Lord of the Rings: Những khác biệt giữa phim và tiểu thuyết của The Fellowship of the Ring
Trước khi ra rạp xem lại The Lord of The Rings: The Fellowship of the Ring, hãy cùng LagVN điểm qua vài khác biệt thú vị giữa phim và tiểu thuyết của nhà văn Tolkien nhé
Như bao bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết, The Lord of the Rings cũng có rất nhiều khác biệt khi đưa lên màn ảnh. Dù vậy, bộ ba phim của Peter Jackson vẫn được đông đảo mọi người xem là kinh điển. Ngay từ phần phim đầu tiên là The Fellowship of the Ring, Jackson đã tạo ra rất nhiều thay đổi liên quan đến các nhân vật trong Đoàn Hộ Nhẫn. Từ tính cách từng thành viên, động cơ của họ cho đến cách mà họ đưa ra quyết định, có một vài khác biệt rất lớn giữa phim và tiểu thuyết mà bạn đọc nên biết trước khi ra rạp xem lại lần nữa vào cuối tuần này.
Mục tiêu chính của Đoàn Hộ Nhẫn
Đoàn Hộ Nhẫn được thành lập sau khi Frodo tình nguyện đem chiếc nhẫn đến Mordor để tiêu hủy nó. Các thành viên khác sau đó lên tiếng sẵn sàng hỗ trợ cậu bằng vũ khí và kỹ năng của mình, với Gandalf dẫn đường. Đây là một trong những cảnh ấn tượng của phim, mặc dù nó lại bỏ qua một chi tiết quan trọng.
Trong tiểu thuyết, lý do Đoàn Hộ Nhẫn được thành lập với các thành viên đa dạng chủng tộc như thế này là để đảm bảo Sauron không bao giờ biết được họ định làm gì. Chúa tể Bóng tối cho rằng bất kì ai sở hữu chiếc nhẫn sẽ dùng nó để chống lại hắn, và đó chính xác là điều mà Hội đồng muốn hắn nghĩ. Đoàn Hộ Nhẫn cần khiến cho mọi thứ vô lý nhất có thể để Sauron không bao giờ biết mục tiêu thật sự của họ.
Tính cách của Aragorn
Trong phim, Aragorn chỉ tận tâm giúp Frodo phá hủy chiếc Nhẫn chứ không nghĩ đến việc làm vua. Anh xem việc này là để đền đáp những tội lỗi của tổ tiên mình, Isildur. Anh thiếu đi sự tự tin rằng mình xứng đáng để trị vì. Nhưng trong tiểu thuyết, Aragorn vốn đã biết mình sẽ là Vua.
Mặc dù anh vẫn muốn chứng minh cho mọi người rằng mình xứng đáng làm vua thông qua hành động chứ không chỉ vì huyết quản, anh chưa bao giờ nghi ngờ bản thân. Anh yêu quý vương quốc và người dân, và tin rằng sự trị vì sẽ mang đến những ngày tháng tốt đẹp hơn chỉ khi đánh bại được Sauron.
Bộ đôi rắc rối Merry và Pippin
Trong phim, Merry và Pippin là những kẻ gây rối thật sự. Lần đầu tiên khán giả gặp họ là khi họ tìm cách trộm một quả pháo hoa khổng lồ của Gandalf và gây ra sự hỗn loạn. Kế đến, cả hai chỉ vô tình nhập hội với Sam và Frodo khi đang tìm cách trốn khỏi vườn của Maggot. Thực tế thì các chi tiết trên đều không có trong sách.
Meriadoc Brandybuck vốn là một trong những người bạn thân của Frodo, và có tham gia vào kế hoạch rời khỏi làng Shire. Trong khi đó, Peregrin Took thậm chí còn chưa được coi là một người lớn, dựa theo các tiêu chuẩn của người Hobbit, và chắc chắn rất huyên náo, vui nhộn. Dù vậy, cậu vẫn được cộng đồng Hobbit yêu mến và tôn trọng.
Mối quan hệ giữa Frodo và Sam
Trong phim, Frodo và Sam vốn đã là hai người bạn thân trước khi rời khỏi xứ Shire. Sam là người làm vườn của Frodo trong nhiều năm, qua đó giúp họ phát triển một mối quan hệ thân thiết như người một nhà. Vậy nên cậu rất quyết tâm đi theo Frodo khi biết đến kế hoạch rời khỏi làng Shire.
Trong tiểu thuyết thì Sam cũng là người làm vườn cho Frodo, và cha của cậu cũng gắn bó với gia đình nhà Baggins suốt nhiều năm. Tuy vậy, tình bạn thật sự giữa hai người không hề phát triển cho đến khi họ bắt đầu cuộc hành trình. Dù vẫn có sự tôn trọng và quan tâm lẫn nhau, Sam ban đầu giống như một người hầu hơn là một người bạn, thường xuyên gọi Frodo là "Cậu chủ", và tỏ ra khá xấu hổ khi phải tiết lộ những chi tiết về tính cách của bản thân mình.
Mối quan hệ giữa Gimli và Legolas
Trên phim, Legolas và Gimli không ít lần xúc phạm lẫn nhau khi mới bắt đầu hành trình của Đoàn Hộ Nhẫn, nhưng không mất quá nhiều thời gian để trở thành bạn thân. Dĩ nhiên họ vẫn duy trì mối quan hệ cạnh tranh, đặc biệt Gimli luôn cho rằng Legolas xem anh là một kẻ yếu, nhưng đây vẫn là một trong những mối quan hệ ấn tượng nhất của Lord of the Rings.
Thực tế thì mối thù hằn giữa Gimli và Legolas còn tồn tại lâu hơn thế, khi cha của Legolas vốn đã từng cầm tù cha của Gimli. Lý do duy nhất mà Gimli tình nguyện đi cùng Đoàn Hộ Nhẫn là vì anh không tin tưởng vào ý định của anh chàng Tiên tộc. Họ chỉ thật sự trở thành bạn sau khi chia sẻ về mất mát của mình ở Lothlorien và gặp Galadriel.
Quyết định của Gandalf
Tính cách của Gandalf trong loạt phim The Lord of the Rings có một chút khác biệt so với tiểu thuyết. Ông thường tỏ ra lo lắng trên màn ảnh, nhưng trong tiểu thuyết, ông tự tin vào bản thân và khách quan hơn. Điều này có thể giúp khán giả yêu thích Gandalf hơn, nhưng đồng thời cũng thay đổi cách mà ông đưa ra các quyết định.
Trong phim, Gandalf lo ngại về việc băng qua hầm mỏ Moria. Ông biết rất rõ những người lùn đã khám phá ra, nên muốn đi vòng qua ngọn núi. Nhưng trong tiểu thuyết, ông chính là người đề xuất băng qua hầm mỏ, còn Aragorn mới là người phản đối kịch liệt. Có vẻ như Gandalf hiểu được định mệnh của mình, và biết con đường mà cả nhóm phải đi để có được thành công cuối cùng.
Sự cám dỗ với chiếc Nhẫn của Boromir
Trong phần phim Fellowship of the Ring, Boromir miễn cưỡng chấp nhận các quyết định của Đoàn Hộ Nhẫn. Anh muốn mang chiếc Nhẫn về cho cha mình ở Minas Tirith, và không hề xem Aragorn là vị vua đúng nghĩa, mãi cho đến trước khi hi sinh. Nhưng trong tiểu thuyết thì mọi thứ tương đối khác.
Theo tiểu thuyết, Boromir có ý kiến riêng của mình, nhưng anh đã chứng tỏ lòng trung thành và khả năng gạt những suy nghĩ riêng sang một bên để ủng hộ một cuộc bỏ phiếu công bằng. Tuy vậy, khi chiếc Nhẫn bắt đầu tác động tới anh, tính cách anh còn thay đổi nhiều hơn so với trên màn ảnh. Frodo đã nhìn thấy anh lẩm nhẩm với bản thân, run rẩy và đổ mồ hôi ngày càng nhiều trước khi phản bội.
The Balrog
Màn đối đầu giữa Gandalf và Balrog là một phân đoạn được yêu thích bởi những người đọc tiểu thuyết lẫn người xem phim. Trên màn ảnh, con quái vật này được miêu tả là một sinh vật của bóng đêm, nhưng khi nó trỗi dậy, nó trở thành một con quỷ phóng ra lửa. Còn trong tiểu thuyết, Balrog được miêu tả rất khác.
Nó từng là một Maiar, thực thể tương tự thần thánh giống như Gandalf, và đã chuyển hướng sang phụng sự cho cái ác. Do đó, Balrog ở Moria vốn mang hình dạng của một con người bị chiếm đoạt bởi lửa và bóng đêm. Hiệu ứng của Balrog trên phim có phần mạnh hơn một chút.
Tầm ảnh hưởng của Saruman
Xuyên suốt hai phần phim The Fellowship of the Ring và Two Towers, người xem có thể nhận thấy âm mưu của Saruman. Từ phá hủy rừng rậm, xây dựng đạo quân cho đến phát triển chiến lược chiến tranh. Hắn cũng dùng phép thuật và lời nguyền lên Đoàn Hộ Nhẫn, buộc họ phải đi qua hầm mỏ Moria.
Nhưng trong tiểu thuyết, bạn đọc chỉ nhìn thấy những gì xảy ra với Đoàn Hộ Nhẫn từ góc nhìn của Frodo. Tuy Gandalf có nói rằng Saruman đang dùng ma thuật để ngăn cản họ, gã phù thủy biến chất này không hề biết chính xác nhóm ở đâu. Dù sao thì đó cũng là mục đích chính cho việc thành lập nên Đoàn Hộ Nhẫn.
Bài cùng chuyên mục