không ai nhìn thấy họ còn sống hay đã chết.
Tộc trưởng của nhà Taira khi đó là Munenuri đã không tuân theo quy tắc võ sĩ đạo, ông không muốn nhảy xuống biển để chết cùng cùng với Hoàng đế, tỏ lòng trung thành. Không lâu sau, Munemuri bị bắt và xử tử, nhà Taira từ đó không bao giờ nhìn thấy ánh mặt trời lần nào nữa.
Nhà Taira bị tiêu diệt, và chiến thắng của nhà Minamoto theo sau đó bằng việc thành lập Mạc phủ Kamakura. Mặc dù Minamoto no Yoritomokhông phải là người đầu tiên giữ tước vị Shogun, ông là người đầu tiên giữ vị trí này với vai trò ở tầm quốc gia. Sự kết thúc của chiến tranh Genpei và mở đầu Mạc phủ Kamakura đánh dấu sự nổi lên của quyền lực quân sự (samurai) và sự suy sụp của quyền lực Thiên hoàng, người bị buộc phải chủ tọa mà không có quyền lực chính trị hay quân sự, cho đến thời Minh Trị Duy Tân 650 năm sau đó.
Thêm vào đó, trận chiến này và kết quả của nó khiến cho 2 màu đỏ và trắng, màu của gia tộc Taira và Minamoto, một cách tương đối, trở thành màu quốc gia của Nhật Bản. Ngày nay, hai màu này có thể thấy trên quốc kỳ Nhật, và trên cờ, bảng trong sumo và các hoạt động truyền thống khác.
Sự suy tàn của Yoshitsune
Sau chận Dan no Ura, Yoshitsune đã bị chính Yoritomo trở mặt. Mặc dù lí do là gì vẫn chưa thực sự rõ ràng nhưng có một số giả thiết cho rằng Yoshitsune rất bất bình trước việc không được Yoritomo công nhận công trạng và danh dự sau trận chiến Genpei. Một số giải thiết khác thì cho rằng Yoritomo, với bản tính hay nghi ngờ của mình, đã không tin tưởng vào lòng trung thành của Yoshitsune, ông lo ngại Yoshitsune sẽ chiếm đoạt ngôi vị thống lĩnh của mình.
Yoshitsune (trái) và Yoritomo (phải) trong vở kịch Kaikei genji yuki no shirahata 会稽源氏雪白旗 viết bởi Kawatake Mokuami (1816-1893)
Trong một bức thư gửi tới một quan nhiếp chính thân cận với anh mình, Yoshitsune đã viết:
Ta trở thành đối tượng phải chịu vô vàn những lời xuyên tạc. Ta, Yoshitsune, vốn không hề có tội trạng gì, nay lại bị lăng mạ; vốn là kẻ trọng danh dự và không có bất cứ sai lầm nào, nay lại bị Chúa công ghét bỏ… Mũ và giáp là gối ta nằm; cung và tên là nghiệp ta chọn…
Nhận ra rằng chỉ có Đức Phật và các vị Thần mới lắng nghe những lời ai oán của ta, ta đã viết những lời minh oan của ta lên những lá bùa ở khắp các đền chùa, thề trước tất cả các vị thần dù lớn dù nhỏ ở mọi Đền chùa và trước các vong linh dưới cõi Âm, ta chưa bao giờ mảy may ấp ủ hay có những tham vọng tà ác; vậy mà mọi lời bào chữa cho lòng trung thành của ta chưa một lần được Chúa công soi xét.
Mặc cho nỗ lực chứng minh lòng trung thành của mình, Yoshitsune vẫn không được anh mình tin cẩn, còn bị anh mình buộc tội có những hành động tự tiện trái ý bề trên. Quá uất ức, Yoshitsune về phe với chú mình là Minamoto Yukiie định mưu phản nhưng thất bại, buộc phải bỏ chạy. Yoshitsune cùng với đám tùy tùng nhỏ của mình đi lang thang khắp đất Nhật, năm 1187 thì xin tị nạn ở nhà lãnh chúa Fujiwara no Hidehira ở vùng Mutsu. Tuy nhiên khi lãnh chúa chết ngay năm đó, người kế vị ông, người con trai Yasuhire lại trở mặt với các vị khách của cha mình và tuân phục Yoritomo.
Năm 1189, Yasuhire và người của hắn tiến hành thảm sát người của Yoshitsune, cho đến khi chỉ còn lại đúng Yoshitsune và người bạn trung thành của ông là Benkei. Yoshitsune lui về gia thất của Fujiwara Motonari và chuẩn bị các nghi thức tự sát, trong khi đó Benkei ở bên ngoài cầm cự với địch. Vị tăng binh Benkei, dù bị hàng loạt mũi tên địch đâm xuyên qua giáp trụ, vẫn đứng im ngăn kẻ địch tiến đến, cho đến khi người ta nhận ra Benkei đã chết từ lâu. Cuối cùng, khi Benkei ngã gục xuống. Yoshitsune liền giết chết vợ và con mình để tránh họ bị làm nhục; sau đó bản thân ông tiến hành nghi thức mổ bụng tự sát.
Yoshitsune và Benkei ngắm hoa anh đào nở, tranh của Yoshitoshi Tsukioka
Người vợ của Yoshitsune bấy giờ vẫn đang có thai, cô sống sót và bị bắt đi. Đứa bé cô cho ra đời không lâu sau đó ngay lập tức bị Yoritomo giết hại nhằm tránh sự thù hận sau này, không lâu sau hắn chiếm luôn vùng mà Fujiwara cai quản, đưa cả nước Nhật về dưới trướng của mình. Thủ cấp của Yoshitsune được Yoritomo đem về trong sự nuối tiếc của rất nhiều người. Vài năm sau, Yoritomo bị ngã ngựa và dính phải một chấn thương nghiêm trọng gây đến cái chết, nhiều người cho rằng hồn ma của Yoshitsune đã hiển linh đẩy Yoritomo.
Kết
Mặc dù bị đối xử tệ bạc bởi chính người anh của mình vào những năm cuối đời nhưng Yoshitsune vẫn là một danh tướng trong lịch sử Nhật Bản, và được nhiều nhà văn, nhà thơ lấy cảm hứng sáng tác, điển hình là trong tập “Truyện kể Heike”. Hiện nay, vong linh của Yoshitsune được thờ tại đền Shirahata Jinja ở Fujisawa, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản.