Review Toy Story 4 - Sứ mệnh của đồ chơi

Dường như đó là thông điệp mà các nhà làm phim Toy Story 4 muốn gửi gắm đến người xem. Đồ chơi khi sinh ra đã mang trong mình một sứ mệnh cao cả, dành cho bất kì đứa trẻ nào trên thế giới này.

Toy Story, câu chuyện về những món đồ chơi được Disney khai màn từ năm 1995, đến nay đã được 24 năm, với nhiều kỉ niệm khác nhau về những chuyến phiêu lưu vô tiền khoáng hậu của các nhân vật đồ chơi đầy thú vị. Sau màn chuyển giao thế hệ giữa Andy và Bonnie cuối Toy Story 3, nhiều người hâm mộ đã nghĩ rằng đây là kết thúc trọn vẹn nhất. Nhưng rồi 9 năm sau đó, thế giới đồ chơi sinh động quay trở lại, với các nhân vật mới và cũ đan xen nhau, cùng tạo nên một cuộc phiêu lưu đặc biệt, một câu chuyện đặc sắc mới mẻ chứa đầy ý nghĩa về tình bạn, về khao khát của những món đồ chơi, và về sứ mệnh của đồ chơi.

Câu chuyện trong Toy Story 4 mở màn với một phân cảnh giúp giải thích về sự tách biệt của cô nàng chăn cừu Bo đã từng xuất hiện trong Toy Story 1 và 2, nhưng lại mất tích hoàn toàn trong phần 3. Đặc biệt ngay khi mở đầu, bộ phim đã tung ra một "chi tiết ẩn" giúp mạch thời gian trong seri Toy Story trở nên liền nhau và rõ ràng hơn. Sau đó, mọi thứ tiếp tục với cô bé Bonnie, chủ nhân mới của Woody, Buzz Lightyear cùng hội đồ chơi từng thuộc về Andy. Bé Annie nay đã lớn hơn trước, và đã đến tuổi đi học mẫu giáo. Mặc dù có những lo lắng và buồn tủi khi phải tạm xa đống đồ chơi thân thuộc để đi học, với một vài sự giúp đỡ, Bonnie đã tự mình tạo ra một người bạn đồ chơi mới với tên gọi Forky

Review Toy Story 4 - Sứ mệnh của đồ chơi

Điểm đặc biệt của Forky so với những món đồ chơi khác, đó là bản thân cậu luôn xem mình là rác, vì thực chất cậu là một cái nĩa nhựa, thứ mà chúng ta vứt đi hằng ngày sau khi dùng xong. Chính vì lẽ đó, cậu đã gây ra không biết bao nhiêu rắc rối cho anh chàng cảnh sát trưởng Woodykhi anh nhận thấy Bonnie rất yêu thích Forky. Trong một chuyến đi chơi xa, Forky đã tìm cách trốn chạy khỏi Bonnie và bay ra khỏi xe, khiến Woody phải lao đầu theo. Cuối cùng thì cả hai cũng lết được tới khu hội chợ nơi gia đình Boonie đến. Nhưng thay vì chạy thẳng về Bonnie, Woody nhận ra chiếc đèn ngủ mà ngày trước Molly - em gái Andy - đã dùng chung với cô nàng chăn cừu Bo trong một cửa hiệu đồ cũ.

Review Toy Story 4 - Sứ mệnh của đồ chơi 2

Nghĩ rằng có thể gặp lại người bạn (hoặc có thể nói chính xác hơn là người yêu) cũ của mình, Woody bất chấp tất cả kéo Forky vào trong cửa hàng để tìm kiếm Bo. Bất ngờ, cả hai chạm trán một cô búp bê có tên Gabby Gabby cùng với một con rối gỗ tên Vincent. Mặc dù có quen biết Bo, nhưng dường như Gabby Gabby có một ý định khác với Woody. Sau khi tìm được Bo, Woody phát hiện ra Forky vẫn còn ở trong cửa hiệu đồ cũ, và giờ đây anh cùng với hội đồ chơi của mình buộc phải tìm cách quay trở lại để mang Forky về với Bonnie, trước khi chuyến đi của gia đình Bonnie kết thúc. Mục đích thật sự của Gabby Gabby trong câu chuyện này là gì? Liệu sau khi gặp lại nhau, Bo và Woody có cùng nhau quay trở lại, khi Bo giờ đây dường như đã trở thành một cô nàng búp bê hoàn toàn độc lập?

Review Toy Story 4 - Sứ mệnh của đồ chơi 3

Có thể nói, mô-tuýp của Toy Story 4 cũng ... gần giống với những phần phim trước, khi Woody ra tay giúp đỡ đồ chơi và vướng vào rắc rối, để rồi kéo theo đó là Buzz và những món đồ chơi trong hội kéo nhau đi giúp đỡ. Tuy nhiên trong phần mới nhất này, câu chuyện hoàn toàn xoay quanh các món đồ chơi mới, nhiều hơn là nhóm đồ chơi cũ. Bo cũng đã có "hội" của riêng mình, với những món đồ chơi đi lạc trong cửa hiệu đồ cũ, tự tạo niềm vui cho riêng mình, hoặc các món đồ chơi ở khu hội chợ, luôn xuất hiện trong sân chơi để chào đón những đứa trẻ. Dù là đồ chơi có chủ hay bị vứt bỏ trở nên vô chủ, có thể thấy Toy Story 4 đã nhấn mạnh vào ý nghĩa của chúng, hay nói một cách văn vẻ hơn là sứ mệnh của chúng: Mang lại niềm vui, tiếng cười và đôi khi là sự động viên cho những đứa trẻ.

Review Toy Story 4 - Sứ mệnh của đồ chơi 4

Đồ chơi, ở thế giới thực của chúng ta, dĩ nhiên là những món đồ vô hồn. Nhưng với những đứa trẻ thì không. Dù trong thế giới đầy sắc màu và trí tưởng tượng như Toy Storynhững đứa trẻ đều xem các món đồ chơi như những người bạn của mình. Những món đồ chơi đó có thể giúp các em nhỏ cảm thấy vui vẻ, có thể là người bạn đồng hành trong suốt tuổi thơ, là người để các em chia sẻ những tâm sự của riêng mình. Dĩ nhiên không phải món đồ chơi nào cũng có được sự may mắn khi được một đứa trẻ nhất định quan tâm đến chúng, giữ gìn chúng qua năm tháng. Xuyên suốt 4 phần phim, chúng ta đã nhìn thấy không biết bao nhiêu món đồ chơi có số phận không may, nếu không rơi vào tay những cậu nhóc quậy phá (Phần 1), thì cũng có thể bị hỏng hoặc bị đánh giá thấp bởi những người lớn tham lam khi không đủ "bộ" (Phần 2), và xui xẻo nhất có lẽ là vô tình bị quên lãng (Phần 3).

Review Toy Story 4 - Sứ mệnh của đồ chơi 5

Với phần phim thứ tư này, chúng ta được tiếp xúc với những món đồ chơi tự định đoạt số phận của mình, thông qua sự dẫn dắt của cô gái chăn cừu Bo. Từng thuộc về Molly, cô em gái của Andy, Bo nay đã trở thành món đồ chơi vô chủ, và cô cảm thấy không thành vấn đề với điều đó. Cô tự tin kiểm soát những gì diễn ra xung quanh mình, lan truyền cảm hứng cho những món đồ chơi bị vứt bỏ khác, chủ động và tích cực trong suy nghĩ lẫn hành động. Đó cũng chính là một điểm nhấn thú vị của Toy Story 4, khi đối nghịch với cô lại là Woodymón đồ chơi yêu thích của Andy, rồi tới Bonnie, luôn sống trong cảm giác mình là một món đồ chơi quan trọng, và giá trị của mình chỉ được thể hiện khi mình thuộc về ai đó. Những năm tháng bên cạnh Andy khiến Woody tin rằng đồ chơi phải thuộc về một đứa trẻ nào đó.

Review Toy Story 4 - Sứ mệnh của đồ chơi 6

Từ những khác biệt về quan điểm và suy nghĩ, Woody và Bo mang đến cho người xem những thước phim thú vị trong hành trình mang Forky về bên BonnieBo nhận ra Woody sau bao năm vẫn là một cảnh sát trưởng hết sức trách nhiệm, luôn lo lắng đến những món đồ chơi mà anh cảm thấy nó thật sự quan trọng với chủ nhân của mình, và luôn tìm cách đưa những món đồ chơi thất lạc hoặc vô chủ tìm được những cô bé, cậu bé cho riêng mình. Về phần Woody, anh cảm thấy mình may mắn khi thuộc về một ai đó, và không hiểu vì sao Bo cùng một số món đồ chơi khác ở khu hội chợ có thể sống thoải mái vui vẻ khi không thuộc về một cá nhân nào. Chuyến hành trình giải cứu Forky đã giúp Woody nhận ra dường như anh đã quá bám lấy tư tưởng thuộc quyền sở hữu của một ai đó.

Review Toy Story 4 - Sứ mệnh của đồ chơi 7

Bên cạnh những nhân vật quen thuộc, Toy Story 4 còn tạo ấn tượng nhờ vào dàn nhân vật phụ đa dạng sắc màu và tính cách. Trong số đó, gần như không thể không kể đến bộ đôi thú nhồi bông Ducky và Bunny, do Keegan-Michael Key và Jordan Peele đảm nhận lồng tiếng. Từng là diễn viên, đạo diễn, biên kịch và cũng là nhà sản xuất của hai bộ phim kinh dị thành công rực rỡ là Get Out và Us, Jordan Peele đã mang "chất" kinh dị của riêng mình vào nhân vật Bunny. Đừng để vẻ ngoài dễ thương của chú thỏ bông to lớn này đánh lừa, bên trong đầu óc của chú là cả một trời âm mưu đen tối đấy. Dĩ nhiên là một bộ phim hoạt hình, sự hài hước cả trong lúc nói chuyện theo phong cách kinh dị của Bunny vẫn đảm bảo tiếng cười vui nhộn cho người xem.

Review Toy Story 4 - Sứ mệnh của đồ chơi 8

Và chắc chắn không thể bỏ qua Duke Caboom, tay diễn viên đóng thế gốc Canada yêu thích các pha hành động. Một trong những bất ngờ thú vị là Duke Caboom được lồng tiếng bởi nam diễn viên Keanu Reeves, một người nổi tiếng với các vai diễn cực kì nghiêm túc và lạnh lùng, như Neo trong The Matrix và John Wick trong thương hiệu phim của chính anh. Việc lồng tiếng cho một nhân vật năng nổ, nhiệt huyết và dường như luôn sẵn sàng "bùng nổ", tạo dáng mọi lúc mọi nơi như Caboom sẽ là điểm nhấn mới dành cho những ai yêu thích Keanu Reeves, đặc biệt là sau khi anh vừa làm bùng nổ sân khấu E3 2019 bằng việc xuất hiện trên sân khấu, hé lộ thời điểm ra mắt tựa game Cyberpunk 2077, và xác nhận sự xuất hiện của chính mình trong game.

Review Toy Story 4 - Sứ mệnh của đồ chơi 9

Mạch phim của Toy Story 4 không cần phải quá mới lạ, vì những gì diễn ra trên màn ảnh là quá đủ để thu hút người xem. Những kế hoạch không theo dự kiến, những hành động bồng bột, những pha hài hước đầy bất ngờ, ... và cả những trường đoạn cảm động giúp người xem trở nên dễ dàng đồng cảm hơn với các nhân vật tham gia chuyến phiêu lưu này. Sự biến chuyển tâm lý nhân vật được thể hiện rõ nét ở Woody, Bo lẫn Forky, qua đó cho thấy tất cả họ đều trưởng thành hơn khi cùng nhau gặp và giải quyết các biến cố đề ra trước mắt. Phản diện chính của bộ phim, Gabby Gabby cũng là một kiểu nhân vật không quá lạ lẫm sau khi người xem đã quen với Gấu Lotso trong phần 3, nhưng bản thân cô còn có những câu chuyện của riêng mình, và cái kết của Gabby Gabby có lẽ sẽ làm hài lòng người xem, sau những gì cô thể hiện trên màn ảnh.

Review Toy Story 4 - Sứ mệnh của đồ chơi 10

Tóm lại, Toy Story 4 thực sự tiếp nối những thành công mà thương hiệu này đã gầy dựng trong suốt 3 phần phim qua. Bất kể việc rời khỏi màn ảnh suốt 9 năm trời, Toy Story vẫn giữ vẹn nguyên sức hấp dẫn của mình, chỉ với những câu chuyện về các món đồ chơi ... đi lạc. Chỉ với dàn nhân vật mà người hâm mộ đã từng quen mặt, Toy Story 4 vẫn có thể mang tới những cảm xúc vui nhộn, hài hước và vô cùng ấm áp. Bộ phim cũng cho chúng ta thấy được tình cảm của những đứa trẻ dành cho các món đồ chơi đa dạng như thế nào. Câu chuyện trong Toy Story 4 khép lại với một cái kết đặc biệt hơn, dường như để đánh dấu một điều gì đó mà chính các bạn, những người sẽ bước chân ra rạp theo dõi bộ phim, xứng đáng được biết sau ... ít ngày nữa, khi Toy Story 4 chính thức ra mắt trên toàn quốc vào ngày 21 tháng 6 tới. Đừng bỏ lỡ hành trình của Woody và đồng bọn sau 9 năm vắng bóng nhé.

KL Jackarl

Bài liên quan

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang