Từ IT: Chapter Two đến Joker: Bí ẩn đằng sau những chú hề mang lại nỗi ám ảnh kinh hoàng
Từ IT: Chapter Two đến Joker, chúng ta liệu có bao giờ tự hỏi rằng: Chú hề - thứ vốn gắn liền với tuổi thơ của những đứa trẻ lại được các đạo diễn chọn làm hình tượng chính trong những bộ phim kinh dị. Liệu có uẩn khúc gì trong câu chuyện của những gã hề quái nhân này?
Sau nhân vật chú hề độc ác của Stephen King trong It: Chapter Two, sắp tới đây, màn ảnh rộng sẽ càng trở nên kinh hoàng và ám ảnh hơn bao giờ hết khi chào đón sự trở lại của gã hề khủng bố Joker (do Joaquin Phoenix thủ vai) - phiên bản đen tối của Batman. Sự xuất hiện hàng loạt của nhân vật chú hề trong điện ảnh dưới lốt của những kẻ sát nhân hàng loạt mang lại một câu hỏi lớn cho khán giả: Tại sao là là chú hề mà không phải là một ai khác?
Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2008 được thực hiện ở Anh đã tiết lộ rằng rất ít trẻ em thực sự thích những chú hề. Nghiên cứu này cũng kết luận rằng thói quen trang trí chú hề trong phòng của trẻ em ở bệnh viện với hình ảnh chú hề có thể tạo ra sự đối lập hoàn toàn với môi trường nuôi dưỡng. Điều này rõ ràng chứng minh được sẽ không có gì lạ khi nhiều người ghét Ronald McDonald.
Lịch sử hình thành và phát triển của những chú hề
Những nhân vật giống như chú hề đã có từ hàng ngàn năm. Trong lịch sử, những chú hề là một phương tiện để châm biếm và chọc cười những người có quyền lực. Họ được cung cấp quyền lợi đặc biệt để có thể tự do ngôn luận độc đáo - miễn là giá trị của các nghệ sĩ giải trí này không vượt xa sự khó chịu mà họ gây ra cho giới cầm quyền.
Quay trở lại lịch sử của nước Ai cập cổ đại, thuật ngữ "chú hề" xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1500, khi Shakespeare sử dụng thuật ngữ này để mô tả các nhân vật ngu ngốc trong một số vở kịch của mình.
Từ đó có thể thấy, hình ảnh chú hề xiếc quen thuộc bây giờ - với khuôn mặt được sơn, tóc giả và quần áo quá khổ - đã được sinh ra từ trước thế kỷ 19 rất lâu và chỉ thay đổi một chút trong những thập kỉ qua.
Năm 2016, nhà văn Benjamin Radford đã xuất bản Bad Clowns. Nội dung quyển sách xoay quanh quá trình tiến hóa lịch sử của những chú hề thành những sinh vật đáng sợ và có tính cách, hành động không thể đoán trước.
Song, hình ảnh của những chú hề mới thực sự trở thành nỗi ám ảnh sau khi kẻ giết người hàng loạt John Wayne Gacy - một kẻ bị nghiện chú hề bị bắt. Vào những năm 1970, Gacy xuất hiện tại các bữa tiệc sinh nhật của trẻ em với tư cách là chú hề Pogo. Khi nhà chức trách phát hiện ra rằng anh ta đã giết ít nhất 33 người và chôn vùi họ trong một chuồng bò ở ngoại ô Chicago. Từ đó, mối liên hệ giữa những chú hề với các hành vi tâm lý nguy hiểm dần trở nên cố định trong tiềm thức của người Mỹ.
Sau đó, chỉ trong vài tháng vào năm 2016, những chú hề đáng sợ đã khủng bố nước Mỹ. Người ta đã thống kê được từ ít nhất 10 tiểu bang khác nhau. Trong đó, ở Florida, những chú hề hung ác được phát hiện lẩn khuất bên vệ đường. Ở Nam Carolina, những chú hề được cho là đang cố dụ dỗ phụ nữ và trẻ em vào rừng.
Dù không rõ đây thực chất chỉ đơn giản là một trò đùa hay đúng là một âm mưu đen tối song chính những điều này lại vô tình gây nên nỗi ám ảnh của mọi người đối với hình ảnh của những chú hề.
Bản chất nỗi sợ của con người
Tâm lý học có thể giúp chúng ta giải thích tại sao những chú hề - những người được cho là những người thích đùa và chơi khăm - lại thường kết thúc bằng việc làm lạnh xương sống của con người.
Kết quả của một cuộc nghiên cứu tâm lý để chỉ ra đâu là nghề nghiệp đáng sợ nhất đã cho thấy rằng nghề nghiệp vươn lên dẫn đầu danh sách - đúng như dự đoán - là những chú hề. Họ cho rằng nỗi sợ của con người không đến từ hình dạng bên ngoài mà bắt nguồn từ sự mơ hồ - cái mà họ cảm nhận rõ ràng nhất khi đối mặt với một chú hề.
Đơn giản có thể nhận thấy rằng, không một ai có thể nhận thấy gương mặt thật sự của những chú hề. Và việc trò chuyện với một người mang lớp hóa trang dường như khá "creepy" với nụ cười luôn hở rộng và đôi mắt to, làn da trắng bệch,... thật sự mang lại nỗi sợ vô hình trong tâm trí của con người, cho dù chủ đề mà họ đang hướng tới là vô cùng vui vẻ và tích cực.
Hình ảnh chú hề mang lại những cảnh báo nỗi sợ đỉnh điểm
Rami Nader là một nhà tâm lý học người Canada chuyên nghiên cứu về Coulrophobia - nỗi sợ phi lý về những chú hề. Nader tin rằng nỗi ám ảnh chú hề được thúc đẩy bởi thực tế là những chú hề trang điểm để ngụy trang che giấu danh tính và cảm xúc thật của chúng.
Bên cạnh đó, các đặc điểm thể chất rất khác thường của chú hề - tóc giả, mũi đỏ, trang điểm, quần áo kỳ quặc - chỉ phóng đại sự "không chắc chắn" của những gì chú hề có thể làm tiếp theo đối với bạn. Một cách nói đơn giản khác, bạn hoàn toàn không thể đoán được họ là ai và những gì chính xác họ có thể làm đối với bạn.
Có lẽ chính những điều này mà gã hề bỗng nhiên được các nhà sản xuất chọn làm hình mẫu chính trong các bộ phim kinh dị của mình. Thực tế đã cho thấy có rất nhiều gã hề vốn là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho khán giả trên màn ảnh rộng như gã hề "He" (Lon Chaney) trong He Who Gets Slapped (1924), Robbie Freeling trong Poltergeist (1982), chú hề Mervo trong Blood Harvest (1987), The "Joker" (Heath Ledger) trong The Dark Night (2008),... gần đây nhất là gã hề Pennywise trong IT: Chapter Two và sắp tới đây là sự trở lại của gã hề khủng bố The Joker.
Bài cùng chuyên mục