Son Heung-min là ai? Và tại sao dưới 1 đất nước đặt nặng chế độ Quân dịch như vậy mà anh lại được miễn nghĩa vụ quân sự
Một trong những đề tài nóng hổi nhận được nhiều sự quan tâm của người hâm mộ trên cả hoàn cầu trong thời gian qua là tương lai của ngôi sao Son Heung-min của Tottenham.
Cho đến khi Harry Kane dính chấn thương và phải rời sân từ sớm trong trận đấu gặp Bournemouth, người hâm mộ Tottenham mới thực sự nhận ra giá trị thật của Son Heung Min.
Anh ghi tận 2 bàn vào lưới Begovic, cầu thủ người Hàn Quốc chạy chỗ và dứt điểm hoàn hảo đến nỗi người ta quên mất hình ảnh ngày đầu anh đến London. Một phong độ mờ nhạt chỉ với vỏn vẹn 4 bàn thắng trong mùa đầu tiên, kéo theo đó là những lời bình phẩm xuất hiện khắp Bắc London mỗi khi Son chơi tệ.
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, vị thế của Son bây giờ đã khác. Anh là sự lựa chọn thường trực của HLV Pochettino trên hàng công Spurs bên cạnh Harry Kane, Dele Alli và Eriksen. Ở quê nhà, nhiều nhà báo xứ Kim Chi đã mô tả sức ảnh hưởng của Son với người Hàn không khác gì cái cách David Beckham từng có với người Anh ngày trước.
Thành công nào cũng có cái giá của nó, điều đó không ngoại lệ với Son.
Giấc mơ trời Âu - cầu thủ yếu thể lực nhất đội
Nói có vẻ khó tin, nhưng thứ thể lực dẻo dai mà Son có hiện tại là một điều thần kỳ so với chính anh cách đây 10 năm. Năm 15 tuổi, cùng với hai cầu thủ người Hàn Quốc khác, anh lọt vào mắt xanh của Soner Uysal - HLV đội trẻ Hamburg SV trong quá trình kiếm tìm những mầm non bóng đá triển vọng ở Hàn Quốc.
Son thời còn khoác áo đội trẻ CLB Hamburg SV.
Một chân trời mới mở ra với Son khi trước mắt anh là quãng thời gian được ăn tập ở Đức, đất nước đi đầu trong các chương trình đào tạo bóng đá trẻ ở châu Âu. Đời chẳng như mơ, mọi thứ diễn ra trong năm đầu tiên ở Đức không mấy suôn sẻ.
Son không được Soner Uysal sử dụng nhiều trong các trận đấu của đội trẻ Hamburg và thậm chí đến cuối mùa, anh không được đội bóng chủ quản ký tiếp hợp đồng. Vấn đề của Son Heung-Min lúc đó chính là thể lực.
HLV Soner Uysal giải thích: “Tôi nhớ rằng đó là một quãng thời gian mà ngày nào tuyết cũng phủ dày sân tập của đội bóng. Các cầu thủ trẻ luôn phải chạy hàng chục vòng sân mỗi ngày để tăng cường thể lực. Lần nào, Son cũng thở hổn hển và xếp chót trong các lượt chạy.
Với thứ tiếng Đức ít ỏi cùng mấy câu chửi thề học lỏm, Son cứ luôn miệng cười với nét mặt lạc quan khi tôi hỏi han tình hình cậu ấy sau mỗi lần chạy. Lúc đó, tôi luôn có cảm giác nuối tiếc nếu nhược điểm về thể lực ngăn cản cậu ấy trở thành một ngôi sao. Có nhiều cầu thủ giỏi và khỏe hơn Son lúc đó, tôi không có nhiều sự lựa chọn”.
Soner Uysal từng từ bỏ hi vọng biến Son trở thành một cầu thủ đẳng cấp
Son Heung-Min trở về Hàn Quốc khi giấc mơ Đức thất bại. Tuy nhiên, khi một cánh cửa đóng lại, cánh cửa khác lại mở ra. Thêm một kỳ tuyển trạch nữa ở Seoul và giấc mơ châu Âu của Son lại tiếp tục. Lần này là Blackburn Rovers, những kỹ năng hiếm có của một tiền vệ mới 16 tuổi đã chinh phục các tuyển trạch viên của đội bóng Anh. Châu Âu lại một lần nữa vẫy gọi.
Có lẽ Son không biết, hoặc anh đã nỗ lực rất nhiều để biến chuyến đi đến xứ sương mù trở thành ngã rẽ lớn nhất sự nghiệp. Phong độ chói sáng ở đội trẻ Blackburn Rovers mang anh đến U17 World Cup năm 2009 được tổ chức ở Nigeria. Tiền vệ người Hàn Quốc ghi 3 bàn ở giải đấu này, một trong số đó là bàn thắng mở tỉ số ở trận tứ kết - trận đấu mà Hàn Quốc đã dừng bước khi để thua 1-3 trước chính chủ nhà Nigeria, đội năm đó đã lên ngôi vô địch.
Màn trình diễn thuyết phục của Son nhanh chóng lan truyền trên các phương tiện báo đài. Và quan trọng nhất, nó đến tai của Soner Uysan - người đã cho anh cơ hội bước chân đến châu Âu và cũng chính ông, đóng sập nó lại chỉ sau một năm ở Hamburg. Lần này, Uysan đã sửa chữa sai lầm của mình. Ông bằng mọi giá đưa Son trở lại Đức trong màu áo U19 Hamburg.
Sự nỗ lực của Son sớm được đền đáp
Chỉ trong vòng một năm, Son đã lấy lại những gì mình từng đánh mất. Anh trở thành cây săn bàn số 1 của U19 Hamburg. Chưa hết, anh còn được đôn lên chơi ở Bundesliga trong mùa giải 2009-2010. Về chuyên môn, thể lực cũng như khả năng ghi bàn của Son ngày được cải thiện. Sự bùng nổ đến ở mùa giải 2012/2013 khi Son ghi được 12 bàn và ra sân đá chính gần như trọn vẹn mùa giải Bundesliga năm đó (31/34 trận).
Đi theo tiếng gọi của Cha Bum-Kun, cái tên xuất sắc nhất của bóng đá Hàn Quốc trong thế kỷ 20 và cũng là cầu thủ châu Á đầu tiên ra sang châu Âu thi đấu. Son chọn Bayer Leverkusen làm điểm đến tiếp theo của mình. Trong giai đoạn thi đấu cho Leverkusen (1981-1987), Cha Bum-Kun ghi được 58 bàn thắng trong 7 năm chơi bóng tại đây. Đến hiện tại, Cha vẫn nằm trong top 10 chân sút xuất sắc nhất trong lịch sử CLB.
Cha Bum-Kun và Son Heung-Min
Son hiểu rằng Bayer Leverkusen mang một ý nghĩa lớn lao với bóng đá Hàn Quốc. Việc anh đá tốt hay tệ sẽ quyết định một phần không nhỏ đến hình ảnh của mình ở quê nhà. Trong hai mùa giải chơi bóng ở Leverkusen, anh ghi được 24 bàn trên mọi mặt trặn. Một con số không quá tồi. Nếu tính trung bình số bàn thắng ghi được trong một mùa so với huyền thoại Cha Bum-Kun, Son có quyền tự hào vì anh thậm chí đã làm tốt hơn người tiền nhiệm.
Son càng thi đấu hay bao nhiêu thì CĐV Leverkusen cũng biết rằng, ngày anh ra đi không còn xa nữa. “Với khả năng của cậu ấy, tôi sẽ không bất ngờ nếu ngày mai có ai đó bảo Son sắp rời Leverkusen”, trung vệ Roberto Hilbert khi được hỏi về tương lai Son cuối tháng 5/2015.
Hành trình ở London - đi tìm sự khẳng định
Tháng 8/2015, bản hợp đồng trị giá 22 triệu bảng đến với Tottenham biến Son Heung Min trở thành cầu thủ châu Á đắt giá nhất mọi thời đại. Mùa đầu tiên, anh chỉ được ra sân 13 trận và ghi vỏn vẹn 4 bàn. Ở một đất nước mà truyền thông hứng thú với những cuộc tranh cãi không hồi kết về phong độ của cầu thủ, Son không tránh khỏi vòng xoáy đó.
Mùa hè 2016 chứng kiến sự châm biếm của những tờ báo lá cải lên đến đỉnh điểm, khi hãng lốp xe nổi tiếng của Hàn Quốc - Kumho Tyre ký hợp đồng tài trợ với Spurs sau một mùa giải tồi tệ của cá nhân Son Heung Min. Người ta bắt đầu đặt ra câu hỏi, liệu chàng trai này đến Anh để chơi bóng, hay để giúp gã hói Daniel Levy mang về những hợp đồng tài trợ béo bở?.
Son có một khởi đầu khó khăn ở White Hart Lane.
Anh đã tự mình trả lời câu hỏi đó!
Mùa giải năm ngoái, Son đã dần bắt nhịp được với lối chơi tốc độ ở Premier League. Anh ghi được 14 bàn và in dấu giày vào 11 bàn thắng khác, trong đó có 6 pha kiến tạo thành bàn. Chỉ tiếc, người ta hiếm khi nhìn thấy sự ghi nhận dành cho Son.
Cầu thủ người Hàn Quốc ở trong một đội hình mà Harry Kane dành danh hiệu vua phá lưới, Dele Alli mới 20 tuổi đã ghi được 18 bàn, còn Eriksen với khả năng rót bóng thượng thừa luôn biết cách biến mình trở thành trung tâm của sân đấu.
Cứ đến sau thời điểm hai phần ba thời gian của trận đấu trôi qua, ai cũng biết rằng Son sẽ là người đầu tiên bị HLV Pochettino đưa ra khỏi sân. Số liệu chỉ ra rằng cầu thủ mang áo số 7 bị đưa ra ngoài khi trận đấu chưa trôi qua phút 80 đến tận 15 lần mùa trước. Ai cũng tiếc cho Son, nhưng anh thì chưa bao giờ nổi khùng khi bị đối xử như vậy.
Cảm giác đứng bên lề thật không dễ chịu chút nào.
Pochettino không phải là tay mơ khi chứng kiến sự tiến bộ của Son. Ông luôn biết cách tạo nên sự khác biệt. Điểm giống nhau trong cách sử dụng nhân sự của HLV người Argentina trong hai mùa giải trước và mùa này là Son vẫn bị thay ra đều đặn. Anh chưa thực sự trở thành một cầu thủ bất khả xâm phạm như Kane hay Eriksen.
Tuy nhiên, khác biệt ở chỗ, rất nhiều bài đánh của Tottenham được xây dựng để Son là trung tâm của những mảng miếng phối hợp. Anh không còn phải đứng ngoài lề nhìn Alli-Eriksen-Kane phô diễn và cầu chúa cho mình một khoảng trống trước khung thành nữa.
Để nói về cách Son thi đấu trên sân, lời phát biểu của HLV Pochettino sau trận thắng 2-0 của Spurs trước Huddersfield có thể lý giải nhiều điều. Trong trận đấu này, Son ghi cả 2 bàn.
“Son không phải là một cầu thủ tầm cỡ nhưng cậu ấy chưa bao giờ làm tôi thất vọng. Cậu ấy không phải là một tiền đạo, nhưng có thể đá không khác gì một tiền đạo. Son cũng không thuần là một cầu thủ chạy cánh, nhưng có thể đá tốt ở vị trí ấy”, HLV Pochettino nói.
Khi Tottenham nắm quyền chủ động trên sân, Son sẽ xuất hiện thường trực bên cánh trái, người chơi chính giữa hàng công của Spurs lúc đó là Kane. Son thường đóng vai kép phụ. Tuy nhiên, khi đoàn quân của Pochettino gặp bất lợi trong thời lượng kiểm soát bóng hay phải lùi sâu về phần sân nhà để chờ cơ hội phản công, Son có xu hướng di chuyển vào trung lộ rồi bức tốc thật nhanh vào vòng cấm của đối phương.
Ở chiều ngược lại, Kane sẽ di chuyển dạt sang cánh để kéo người, đồng thời tạo ra khoảng trống cho Alli hay Eriksen tung ra những pha chọc khe quyết định dành cho Son ở phía trên. Lúc này, từ vai phụ của một bộ phim, anh trở thành ngôi sao hạng A hút khách.
Bàn mở tỉ số trong trận đấu gặp Huddersfield, Kane dạt ra cánh để kéo người đồng thời tạo khoảng trống cho Alli tung ra cú chọc phe quyết định dành cho Son.
Bài chuyển tiếp từ phòng ngự sang tấn công rồi chốt hạ đối thủ của Spurs chỉ kéo dài trong khoảng 8 đến 10 giây. Mọi đường chuyền, những pha di chuyển cần giảm thiểu tối đa sai sót. Son nhanh hơn Kane về khoảng tốc độ, nhưng lại thua Kane về mặt nhãn quan cũng như sự chính xác trong những đường chuyền.
Kane là mẫu tiền đạo có khả năng thực hiện những pha tỉa bóng từ cánh không thua gì các tiền vệ. Còn Son lại là mẫu cầu thủ chơi đa năng và sở hữu tốc độ bức tốc trung bình đáng nể. Pochettino biết điều đó. Cả Premier League biết điều đó. Nhưng sự thật là miếng phản công chết chóc của Spurs đã đánh sập không biết bao nhiêu hàng thủ ở Premier League. Cả hai bàn thắng của Son trong trận đấu gặp Huddersfield ngày 3/3 trên sân Wembley thể hiện rõ nét cách tổ chức của Pochettino.
Bây giờ, Son có thể chỉ đá 70 phút trên sân, nhưng Pochettino đảm bảo 70 phút ấy là 4200 giây Son được chơi bóng thực sự. Hai mùa trước, thiếu Son, Tottenham vẫn sống tốt. Nhưng mùa này, thiếu Son, sự đa dạng trong các bài tiếp cận của Spurs ít đi hẳn. Không có cảm giác nào sướng hơn khi biết rằng bạn thực sự quan trọng với ai đó.
Biểu tượng của một nền bóng đá
Mọi thứ đã thay đổi chóng mặt kể từ ngày giấc mơ Đức đổ sập dưới chân cậu nhóc 16 tuổi. Các tấm biển quảng cáo mang hình ảnh của Son xuất hiện ngày một nhiều hơn ở quê nhà Chungcheon. Câu chuyện vượt khó của anh len lỏi vào từng con hẻm trên khắp đất nước. Sự xuất hiện của Son trên các mục báo giải trí dày đặc như một minh tinh điện ảnh.
Chưa bao giờ sau thời Park Ji-Sung, ai đó có khả năng tạo ra một làn sóng hâm mộ bóng đá mãnh liệt đến thế ở xứ Đại Hàn. Son khơi dậy niềm đam mê tưởng như đã ngủ vùi trong một giai đoạn mà bóng đá Hàn Quốc loay hoay kiếm tìm bước nhảy vọt.
Phía sau Son bây giờ là cả một dân tộc, còn phía trước anh là những nỗ lực không ngừng nghỉ để cứu rỗi một sự nghiệp đang lên. Tháng 7 này anh tròn 26 tuổi, tức là 2 năm nữa Son sẽ đến tuổi nhập ngũ. Ác mộng xảy đến nếu anh không thể cùng đội tuyển Olympic Hàn Quốc giành HCV ở Asian Games năm nay hoặc cùng ĐTQG Hàn Quốc vô địch ở Asian Cup năm tới.
Lúc bước qua tuổi 23, người ta đã từng thấy Son tuyệt thực, khóc suốt ngày trong khách sạn khi Olympic Hàn Quốc bị loại ở tứ kết Olympic Rio 2016. Nòng cốt của U23 Hàn Quốc năm đó biết rằng, trong số hơn 20 cái tên ở Rio, chỉ có đúng 3 cái tên xuất chúng nhất được gọi trở lại ở Tokyo 4 năm tới.
Sự nghiệp của Son đang treo lơ lửng dưới máy chém.
Vấn đề nảy sinh vì Hàn Quốc là một trong những quốc gia có chế độ quân dịch khắc nghiệt nhất hành tinh. Theo đó, nam nhân xứ sở kim chi từ độ tuổi 18 đến 28 đều phải tham gia nghĩa vụ quân sự trong vòng 21 tháng, bất kể địa vị trong xã hội như thế nào.
Tất nhiên vẫn có những trường hợp được miễn hoặc miễn giảm nghĩa vụ quân sự. Tính riêng trong địa phận thể thao, các VĐV sau đây sẽ được miễn hoặc miễn giảm nghĩa vụ quân sự:
- Giành HCV Asiad (Asian Games).
- Giành huy chương Olympic.
- Vượt qua vòng bảng World Cup.
Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà Son Heung-min bỏ cả giai đoạn mở màn Ngoại hạng Anh 2018/19 để cùng Olympic Hàn Quốc tham dự Asiad 18. Bởi 21 tháng quân dịch đồng nghĩa với việc tiêu tan sự nghiệp bóng đá đỉnh cao mà anh đang có. Vì vậy, HCV môn bóng đá nam trên đất Indonesia chính là "kim bài miễn quân dịch" để ngôi sao của Tottenham cứu vãn sự nghiệp. Nhưng, xem chừng Son Heung-min rất vô duyên với "tấm kim bài" này.
Hẳn người hâm mộ chưa thể quên Son Heung-min đã khóc lóc thảm thiết như thế nào sau khi Hàn Quốc thắng Đức ở lượt trận cuối vòng bảng World Cup 2018. Anh khóc chưa hẳn vì vui mừng với chiến thắng lịch sử của đội tuyển nước nhà 1 thì khóc vì Hàn Quốc bị loại ngay vòng bảng 10. Bị loại sớm đồng nghĩa trát gọi quân dịch vẫn treo lơ lửng trên đầu.
Son Heung-min khóc như mưa sau khi Hàn Quốc bị loại tại World Cup 2018
Theo saostar và bóngplus
Bài cùng chuyên mục