Kho ứng dụng trực tuyến Google Play dành cho các thiết bị Android có hàng triệu ứng dụng, nhưng lại có rất nhiều ứng dụng 'rác'. Chia sẻ với bạn những nhóm ứng dụng không nên cài đặt trên máy, vì thực tế, chúng không hỗ trợ được gì nhiều và chỉ khiến bộ nhớ máy bị đầy.
1. Các ứng dụng giúp tiết kiệm pin
Bạn sẽ được quảng cáo là sẽ giúp tiết kiệm pin khi cài vào máy nhưng thực chất, các ứng dụng này không giúp được gì nhiều cho người dùng. Đa số chúng sẽ xóa tập tin batterystats.bin trên hệ thống Android, tạo một giao diện đẹp mắt nên khiến nhiều người lầm tưởng thời lượng dùng pin trên máy được nâng cao hơn.
2. Các ứng dụng cải tiến RAM
Bạn lo lắng bộ nhớ RAM trên thiết bị Android của mình bị chiếm dụng khi chạy nhiều ứng dụng cùng lúc, làm chậm máy và hy vọng vào ứng dụng chuyên giải phóng RAM sẽ giúp cải thiện tình hình. Tuy nhiên, thực tế những phiên bản hệ điều hành Android hiện tại đủ "thông minh" để tự động được giải phóng RAM ngay sau khi tắt khỏi ứng dụng. Vì thế, việc làm này của bạn không cần thiết lắm.
3. Các ứng dụng quét virus giả mạo
Bạn có biết, nếu bạn đang dùng một chiếc máy chạy Android và chỉ cài các ứng dụng duy nhất từ kho Google Play thì 99% thiết bị di động của bạn vẫn an toàn. Tuy nhiên, nếu Google Play không đáp ứng đúng nhu cầu và bạn muốn cài một ứng dụng bảo mật từ các nguồn không rõ ràng, cần hạn chế lại và loại bỏ. Hoặc, chỉ nên cài chương trình diệt virus từ những hãng bảo mật nổi tiếng mà bạn biết như: AVG, Avast, Avira, Kaspersky,...
Hãy luôn cẩn thận với các ứng dụng diệt virus giả mạo từ các nguồn lạ, thậm chí có cả những ứng dụng tốn tiền mua về nhưng khi tải và cài đặt xong, ứng dụng chỉ hiển thị duy nhất chức năng xem hình ảnh mà không hề có tính năng quét virus nào cả.
4. Ứng dụng quét vân tay (Lie detectors)
Bạn rất thích tính năng quét vân tay trên iPhone hay SS Galaxy và muốn tải về máy các ứng dụng tương tự trên Google Play. Bạn cần hiểu rằng, điều này chỉ có thể xảy ra khi smartphone của bạn được trang bị công nghệ nhận dạng vân tay. Nếu không, dù có cài đặt bất kỳ ứng dụng quét vân tay nào thì cũng chẳng thể sử dụng được.
5. Các ứng dụng tăng tốc kết nối internet
Một thực tế mà bạn phải biết là tốc độ kết nối internet trên máy của bạn nhanh hay chậm đa số chủ yếu phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng hoặc mạng kết nối mà bạn đang tham gia (3G hoặc Wifi). Các ứng dụng được giới thiệu có thể cải thiện vấn đề này thường không giúp được nhiều lắm. Vì thế, bạn đừng hi vọng việc tăng tốc độ internet bằng phần mềm với lời hứa sẽ cải thiện các thuật toán trên máy.
Bạn đã từng cài ứng dụng nào trong các nhóm trên chưa? Cảm nhận của bạn về chúng như thế nào, có thực sự cần thiết không? Hãy chia sẻ vào phần bình luận bên dưới!