Một cuộc tranh luận về đạo đức và quyền lợi nghệ thuật đã nổ ra trong vài tuần gần đây, có liên quan đến hai bức tượng đồng nổi tiếng đặt tại gần phố Wall, quận Tài chính Manhattan, thành phố New York, Mỹ.
Bức tượng “Chú Bò húc” tồn tại nơi đây đã 30 năm, bỗng nhiên một ngày chú phải chấp nhận có thêm một người bạn bất đắc dĩ là “Cô Bé Dũng cảm”. Mà rất có thể sự xuất hiện này sẽ làm thay đổi tất cả những giá trị nghệ thuật mà bức tượng này trước nay từng mang lại.
Hai tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi
Bức tượng “chú Bò húc” sinh ra từ đâu?
Năm 1987, thế giới phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán lớn chưa từng có, bắt nguồn từ sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ. Chúng ta sẽ không bàn tới nguyên nhân tại sao thị trường chứng khoán ở gần như khắp mọi nơi trở nên tê liệt trong khoảng thời gian này. Câu chuyện mà tôi muốn nhắc tới là câu chuyện về một tác phẩm nghệ thuật được tạo nên lúc bấy giờ mang hình tượng “chú bò húc”.
Bức tượng Chú Bò húc
Arturo Di Monica, một người nhập cư Sicily mới được chấp nhận bình thường hoá trở thành một công dân Mỹ, đã phản ứng lại làn sóng khủng hoảng đó bằng cách tạo nên một bức tượng nghệ thuật bằng đồng nặng hơn 3 tấn, mang hình thù một chú bò húc.
Di Monica đã bỏ ra gần hai năm và hơn 350,000 đô la Mỹ tiền túi của chính ông để thực hiện tác phẩm nghệ thuật này. Ông nói rằng ông muốn hình tượng chú bò húc này làm biểu tượng cho “sức mạnh của người dân nước Mỹ”. Ông đã cho tải chú bò húc này đến quận Tài chính gần phố Wall thành phố New York và đặt bức tượng ở đó mà không có sự cho phép của chính quyền.
Ông Arturo Di Monica bên bức tượng Chú Bò húc
Đa số người dân đều thích chú bò húc này, ngoại trừ những người tổ chức Sàn Chứng khoán New York. Họ đã gọi cho cảnh sát đến đem bức tượng đi, và nhận được sự chỉ trích dữ dội từ phía dư luận. Cuối cùng, chính quyền thành phố đã chấp nhận tạm thời đặt bức tượng trở lại đó.
Sự xuất hiện của “Cố bé Dũng cảm”
Gần ba mươi năm trôi qua, chú bò húc vẫn là một biểu tượng khó quên của thành phố New York, cho đến ngày mùng 7 tháng 3 vừa qua một ngày trước ngày Quốc tế Phụ nữ mùng 8 tháng 3 - với sự xuất hiện của một bức tượng đồng khác mang tên Cô bé Dũng cảm.
Bức tượng có hình hài một cô bé bảy tuổi, đứng đối diện bức tượng đồng chú bò húc của Di Monica, hai tay chống nạnh, với một biểu cảm đầy tự tin. Rất nhiều người đã xem Cô bé Dũng cảm như một biểu tượng mạnh mẽ cho ngày Quốc tế Phụ nữ và cho Nữ quyền.
Bức tượng Cô Bé dũng cảm
Bức tượng được đặt hợp đồng thực hiện bởi công ty Tư Vấn Quốc tế State Street—một công ty hưởng ứng rất mạnh mẽ trong làn sóng đòi hỏi sự đa dạng giới tính trong các doanh nghiệp.
Giám đốc marketing của công ty, ông Stephen Tisdalle, đã nói rằng “cô bé này tượng trưng cho hiện tại, và đồng thời cũng tượng trưng cho tương lai. Cô bé ấy không hề tức giận vì chú bò húc—cô ấy chỉ đơn giản là hết sức tự tin, cô ấy biết rằng mình làm được gì, và cô ấy muốn chú bò phải hiểu điều đó.”
Tranh cãi xung quanh “Chú bò húc” và “Cố bé Dũng cảm”
Sự xuất hiện của bức tượng Cô bé Dũng cảm đã dấy lên một vấn đề. Cô bé Dũng cảm cần có Chú Bò húc để giữ được thần thái và ý nghĩa của mình. Nếu như Chú bò húc được đặt ở đâu đó khác, thì Cô bé Dũng cảm—mặc dù vẫn là một bức tượng rất đẹp và mang đầy thông điệp—sẽ không còn đối tượng nào để qua đó chứng tỏ cho sự tự tin và hãnh diện của mình nữa. Không có ngữ cảnh mà Chú Bò húc đem lại, thì Cô bé Dũng cảm sẽ chỉ còn là Cô bé Tự tin mà thôi.
Tuy nhiên, bằng cách đó, Cô bé Dũng cảm đã đồng thời vô hình chung làm thay đổi ý nghĩa tích cực ban đầu của Chú Bò húc. Nếu như theo chủ định ban đầu của Di Monica, thì chú bò húc là biểu tượng của “sức mạnh người dân nước Mỹ”, thì giờ đây với bức tượng Cô bé Dũng cảm, người ta lại coi chú bò húc như một biểu tượng của những sự o ép, bất công và là mối nguy hại đối với cô bé nói riêng, và thay mặt cho phụ nữ khắp nơi nói chung.
Sự xuất hiện của Cô Bé dũng cảm làm thay đổi giá trị nghệ thuật của Chú Bò húc
Tại đây, chúng ta hiểu rằng tác phẩm Cô bé Dũng cảm đã chiếm lấy hình tượng của Chú Bò húc làm một phần trong bức tranh nghệ thuật tổng thể của mình. Và lẽ dĩ nhiên, tác giả của bức tượng ba mươi năm tuổi Arturo Di Monica, thì không hài lòng một chút nào với việc này.
Ông cho rằng bức tượng Cô bé Dũng cảm đã phá hỏng hoàn toàn ý nghĩa tích cực ban đầu của bức tượng Chú Bò húc, và đồng thời bức tượng đó cũng chỉ là một “mưu kế quảng cáo” nhằm mục đích quảng bá hình ảnh của công ty Tư vấn Quốc tế State Street.
Di Monica đã đệ đơn lên chính quyền thành phố New York yêu cầu cho di dời bức tượng Cô bé Dũng cảm, và nếu cần thiết thì ông sẽ đâm đơn kiện. Luật sư của Di Monica đã khẳng định với tờ Washington Post rằng “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ bình đẳng giới. Tuy nhiên chuyện này lại liên quan tới những vấn đề khác.”
Dư luận đã có rất nhiều những phản ứng khác nhau về vấn đề này. Nhiều người ủng hộ thông điệp đầy cảm hứng đối với phụ nữ nói chung của Cô bé Dũng cảm, và cho rằng “những người đàn ông không muốn phụ nữ làm tốn diện tích chính là lý do vì sao chúng ta cần ủng hộ Nữ quyền.” Nhiều người tỏ ý không hài lòng với việc Cô bé Dũng cảm, mặc dù mang đầy tính nghệ thuật, thực ra chỉ là một công cụ dựa vào đó để quảng cáo và quảng bá hình ảnh của một công ty lớn.
Một số người khác đồng ý rằng Di Monica có đầy đủ lý do và quyền để mong muốn bảo vệ ý nghĩa cao cả của tác phẩm Chú Bò húc của mình. Và cũng không ít người lại nghĩ bức tượng Cô bé Dũng cảm đã hình thành nên một ý nghĩa mới, to lớn, tổng thể và hợp thời đại hơn cho bức tượng Chú Bò húc, và đó là một điều hoàn toàn đáng hoan nghênh.
Ai có lý, ai vô lý? Đâu mới là cái nhìn đúng đắn về nghệ thuật? Có lẽ đây là những câu hỏi còn bỏ ngỏ chưa tìm được lời giải đáp. Bởi vì nghệ thuật là một khái niệm trừu tượng, mà đối với mỗi người - góc nhìn về nghệ thuật lại có một nét riêng.
Có thể tôi cho rằng đây là cái đẹp, nhưng bạn thì không và ngược lại. Quan trọng hơn, giá trị của nghệ thuật mang lại luôn là tô điểm cho cuộc sống này thêm phần đẹp đẽ hơn. Và nghệ thuật không nên là thứ mang ra để tranh luận. Hãy để mỗi người tự cảm nhận chất nghệ cho riêng mình.
Nguồn: kenh14