Cùng tìm hiểu về Obon, một trong những lễ hội lớn nhất tại Nhật Bản và vì sao không chỉ One Piece mà tất cả manga khác của Jump như Black Clover, My Hero Academia, Kingdom,... cũng ngưng phát hành trong thời gian này nhé!
Obon là gì?
Bon hay Obon (ngày của người chết) là một lễ hội Phật Giáo tại Nhật Bản với mục đích tưởng nhớ cha mẹ, gia đình, tổ tiên, dòng họ. Nói cách khác, lễ hội này gần giống với đại lễ Vu Lan tại Việt Nam. Ngoài ra, Obon còn được biết đến ở một số nơi với một cái tên khác là “Lễ hội của những con thuyền”.
Trong tiếng Nhật, Obon là từ viết tắt của Allambana, có nguồn gốc từ tiếng Sanskrit, có nghĩa là “treo ngươc lên”. Người Nhật tin rằng vào ngày này, những người chết có thể thoát khỏi cảnh bị treo ngược dưới địa ngục do tội ác mà họ gây ra và quay về tề tựu với gia đình.
Thật chất, lễ hội Obon không chỉ có một mà có tận 3 lễ khác nhau do sự thay đổi giữ dương lịch và âm lịch. Những lễ hội đó bao gồm:
Shichigatsu Bon (Bon tháng Bảy), tổ chức vào ngày 15 tháng 7 dương lịch, ở các vùng như Tokyo, Yokohama và Tohoku.
Kyu Bon (Bon cũ) tổ chức ngày 15 tháng 7 âm lịch ở các vùng phía Bắc Kanto, Chugoku, Shikoku và các đảo ở phía Tây Nam.
Hatchigatsu Bon (Bon tháng Tám) thì được tổ chức vào ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 dương lịch. Đây cũng là lễ Obon lớn nhất được Nhât Bản ghi nhận là quốc lễ của cả nước. Toàn bộ các công ty, tổ chức đều sẽ được nghỉ làm vào ba ngày lễ này.
Xuất hiện từ hơn 500 năm trước, lễ hội Obon dần trở thành dịp hiếm hoi trong năm để gia đình hội ngộ, thăm hỏi người thân cũng như viếng mộ người đã khuất. Với nhiều sự kiện hoành tráng và vô cùng đẹp mắt diễn ra suốt ba ngày, lễ hội Obon cũng là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất cho những ai muốn đi du lịch tại Nhật Bản.
Lễ hội Obon có gì “hot”?
Vào thời gian diễn ra lễ hội, các gia đình sẽ treo đèn lồng trước nhà với mục đích chỉ đường cho những linh hồn quay về. Ngoài ra, người ta cũng đặt trước nhà một con ngựa làm từ các loạt rau và đột một đống lửa nhỏ gọi là mukaebi. Dần dà, việc treo đèn lồng trở thành nét đẹp của lễ hội Obon và phát triển phong phú hơn theo thời gian.
Tương tự với lễ Vu Lan tại Việt Nam, lễ Obon Nhật Bản cũng có hội hoa đăng, nơi người tham dự sẽ thả những chiếc đèn lồng xuống sông để cầu chúc cho linh hồn sớm siêu thoát. Ngoài ra, người dân Nhật Bản cũng sẽ thực hiện các nghi lễ truyền thống như viếng đền, đốt đèn nhằm tưởng nhớ những người đã khuất.
Ngoài những sự kiện tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội Obon cũng rất náo nhiệt với những sân khấu, gian hàng được đầu tư công phu. Tùy theo mỗi năm, bộ phận thực hiện lễ hội sẽ thực hiện một sự kiện mới mẻ nào đó, liên tục thu hút sự tò mò của người tham gia mà vẫn giữ được bản sắc của lễ hội. Những năm trở lại đây, lễ hội Obon luôn kết thúc bằng một màn pháo hoa hoành tráng với muôn vàn màu sắc.
Điểm nhấn lớn nhất của lễ Obon chính là điệu nhảy Bon-odari. Là một truyền thống đã kéo dài suốt 500 năm lịch sử, Bon-odari chính là tinh hoa văn hóa của Nhật Bản nói riêng và toàn nhân loai nói chung. Vào buổi tối hoặc sau khi đã hoàn thành các nghi lễ khác, hàng ngàn người sẽ cùng nhau nhảy múa dưới đường phố trong trang phục yukata. Với những động tác nhẹ nhàng mang ý nghĩa “xua tan chuyện xấu, đón tiếp điều tốt đẹp” Bon-odari đã luôn được xem là một phần không thể thiếu của lễ hội Obon và vẫn tiếp tục xuất hiên cho đến tận ngày nay.
Lễ chỉ ba ngày, nhưng tại sao Jump vẫn tạm nghỉ phát hành trong một tuần?
Có thể thấy, Weekly Shonen Jump, tạp chí phát hành những tựa manga như One Piece, Black Clover, My Hero Academia,... theo lịch sẽ ra mắt vào thứ Hai (ngày 17 tháng 8) hoàn toàn không dính đến ba ngày lễ Obon, thế nhưng tạp chí này cùng các tạp chí Jump khác vẫn tạm nghỉ một tuần. Lí do cho việc này là gì?
Với những ai chưa biết thì những tạp chí truyện tranh của Jump phát hành định kì hàng tuần. Các chương truyện mới của các đầu truyện sẽ được tổng hợp lại và phát hành dưới dạng quyển lớn. Thông thường, các chương truyện sẽ phải hoàn thành trước ngày ra mắt một đến hai tuần để tòa soạn có thời gian chuẩn bị. Truyện sau khi được nộp sẽ phải qua tay các biên tập viên kiểm tra, chỉnh sửa sau đó mới được sắp xếp phát hành. Điều này đồng nghĩa với việc để một quyển tạp chí được ra mắt đúng hạn, cả phía tác giả và tòa soạn đều phải làm việc hết công suất 7 ngày/ tuần.
Như vậy, có thể hiểu đại khái rằng việc lễ Obon kéo dài 3 ngày sẽ khiến tất cả tiến độ công việc bị chậm lại, thậm chí dễ dàng xảy ra nhiều tình huống khó xử khác nhau. Vậy nên để đảm bảo chất lượng cũng như duy trì các yếu tố khác, Jump sẽ luôn nghỉ hẳn một tuần cho dù lễ Obon không trùng với lịch phát hành tạp chí.