Một dịch vụ "Tang lễ" mới cho phép người dùng có thể bảo quản được các thiết bị lỗi thời, hư hỏng mà họ đã từng gắn bó một khoảng thời gian dài.
Các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính bảng, đồng hồ thông minh được cải tiến theo từng năm và điều đó đòi hỏi người dùng liên tục nâng cấp thiết bị của mình để theo kịp được thời đại.
Bên cạnh đó, có một số người lại tiếc và muốn giữ lại những thiết bị cũ đã gắn bó bên mình một thời gian dài nhưng lại không biết để đâu cho hợp lý. Biết được tâm lý của người dùng, một mô hình dịch vụ mới tại Trung Quốc vừa xuất hiện. Tang lễ đồ điện tử - Dịch vụ mới này cho cho phép người dùng bảo quản các thiết bị lỗi thời của họ như những tác phẩm nghệ thuật bằng cách tháo rời từng linh kiện, đóng khung và treo ở một nơi nào đó trong nhà bạn và chiêm ngưỡng.
Lin Xi, một phụ nữ trẻ đến từ Duy Phường, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, bắt đầu mô hình dịch vụ Tang lễ cho vật dụng vào năm 2019. Cô đã học ở Anh và tiếp xúc với kỹ thuật điện tử, điều mà cô thấy rất thú vị. Một ngày nọ, cô ấy tự hỏi bản thân vì sao xung quanh mình lại có rất nhiều thiết bị điện tử lỗi thời và không sử dụng, tại sao lại không biến chúng thành tác phẩm nghệ thuật?
Sau khi trau dồi kỹ năng với công nghệ cũ của mình, Lin bắt đầu quảng cáo dịch vụ của mình thông qua trực tuyến với slogan: "Đừng làm mất điện thoại di động đã qua sử dụng của bạn, hãy để tôi thiết kế cho bạn!" đi kèm với đó là một vài ví dụ bằng hình ảnh về công việc của mình, và chỉ trong vài ngày, cô ấy đã nhận được hơn 200 đơn đặt hàng qua mạng xã hội, điều mà cô ấy đã phải vật lộn trong nửa năm để hoàn thành.
Ban đầu, mọi người đến Lin Xi với những di vật điện tử thực sự, như điện thoại di động Motorola thế hệ đầu tiên từ năm 1970, Nokia 3650, điện thoại Vertu hiếm trị giá hơn 600 triệu đồng hay điện thoại thông minh Android sản xuất hàng loạt đầu tiên, HTC G1. Những sản phẩm này được cô tỉ mỉ làm khiến dịch vụ của cô được nhiều người biết đến hơn, từ đó nhiều điện thoại thông minh phổ biến hơn bắt đầu xuất hiện.
Năm ngoái, một người đàn ông trẻ mang đến cho cô chiếc máy cầm tay năm 2014 không còn hoạt động, nhưng anh cho biết đây là thiết bị đã gắn bó với anh khoảng thời gian lập nghiệp. Những kỷ niệm gắn liền với chiếc điện thoại thông minh cũ dường như không thể nào quên và anh không thể dễ dàng vứt bỏ nó. Vì vậy, anh đã yêu cầu Lin Xi có thể thiết kế một "nơi an nghỉ" cho thiết bị này để anh có thể giữ nó làm kỷ niệm.
"Tang lễ đồ điện tử" về cơ bản là một nghệ thuật tháo dỡ thiết bị. Các học viên cẩn thận tách các thiết bị cũ hoặc hỏng ra và sắp xếp lại các thành phần của chúng trên các tấm bạt đóng khung. Những kỹ thuật để tháo và lắp là vô cùng dễ dàng, tuy nhiên để tạo nên một tác phẩm thu hút người dùng, nghệ nhân cần phải có sự kiên nhẫn.
Lin Xi chỉ là một trong số hàng trăm nghệ nhân chuyên làm "Tang lễ đồ điện tử". Một nghệ nhân trẻ khác, Chen Xingyi, nói rằng đôi khi anh làm việc từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm để hoàn thành các đơn đặt hàng và kiếm được tới 1 triệu nhân dân tệ (tương đương khoảng 3,4 tỷ) mỗi năm.
Cả Chen Xingyi và Lin Xi đều cảm vô cùng hạnh phúc khi làm công việc nà vị họ đang giúp khách hàng lưu giữ những ký ức gắn liền với các thiết bị lỗi thời hoặc hỏng hóc của họ, đồng thời đây cũng là một cách để họ bảo vệ môi trường khi mà rác thải điện tử đang ở mức báo động.