Lệnh cấm cho thẻ cào được gở bỏ: các doanh nghiệp và game thủ thở phào nhẹ nhỏm

Việc cho phép thẻ cào viễn thông được thanh toán trở lại khiến 2 nhóm doanh nghiệp trong ngành “thở phào” nhẹ nhõm, đó là nhóm các doanh nghiệp cung cấp thẻ cào như Viettel, VinaPhone, MobiFone và nhóm còn lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cung cấp dịch vụ nội dung số như truyền hình trả tiền, game, giáo dục trực tuyến…

 

Do 'lenh gioi nghiem' cho the cao: Doanh nghiep tho phao hinh anh 1
Các nhà mạng đã dừng thanh toán trực tuyến bằng thẻ cào sau vụ đánh bạc bị khởi tố.

Doanh nghiệp “thở phào”

Ngay trong tháng 4/2018, tháng mà “lệnh giới nghiêm” được ban bố, doanh thu của nhà phát hành game Deco bị sụt giảm tới 90%. Cả công ty hoảng loạn, đối mặt với tình trạng phá sản. Ông Nguyễn Đức Kiên, CEO của nhà phát hành game Deco, cho biết doanh nghiệp khi bị cắt thanh toán bằng thẻ cào đã lao đao, gần như mất toàn bộ doanh thu. Là doanh nghiệp có quy mô nhỏ nên Deco không đủ nguồn lực để phát triển một kênh thanh toán riêng, phải phụ thuộc vào các kênh thanh toán và kênh thẻ cào là tiện dụng và phổ biến nhất.

Ông Phạm Quốc Thắng, CEO của CMN Online cũng cho hay với việc dừng hình thức thanh toán thẻ cào từ nhà mạng, doanh thu của công ty ông đã giảm đến 80% trong những ngày qua.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng công ty VTC, sau 4 tháng thực hiện việc ngừng thanh toán bằng thẻ cào viễn thông, VTC bị sụt giảm tới 40% doanh thu dịch vụ game.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Giám đốc VTC Mobile, cho biết sau lệnh cấm thanh toán bằng thẻ cào, VTC Mobile đã phát hành thẻ riêng Scoin thanh toán cho các dịch vụ của mình. Tuy nhiên, ở các trung tâm thành phố lớn thì các đại lý phân phối thẻ Scoin tới tay người dùng, chứ ra vùng ngoại ô thì người chơi đi tìm mua thẻ Scoin rất khó. Do đó, dịch vụ game vẫn bị thất thu rất nhiều.

Đại diện VTC Mobile cho biết kênh thẻ cào vẫn là kênh thanh toán thuận tiện nhất đối với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung. Thẻ cào gần như là dịch vụ thiết yếu của người dân bởi độ phủ rộng, mua thẻ ở ngõ ngách nào cũng có.

Các nhà mạng cũng bị ảnh hưởng mục tiêu doanh thu sau khi mất kênh thanh toán online cho dịch vụ nội dung. Trong đó, MobiFone bị ảnh hưởng nặng nhất trong số 3 nhà mạng, mất 10% doanh thu và 5% lợi nhuận. Doanh thu VNPT cũng bị giảm 4% so với cùng kỳ, lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 giảm 10% so với cùng kỳ năm trước do dừng thanh toán bằng thẻ cào cho các dịch vụ nội dung.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên MobiFone cho biết giống như 2 nhà mạng VinaPhone và VNPT, việc dừng không cho dùng thẻ cào thanh toán các dịch vụ của đơn vị khác đã làm doanh thu bán thẻ của MobiFone sụt giảm khá lớn.

Chính vì vậy, VTC và MobiFone đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét để có chính sách cho phép dùng thẻ cào viễn thông thanh toán các dịch vụ nội dung số, đồng thời nghiên cứu để có biện pháp tháo gỡ khó khăn trong việc dừng thẻ viễn thông thanh toán cho các dịch vụ ngoài viễn thông.

Giải quyết tận gốc vấn đề

Trong thời gian từ tháng 4/2018 đến nay, các doanh nghiệp lớn như VNG, Garena đã xây dựng cho mình các hệ thống thanh toán riêng, còn các doanh nghiệp khác thì “lách luật” để thanh toán dịch vụ, hoặc sử dụng thẻ cào để thanh toán cho game trên các quầy ứng dụng như Google Play, hay thanh toán thẻ Visa, Mastercard trên Apple App Store.

Cũng trong thời gian trên, việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết. Vẫn chưa có một phương án thống nhất giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp. Các câu hỏi đặt ra như: thẻ viễn thông có được phép dùng thanh toán cho các dịch vụ khác hay không, nếu có thì phạm vi thế nào.

Nếu không được phép thanh toán thì các kênh thanh toán khác là những kênh nào và được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật nào... hiện chưa có lời giải đáp.

Chính vì vậy, việc Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu cho phép doanh nghiệp có thể tiếp tục triển khai thanh toán thẻ cào online, thì vẫn chỉ là giải pháp tình thế, mà chưa giải quyết tận gốc vấn đề. Các doanh nghiệp trong ngành đang mong chờ một chính sách hoàn chỉnh liên quan đến việc sử dụng chính thức một kênh thanh toán thay thế phù hợp kênh thanh toán bằng thẻ cào viễn thông hoặc đơn giản nhất là cho khôi phục lại các thẻ game, vốn được quy định chức năng ngay từ đầu là “phát hành để thanh toán cho game”.

Cùng với đó là các cơ chế khuyến khích người dùng sử dụng các dịch vụ thanh toán mới như ví điện tử, cổng thanh toán để đa dạng hoá, minh bạch và giảm bớt sự lệ thuộc của người dân với thẻ cào điện thoại.

Hữu Tuấn/Đầu tư

Bài liên quan

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang