Phản anh hùng là gì và có mấy cấp độ? Vì sao Saitama và Nobita lại là phản anh hùng?

Dũng Nhỏ TT

Phản anh hùng có gì khác với anh hùng và phản diện? Liệu Saitama, Nobita có đúng thật là một phản anh hùng?

Phản anh hùng là gì?

Phản anh hùng hay Anti-hero là khái niệm dùng để chỉ những nhân vật chính trong một câu chuyện nhưng lại thiết sót những phẩm chất, tính cách của một anh hùng. Khác với anh hùng, phản anh hùng đôi khi thực hiện việc làm đúng về mặt đạo đức nhưng không phải vì lí do chính đáng như bảo vệ chính nghĩa hay chống lại cái ác.

Thông thường, một phản anh hùng sẽ luôn hành động dựa trên lợi ích cá nhân của họ. Để đạt được kết quả, phản anh hùng sẵn sàng dùng bất kì cách nào, dù có là phải giết người, lừa gạt, họ vẫn chẳng mảy may nghĩ ngợi mà thực hiện nó.

Có tất cả năm cấp độ phản anh hùng khác nhau, được phân dựa trên độ “tính cách” và “hành động” của nhân vật.

Phản anh hùng cổ điển (Classical Anti-hero)

Đây là loại phản anh hùng cơ bản nhất. Thể loại nhân vật này được xây dựng với nét tính cách trái ngược hoàn toàn với hình ảnh anh hùng. Phản anh hùng cổ điền thường yếu đuối, nhát gan và vô cùng tầm thường. Tuy vậy, lớp nhân vật này vẫn hướng thiện và cố gắng thực hiện nó. Về cơ bản, phản anh hùng cổ điển thiếu mọi phẩm chất làm anh hùng nhưng họ có ý chí để trở thành anh hùng.

Trong thế giới anime/manga, điển hình nhất cho phản anh hùng cổ điển là nhân vật Nobita của Doraemon. Nobita lười biếng, nhút nhát, yếu kém, chậm chạp,…Ở cậu hoàn toàn không có điểm gì giống với một người anh hùng trừ gian diệt bạo. Tuy vậy, khi một sự kiện nào đó diễn ra và thúc ép cậu hành động, Nobita sẽ sẵn sàng đối diện với nó.

Người hùng miễn cưỡng (Knight In Sour Armor)

Giống với phản anh hùng cổ điển, lớp nhân vật này vẫn hiểu được đâu là việc nên hay không nên làm. Họ cũng có cho mình một số khả năng nhất định để thực hiện những hành động vì lẽ phải. Tuy vậy, giống như tên gọi, người hùng miễn cưỡng thường có cách đối nhân xử thế khá cục súc. Họ cũng đặt lợi ích cá nhân lên khá cao và thường chỉ hành động khi việc làm đó có đem lại giá trị nào đó cho họ. Nói chung, lớp nhân vật này thiếu đi thứ gọi là “thái độ tích cực” khi làm việc tốt. Trong anime/manga, anh hùng miễn cưỡng là loại nhân vật được sử dụng khá nhiều.

Đây có thể xem là hình mẫu của nhân vật Saitama trong One Punch Man. Thời gian đầu, Saitama luyện tập để có thể tiêu diệt bọn quái vật, anh đúng nghĩa là một anh hùng. Tuy nhiên, theo thời gian, Saitama dần không còn quan tâm quá nhiều đến tình hình thế giới hay lấy bảo vệ Trái Đất làm mục tiêu. Thay vào đó, anh tập trung vào những lợi ích cá nhân của bản thân nhiều hơn (chuyện sắm đồ giảm giá ở siêu thị chẳng hạn). Ở Saitama thiếu một chút “nổ lực” và “quyết tâm” để anh trở thành một anh hùng thực thụ.

Xem thêm: TOP 8 giả thuyết điên rồ về sức mạnh của Thành Phồng Saitama và kết thúc của One Punch Man (Phần 2)

Anh hùng thực dụng (Pragmatic Hero)

Đúng với tên gọi, anh hùng thực dụng không hề có một giới hạn nào về đạo đức. Bản thân họ có lối tư duy rất riêng và họ không ngại làm bất kì điều gì để đạt được mục đích (thông thường là mục đích tốt). Anh hùng thực dụng có thể lợi dùng người này, tấn công người kia và thường khá điên loạn với đủ trò khó hiểu. Tuy vậy, kiểu nhân vật này luôn tuân theo những điều luật, tư tưởng mình đặt ra.

Để hiểu về anh hùng thực dụng, nhân vật Denji của Chainsaw Man là gần giống nhất. Không hề diệt quỷ vì muốn cứu giúp ai, Denji chỉ hành động khi được trao phần thưởng nào đó (như là được ăn ngon này, sờ vếu gái này, đi chơi với gái này,…). Bản thân Denji hoàn toàn không có một lí tưởng sống đặc biệt nào. Những gì cậu quan tâm chỉ là lợi ích của bản thân. Tuy vậy, kết quả mà Denji mang lại đa phần vẫn là kết quả tốt và cậu cũng không bao giờ tấn công những người đồng đội của mình.

Xem thêm: Review Chainsaw Man: Manga đen tối nhất, bạo lực nhất hiện tại của Shonen Jump

Anh hùng ngang tàng (Unscrupulous Hero)

Anh hùng ngang tàng khá giống với anh hùng thực dụng nhưng đặc biệt nguy hiểm hơn. Dạng nhân vật này thường không có một giới hạn nào về tư tưởng hay hành động cả. Điều này đồng nghĩa với việc anh hùng ngang tàng có thể giết bất kì ai, làm bất kì điều gì mình muốn để đạt được kết quả cuối cùng.

Guts của Berserk chính là nhân vật gần nhất với anh hùng ngang tàng. Với ý muốn trả thù lũ quái vật, Guts không ngừng lao đầu vào những trận chiến đẫm máu và chém giết bất kì ai dám ngáng đường anh. Mặc dù về sau, nhân vật này đã có sự chuyển biến rõ rệt nhưng Guts của những câu chuyện đầu tiên vẫn là một kẻ cực kì đáng sợ với tất cả mọi người.

Anh hùng hư danh (Hero In Name Only)

Đây là cấp độ tệ nhất của phản anh hùng. Anh hùng hư danh hoàn toàn thiếu đi tính “chính nghĩa”, thậm chí không hề có nó. Tính cá nhân của lớp nhân vật này được đẩy lên cực kì cao. Với một tác phẩm có nhân vật chính được xây dựng dựa trên anh hùng hư danh, bạn sẽ thấy nhân vật đó thực hiện mọi thứ chỉ vì “ta làm vì ta muốn thế”. Đây cũng là loại phản anh hùng gần với phản diện nhất.

Nhân vật gần nhất với kiểu mẫu này chính là Kira - Light Yagami của Death Note. Thoạt đầu, Kira sử dụng Death Note với mục đích tiêu diệt những tên xấu xa và biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn. Tuy vậy, theo thời gian, Kira ngày càng lạm dụng quyển sổ và sẵn sàng dùng nó để giết cả những người tốt hòng phục vụ cho “mong muốn cá nhân” của mình. Kira còn lợi dụng cả những người tin tưởng hắn ta nhất, sử dụng họ như quân cờ trong kế hoạch của hắn. Có thể nói ở Kira không hề có giới hạn nào, mọi điều hắn làm đều là để phục vụ cho chính hắn. Cho đến cuối cùng, Kira đã trở thành một loại nhân vật còn tệ hơn cả anh hùng ngang tàng, đó chính là anh hùng hư danh – Hero In Name Only.

 

Bài cùng chuyên mục