Mèo thì dễ thương nên nhiều người muốn ôm lắm, nhưng ôm không đúng cách là ăn tát như chơi.
Hội nuôi mèo hẳn đã không ít lần gặp phải trường hợp vừa ôm con boss béo bự ở nhà để cưng nựng, đột nhiên nó đã giãy nảy và tặng cho chủ vài phát tát đau điếng.
Vậy là lỗi do ai, do con boss đột nhiên giở chứng, hay là do chính chúng ta đã không biết cách nựng nó cho chuẩn? Theo khoa học, hóa ra phần không nhỏ lỗi thuộc về chúng ta.
Để hiểu được câu chuyện này, đầu tiên hãy tìm hiểu về vai trò của lũ mèo với loài người trước đã. Ban đầu, tổ tiên của mèo (được cho là mèo rừng châu Phi) đến với con người và được sử dụng như công cụ để kiểm soát động vật gây hại. Nhưng ngày nay, công dụng này ngày càng mờ nhạt, mà thay vào đó chúng được con người cưng nựng, nuôi nấng như một thành viên trong gia đình.
Quá trình chuyển đổi vai trò này xảy ra lâu hơn chúng ta tưởng - khoảng 4000 năm trước, muộn hơn chó một chút. Nhưng hóa ra, ngần ấy thời gian là không đủ để mèo thay đổi tập tính vốn có của chúng. Trên thực tế, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mèo nhà ngày nay có bộ gene gần như chẳng khác gì so với tổ tiên ngày trước.
Tổ tiên của chúng - những con mèo rừng - có lối sống hết sức độc lập. Quá trình giao tiếp của mèo rừng là qua hóa chất tiết ra, âu cũng là để tránh phải đụng mặt nhau. Và mèo nhà ngày nay, chúng cũng độc lập như vậy.
Con người thì khác, chúng ta là loài sống có cộng đồng và xã hội, thể hiện tình cảm qua những cái động chạm. Khi nhìn thấy một sinh vật mang nhiều nét dễ thương như mèo (lắm lông, mũi nhỏ, mặt to tròn...), nhiều người sẽ muốn ôm chặt lấy cưng nựng. Với một loài độc lập như mèo, chẳng có gì khó hiểu khi chúng phản kháng lại.
Mèo thực ra vẫn thích được vuốt ve, có điều phải đúng cách
Theo nghiên cứu của Lauren Finka - chuyên gia từ ĐH Nottingham Trent (Anh Quốc), đa số mèo vẫn thích được vuốt ve, thậm chí sẵn sàng chọn con người thay vì đồ ăn. Tuy nhiên, cái "thích" này thực ra là sự học hỏi. Mèo phải học cách tương tác với người chỉ trong giai đoạn rất ngắn, từ 2 - 7 tuần.
Mèo phải học cách tận hưởng sự vuốt ve từ rất sớm
Sự tương tác giữa người với mèo cũng phụ thuộc rất nhiều vào tính cách của chủ. Ngoài ra, bản thân tính cách và giới tính con mèo, cùng phần cơ thể và thái độ của chúng ta khi chạm vào cũng gây ảnh hưởng đến phản ứng của mèo sau đó.
Một số con mèo sẽ có phản ứng hết sức hung hãn. Số khác thì chịu đựng, vì chúng biết con người không gây hại và sẽ mang thức ăn kèm nơi trú ẩn cho. Tuy nhiên, những con mèo nằm im không có nghĩa là chúng thấy vui, mà bên trong có thể đang phẫn uất, căng thẳng, để rồi đâm ra sợ con người.
Đâu là cách ôm mèo an toàn?
Bí quyết quan trọng nhất nằm ở sự kìm chế. Cần phải cho mèo được lựa chọn và kiểm soát tình hình khi được vuốt ve. Chẳng hạn, bạn phải để ý thái độ của mèo, nó có muốn được vuốt không, bộ phận nào không muốn chạm, và thời gian được đụng vào chúng.
Thực ra với bản chất phát cuồng vì những thứ dễ thương của con người, việc này khá là khó, đòi hỏi chúng ta phải kìm chế rất nhiều. Tuy nhiên theo Finka, quá trình này sớm muộn sẽ đền đáp cho bạn, vì đến một thời điểm mèo sẽ chủ động ra tìm kiếm sự ve vuốt. Mà khoa học đã chứng minh, quá trình ôm ấp sẽ được kéo dài hơn nếu là do mèo chủ động.
Tóm lại, mọi vấn đề nằm ở việc mèo có thoải mái không khi chúng ta vuốt ve chúng. Và dưới đây là một vài dấu hiệu để bạn nắm được.
Dấu hiệu cho thấy mèo đang thích được vuốt ve
- Đuôi dựng lên, chủ động vào đụng chạm.
- Rên (pur), nhún chân trước vào người chủ
- Đuôi vẫy sang 2 bên khi được bế lên
- Cơ thể thả lỏng, mặt giãn, không căng thẳng, tai dựng và hướng về phía trước.
- Lấy chân khều nếu bạn dừng lại, không vuốt ve nữa.
Dấu hiệu cho thấy mèo đang khó chịu:
- Giãy giụa, hoặc né đầu ra khỏi người bạn
- Giữ nguyên tư thế bị động (không rên, cũng không chủ động cọ vào người bạn).
- Chớp mắt nhiều, lắc thân mạnh, hoặc liên tục liếm mũi.
- Liên tục liếm lông sau khi vuốt ve.
- Đuôi đập mạnh.
- Tai cụp sang ngang hoặc về phía sau.
- Phản ứng giật mình.
- Cắn, cào.
Tham khảo: Science Alert, The Conversation - Dịch Kenh14