Đôi khi trong các tựa game, có những lỗi khá nhỏ và ít ai để ý, đến mức mà các nhà phát triển game cũng chẳng nhận ra để sửa (vì thực chất nó không ảnh hưởng gì cả), và The Legend of Zelda phiên bản đầu tiên cũng vậy
Trong thế giới game, "lỗi" là một yếu tố mang đến cho người chơi nhiều cảm xúc khác nhau. Có dạng "lỗi" khiến người ta khó chịu, nhưng cũng có những "lỗi" không ảnh hưởng đến lối chơi, và làm người ta cảm thấy buồn cười khi phát hiện ra chúng. Cụ thể trường hợp ở đây là tựa game The Legend of Zelda phiên bản đầu tiên trên máy NES của Nintendo. Với hệ máy NES Classic Edition được ra mắt, một số người đã nhận ra trong tựa game kinh điển này có một lỗi chính tả được Nintendo sửa lại, sau ... 29 năm trời để mặc cho nó tồn tại.
Một lỗi chính tả nhỏ trong câu nói này đã tồn tại suốt 29 năm
Trong phiên bản cũ, có trường đoạn một ông già nói với Link: "Eastmost penninsula is the secret." Và mãi cho đến khi anh Clyde Mandelin (người đã từng viết một cuốn sách nói về việc chuyển đổi ngôn ngữ từ Nhật sang Anh trong game Zelda) chỉ ra trên Twitter, người ta mới "té ngửa" khi nhận ra chữ "penninsula" thực chất chỉ có một chữ "N" mà thôi. Và điều này đã được Nintendo sửa lại trên phiên bản NES Classic Edition.
Vì sao việc sửa một lỗi nhỏ như thế này lại đáng chú ý? Có hai nguyên nhân. Thứ nhất, The Legend of Zelda đã được tái ra mắt rất nhiều lần, và trong khi các phiên bản tái phát hành liên tục sửa lỗi chính tả và ngữ pháp, điều này lại chưa bao giờ được để ý. Thứ hai, như trang Kotaku lưu ý, dòng hội thoại này thực chất không hề có ý nghĩa cho dù viết có đúng chính tả hay không. Trong thực tế, đoạn hội thoại kể trên không tồn tại trong phiên bản phát hành ở Nhật, mà thay vào đó người đàn ông kia sẽ nói "Bạn không thể dùng các mũi tên nếu bạn hết tiền."
Rõ ràng đây không phải là một vấn đề quá lớn, nhưng dù sao cũng là một chút thú vị cho những người hâm mộ The Legend of Zelda và các tựa game cổ điển. Trong số hàng đống game NES không được đánh giá cao, rất nhiều tựa game cũ đã có những thay đổi lớn khi di chuyển từ Nhật sang Mỹ, và những khác biệt giữa các phiên bản theo từng khu vực là một trong các chủ đề thú vị và phức tạp nhất trong lịch sử non trẻ của ngành công nghiệp game.
Theo Gamespot