Kengan Asura, Kengan Omega là bộ truyện tranh Manga về võ thuật đang nổi nhất hiện nay, trong đó Kengan Asura là phần 1 nói về nhân vật Ohma và Giám đốc Yamasita trên con đường tham gia vào các trận chiến tàn khốc của giải đấu quyền võ lớn nhất thế giới
- Tác Giả: SANDROVICH Yabako
- Minh Họa: Daromeon
- Xuất Bản: Ura Sunday
- Thể Loại: Hành Động, Võ Thuật, Shounen,...
- Tình Trạng: Hoàn Thành (cả Eng và Việt)
- Phần Phụ: Kengan Ashura - Zero Atula (hoàn thành)
- Phần Tiếp: Kengan Omega (đang ra)
Sandrovich Yabako là một trong những tác giả hiếm hoi đã có cách dẫn dắt và khai thác thể loại truyện quyền thuật - đối kháng đúng đắn. Với kinh nghiệm 14 năm võ luyện, không lạ khi ông biết cách bộc lộ không khí đấu trường, làm cho những đòn đấm, đá, vật, khóa trở nên bắt mắt, hấp dẫn mà vẫn chân thật, rõ ràng. Dẫu với khối lượng nhân vật đồ sộ và đa dạng về phong cách chiến đấu cũng như môn phái, Yabako-sensei vẫn phân bổ được thời lượng phù hợp và tạo điểm nhấn đặc biệt cho từng đấu sĩ. Khi xem qua Kengan, dẫu chỉ xuất hiện trong 1 2 trận đấu, từng đấu sĩ đều sẽ được người đọc chú ý và nhớ đến, từ đấy cổ vũ và mong chờ đấu sĩ ấy trở lại bất kể kết quả.
Bên cạnh một Sandrovich Yabako biết cách dẫn dắt và biến hóa cốt truyện, Kengan chắc sẽ không thể hoàn thiện nếu thiếu đi nét vẽ của Daromeon (không phải Doraemon nha), cũng như One Punch-man không thể thiếu đi Murata vậy. Với một đứa khá thích cơ bắp như mình thì cách Daromeon họa nên cơ thể của các đấu sĩ, nữ nhân tương đối chuẩn xác (và đẹp). Cơ bắp của các đấu sĩ được phân loại rõ ràng theo từng môn khác nhau với đòi hỏi những mảng cơ, chất cơ riêng biệt. Ví dụ như cơ bắp của Tokita hay Gaolang, được phân bố cân bằng đảm bảo cả về tốc độ và sức mạnh, trong khi cơ bắp của Sekibayashi thì đồ sộ, đầy cứng cáp và mạnh mẽ. Ngoài ra thể trạng đấu sĩ khác nhau cũng có hình thể khác nhau, không bị rập khuôn cũng như quá thô, quá mềm... còn về cơ thể của các nhân vật nữ thì… các bạn tự xem và đánh giá nhé…
Thông thường với dòng truyện đối kháng, các tác giả dễ đi theo lối mòn rập khuôn, khiến cho việc kết quả trận đấu như được định trước, người đọc chỉ còn trông chờ xem trận đấu sẽ xảy ra như thế nào. Tuy nhiên, Kengan Ashura lại có một chút khác biệt. Dĩ nhiên những trận có sự xuất hiện của Tokita Ohma thì kết quả tương đối dễ đoán, song, bù lại thì với số lượng nhân vật đồ sộ và độc đáo, những trận đấu không có Tokita tham gia trở nên hấp dẫn và khó đoán hơn cả (hay nói đúng hơn, đọc giả theo dõi truyện để đoán xem đối thủ tiếp theo của Tokita là ai, lợi hại thế nào). Trong mỗi trận đấu, các đấu sĩ đều được thể hiện năng lực, sát chiêu của mình. Trừ những trận có sự chênh lệch quá lớn và kết thúc trống vắng, người đọc như được hòa vào không khí giải đấu, trở thành một khán giả theo dõi diễn biến trong đấu trường.
Dĩ nhiên, nếu chỉ việc đưa 1 đấu sĩ bất kì, giới thiệu sơ sài rồi cho đấu sĩ đó thể hiện sức mạnh thì chẳng thể khiến người đọc thật sự quan tâm đến nhân vật đó được. Yabako-sensei hiểu rõ việc các đấu sĩ cần 1 background như thế nào. Hãy tưởng tượng các bạn đi xem 1 trận quyền anh đi, nếu 2 tay đấm trên sàn đều lạ huơ lạ hoắc, thì liệu các bạn có thật sự để mắt đến diễn biến và cổ vũ 1 trong 2 người không, hay kiểu ai thắng cũng được, đánh đấm sao xem được là ok? Mặt khác, nếu bạn biết một tay đấm đã nỗ lực thế nào, trước trận đấu đã phải đối mặt với chuyện gì, có thâm thù, tình cảm gì với đối thủ hay không? Thì đột nhiên trận đấu lại trở nên sôi động và hấp dẫn hơn rất nhiều. Nắm rõ tâm lí này của người đọc, Yabako-sensei đã khéo léo lồng ghép, xây dựng background của đấu sĩ trong, thậm chí là trước và sau trận đấu. Không nhất thiết lúc nào cũng khiến người đọc yêu thích kẻ bước lên sàn, chỉ cần đấu sĩ đó được người đọc công nhận, tích cực hay tiêu cực, chỉ cần để lại dấu ấn đáng nhớ là đủ.
Khi đối thủ càng mạnh, người chiến thắng càng có cơ hội thể hiện mình. Trận đấu trước càng hấp dẫn, trận đấu sau càng gây cấn. Vốn dĩ phần lớn các đấu sĩ trong truyện đều có sở trưởng sở đoản riêng, khi họ ra sân thì đều chỉ có kết quả 50-50 hoặc 55-45, chênh lệch không quá nhiều. Mà cho dù có chênh lệch, đấu sĩ yếu thế hơn đều có thể lợi dụng một tình huống bất ngờ nào đó mà đánh bại kẻ trên cơ mình. Thành ra, đấu sĩ bại trận chưa chắc đã yếu hơn đối thủ, và chưa chắc sẽ bị quên lãng hoàn toàn.
Xuyên suốt bộ truyện và giải đấu, các đấu sĩ dù có tham gia hay không tham gia, thắng hay bại đều có thể xuất hiện trở lại, đi kèm là tên và biệt danh luôn được nêu. Điều này chứng tỏ tác giả thật sự để tâm đến những nhân vật mình tạo ra, không phải chỉ tạo bừa rồi quăng vào cho có, 1 2 chap sau bặt vô âm tính. Mà cũng bởi mỗi nhân vật đều có background rõ ràng, người đọc cũng dễ chấp nhận việc một đấu sĩ sẽ không trở lại nữa hoặc cứ liên tục xuất hiện, hoặc lâu lâu ló mặt ra rồi lại biến đâu mất. Hơn thế nữa, đối với một số đấu sĩ ta lại thấy được “khả năng phát triển” hay “điểm còn có thể khai thác”. Những điểm và khả năng này xuất phát từ những sự kiện bên lề giải đấu, song song với giải đấu và ngay bên trong giải đấu. Ví dụ như việc Rihito xin theo Ma Thương Kuroki, hay Băng Vương Himuro bị dìm hàng không cho ra trận,...
Nếu giải đấu chỉ đơn giản là 1 đám thương nhân thuê đấu sĩ đánh nhau tranh giành quyền lực và cứ vậy diễn ra thì cốt truyện đã không được đánh giá cao. Yabako-sensei đã tinh tế sử dụng giải đấu Quyền Võ, mạch đập chính của bộ truyện để thể hiện và xây dựng thế giới truyện một cách tỉ mỉ và bí ẩn. Chúng ta được biết rằng, đấu trường Quyền Võ đơn giản là nơi quyết định quyền lực của các tập đoàn lớn ở Nhật Bản, không chỉ giới kinh doanh mà cả chính trị gia thế giới quan tâm. Cũng vì thế, đấu trường này trở thành nơi tề tựu những chiến binh mạnh mẽ, được mời về từ những nơi cả nổi tiếng lẫn kín tiếng. Thông qua từng đấu sĩ, chúng ta biết được thêm 1 mảnh nhỏ về bức tranh đồ sộ của thế giới mà Kengan thuộc về. Ví dụ như xuất thân của Tokita liên hệ đến “Trung” hay biết đến gia tộc sát thủ Kure thông qua Rainan, giới quyền anh và đô vật chuyên nghiệp thông qua Gaolang và Sekibayashi,.. Nếu bạn nào hứng thú với việc xây dựng thế giới của 1 bộ truyện, thì đừng nên bỏ qua việc soi những chi tiết bên lề, xuất thân của các đấu sĩ,... chắc chắn các bạn sẽ bất ngờ về độ tỉ mỉ của nó so với một bộ truyện thuần chiến đấu thế này.
Nói về một bộ truyện đối kháng mà không nhắc đến cách miêu tả hành động, chiến đấu của nhân vật thì thật là một thiếu sót. Là một người có kinh nghiệm đối với võ thuật, Yabako-sensei (nhắc lại lần nữa) biết cách biên đạo những trận đấu sao cho bắt mắt và hấp dẫn nhất. Cũng như những phim hành động luôn cần một cố vấn võ thuật hoặc biên đạo diễn xuất, truyện đối kháng hoàn toàn không ngoại lệ. Cách đặt cảnh, góc ảnh, chia khung, nhịp, mô phỏng chuyển động nhân vật, hiệu ứng,... đều được lựa chọn cẩn thận để đảm bảo người đọc bị cuốn vào trận đấu, cảm nhận được hơi thở, sức mạnh và khó khăn mà các đấu sĩ đang phải đương đầu. Sự biến ảo đòn thế, hóa giải hay chiến thuật cũng được miêu tả sao cho hợp lí nhất. Dĩ nhiên trong vài trường hợp vẫn cần ảo hóa để tăng sức hấp dẫn cho truyện. Ví như những lúc đấu sĩ phải lãnh những đòn mà thông thường sẽ khiến họ từ tàn đến phế nhưng vẫn có thể chiến đấu, hay bất ngờ hóa giải những đòn thế hiểm hóc hoặc khả năng biến đổi cơ thể… trong giới hạn trên mức cho phép của con người một chút. Để giải thích một cách hợp lí thì đây là một thế giới vừa giống mà vừa khác, vừa gần mà vừa xa với thể giới của chúng ta nên những thứ kì tích kia đều có thể chấp nhận được.
Nhìn chung, Kengan Ashura là một bộ truyện đáng để bạn bỏ thời gian ra đọc, vì plot hay hành động, vì ngắm trai hay đam mê võ thuật, vì rảnh rỗi hay muốn ngâm cứu,... Và mình cũng xin đảm bảo với các bạn là đoạn kết sẽ không khiến bạn thất vọng, cũng như không quá dễ đoán dù nó đã được foreshadow từ trước khá nhiều lần. Bản thân mình thấy, kết thúc của Kengan Ashura, dẫu cũng có để lại 1 chút nuối tiếc, vẫn rất hợp lí và trọn vẹn. Việc Kengan Omega tiếp tục Ashura cũng trở nên dễ dàng và mượt mà hơn, không quá gượng ép và các nhân vật cũ chưa có hoặc thiếu đất diễn sẽ đảm bảo được trở lại nhiều hơn.
Nguồn: Anime Reviewer-Văn Hoá 2D và hơn thế nữa