Khi thế giới 'dậy sóng' vì Twitter của Tổng thống Trump

Quang BD

Ông Trump sử dụng tài khoản Twitter cá nhân để bày tỏ quan điểm về các vấn đề quốc tế, nhưng phát ngôn của đương kim tổng thống Mỹ luôn tạo ra ảnh hưởng nhất định.

Ngay sau khi Saudi Arabia và các nước đồng minh tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar, Tổng thống Trump viết trên Twitter cá nhân rằng ông ủng hộ hành động của các nước Arab: “Trong chuyến công du Trung Đông gần đây, tôi đã nói rõ sẽ không ai có thể tài trợ cho các tư tưởng cực đoan. Bây giờ các nhà lãnh đạo đều vạch rõ Qatar”.

Cuộc chiến ngoại giao trên Twitter

Bài đăng Twitter ngày 6/6 là tuyên bố công khai đầu tiên của ông Trump về sự kiện chấn động vùng Vịnh. Trong thế giới Arab, Qatar là nước nhỏ nhưng rất có ảnh hưởng và từ lâu đã bị cáo buộc tài trợ cho các tổ chức cực đoan. 

Loạt bài đăng trên Twitter của Tổng thống Trump về sự kiện Qatar bị nhiều nước Arab cắt quan hệ. Ảnh chụp màn hình.

Tuy nhiên, Qatar lại là nơi đặt một căn cứ quân sự lớn của Mỹ là căn cứ không quân Al Udeid ở tây nam Doha. Đây là nơi 11.000 chuyên viên quân sự Mỹ làm việc, cũng là phi trường mà máy bay Mỹ và liên quân xuất kích tiêu diệt phiến quân IS ở Iraq và Syria.

Phản ứng này của Tổng thống Trump buộc Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis phải ra mặt làm dịu tình hình. Trong khi ông Tillerson như đóng vai trò cầu nối hoà bình, kêu gọi các nước Arab hạ nhiệt, thì Bộ trưởng Mattis khẳng định sẽ không có sự thay đổi nào trong chiến dịch tiêu diệt IS.

Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer thì khẳng định tổng thống Mỹ không phải đang thể hiện đứng về phe nào (cụ thể là Saudi Arabia), đồng thời nhắc lại cuộc trò chuyện “hiệu quả” giữa ông Trump và quốc vương Tamim bin Hamad al-Thani của Qatar.

Đây không phải lần đầu tiên ông Trump bày tỏ quan điểm về các sự kiện quốc tế trên Twitter khiến thế giới “dậy sóng”. Trước đó, tổng thống Mỹ cũng sử dụng tài khoản cá nhân để chỉ trích thị trưởng London sau vụ tấn công ở thành phố này, màn đối đáp căng thẳng với Thủ tướng Đức Angela Merkel, hoặc khiến Bắc Kinh tức tối vì đe doạ phá vỡ chính sách Một Trung Quốc.

So với những hệ quả ngoại giao cần thời gian để thể hiện rõ ràng, giới doanh nghiệp là bên chịu ảnh hưởng nhanh chóng và tức thời từ Twitter của ông Trump. Tập đoàn Toyota thiệt hại 1,2 tỷ USD ngày 5/1 khi cổ phiếu rớt giá chỉ 5 phút sau khi tổng thống Mỹ viết Twitter khẳng định ngăn cản việc đưa sản xuất ôtô ra nước ngoài.

Trước đó, vào cuối năm 2016, các tập đoàn lớn như Boeing và Lockheed Martin cũng thiệt hại nhiều tỷ USD do cổ phiếu giảm giá mạnh sau khi Tổng thống Trump chỉ trích các công ty này trên Twitter.

Tổng thống Trump thường xuyên sử dụng Twitter để bày tỏ quan điểm. Ảnh: CNN.

Twitter không phản ánh chính sách

Một số chuyên gia cho rằng những nội dung Twitter gây tranh cãi chỉ xuất hiện trên tài khoản cá nhân của ông (@realDonaldTrump) Trump chứ không phải trang chính thức dành cho tổng thống Mỹ do Nhà Trắng quản lý (@POTUS). Những nội dung này phản ánh quan điểm cá nhân của ông Trump, cũng là đương kim tổng thống Mỹ. 

Do vậy, các bài đăng Twitter có thể là một yếu tố được xem xét, nhưng nó không thể là điều quan trọng trong việc dự báo quan điểm của cả chính quyền hoặc chính sách sắp tới của nước Mỹ. “Cần phải xem xét nhiều yếu tố khác chứ không chỉ là mạng xã hội. Để xây dựng và thực thi một chính sách cần cả bộ máy chứ không chỉ là các dòng trên Twitter”

Nói về ảnh hưởng từ Twitter của ông Trump với thị trường, ông Jason Schechter (Giám đốc Truyền thông toàn cầu của Tập đoàn Bloomberg, cựu phát ngôn viên của Tổng thống Clinton) cho rằng: “Quả thật nhiều công ty đã chịu thất thoát lớn hoặc được lợi một cách chóng mặt từ các bài đăng này, nhưng đó chỉ là trong ngắn hạn. Khi phân tích về dài hạn thì chúng tôi thấy tình hình dần trở lại ổn định”.

Theo ông, một trong những yếu tố mà Bloomberg cũng đo lường chính là các phản ứng trên mạng xã hội “của tất cả mọi người chứ không riêng Tổng thống Trump. Twitter của ông ấy thực sự tạo ra tác động nhưng chỉ trong ngắn hạn”. 

Ông Jared Sandberg (Biên tập viên cao cấp Bloomberg Digital) bổ sung thêm với nhận định trên rằng: “Những gì tổng thống viết trên Twitter quả thực từng có ảnh hưởng rất lớn, nhưng đó là giai đoạn khi ông Trump mới đắc cử cho đến khoảng thời gian đầu khi mới nhậm chức”.

Trong bối cảnh hiện nay, ông cho rằng Nhà Trắng đang trải qua nhiều khủng hoảng liên tiếp ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền nên “tôi nghĩ người dân không còn thực sự quá quan tâm đến Twitter của tổng thống hoặc nó cũng không còn tác động quá lớn”.

Khi được hỏi về quan điểm của Bộ Ngoại giao Mỹ với các bài đăng trên Twitter của Tổng thống Trump, ông Richard Buangan (Giám đốc Quản lý Truyền thông Quốc tế, một trong 5 lãnh đạo Cục Các vấn đề Công chúng (BPA) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ) chia sẽ: “Ngài tổng thống có cách rất riêng để giao tiếp với người dân Mỹ và ông cho rằng đây là biện pháp hiệu quả. Ngoại trưởng Rex Tillerson từng nói rõ ông không có ý định tư vấn cho Tổng thống Trump về cách để trao đổi với người dân. Điều này hoàn toàn tuỳ thuộc vào tổng thống”.

Theo Zing

Bài cùng chuyên mục