Làng eSport 2017 luôn có nhiều biến động và DOTA 2 vẫn giữ vững phong độ của mình
Theo báo cáo mới nhất của chuyên tranh thống kê Esports Earnings, tổng giải thưởng của các giải thi đấu thể thao điện tử trong năm 2017 đã đạt ngưỡng 110,66 triệu USD (~ 2600 tỷ VNĐ), tăng trưởng 14,44% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù số lượng giải đấu đã giảm đôi chút (từ 4429 xuống 3765) nhưng tổng số vận động viên chuyên nghiệp lại tăng lên (từ 14938 lên 16124).
Xét trên thị trường của từng game, DOTA 2 vẫn giữ vững ngôi vị độc tôn với 38 triệu tiền thưởng, chiếm 34,33 toàn thị trường và tăng trưởng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoài. Nếu như các vị trí trong top 5 đều giữ nguyên (Call of Duty: Infinite Warfare thay cho Call of Duty: Black Ops III) thì top 10 lại chứng kiến sự thụt lùi của Hearthstone. Tựa game đánh bài số một thế giới đã tụt xuống vị trí thứ 8 sau khi bị Overwatch và StarCraft II qua mặt.
Một điểm đặc biệt khác trong bảng xếp hạng đó là sự xuất hiện của PUBG. Mặc dù không được công nhận là thể thao điện tử chính thống, tuy nhiên các giải đấu của PUBG vẫn được tổ chức theo dạng thử nghiệm ở một số sự kiện. Với 796,5 nghìn USD tiền thưởng và 9 giải đấu toàn cầu, PUBG khiếm tốn đứng ở vị trí thứ 19 của bảng xếp hạng. Tuy nhiên, với đà phát triển như vũ bão hiện nay, không ngoại trừ khả năng tựa game của Bluehole sẽ có màn bứt phá ngoạn mục trong năm 2018.
Song hành với sự độc tôn của DOTA 2, các vận động viên ở bộ môn này cũng thay nhau chiếm lĩnh hầu hết các vị trí cao nhất ở bảng xếp hạng thu nhập cá nhân. Nếu bạn để ý, có thể thấy 29 cái tên dẫn đầu trong top 100 đều là game thủ DOTA 2. Game thủ “ngoại đạo” duy nhất của thể lọt vào trong top này là Jun “TY” Tae Yang, game thủ người Hàn Quốc của bộ môn StarCraft II. Ngay sau đó, vị trí thứ 31 lại thuộc về Anathan “Ana” Phạm, thần đồng DOTA 2 gốc Việt.
Với 16124 game thủ tham gia ở 3765 giải đấu, thu nhập bình quân của game thủ chuyên nghiệp trong năm 2017 đạt 6.863$/năm (~ 157,8 triệu VNĐ). Con số này tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoài. Đương nhiên, số tiền này chỉ là thu nhập có được từ các giải đấu. Nếu xét về tổng thu nhập (tỉnh cả lương, thưởng, tiền bản quyền hình ảnh…) thì con số sẽ được đội lên rất nhiều.
Tuy thu nhập trung bình của game thủ chuyên nghiệp đã tăng nhưng một vấn đề khác lại đang trở nên ngày một trầm trọng hơn. Đó là việc cách biệt thu nhập giữa các game thủ top đầu và game thủ bình thường đang ngày một xa hơn. Tổng thu nhập của 50 game thủ hàng đầu thế giới là khoảng 32 triệu USD (chiếm 29% toàn bộ thị trường). Trong khi đó, từ top 500 trở đi (lên đến 16124), tổng thu nhập của toàn bộ số game thủ còn lại chỉ chiếm chưa đầy 5%.
Xét về sự phát triển ở mỗi quốc gia, Trung Quốc vẫn giữ vị trí số một với 990 game thủ chuyên nghiệp và 15,773 triệu USD tiền thưởng. Các vị trí tiếp theo trong top 10 lần lượt thuộc về Mỹ, Hàn Quốc, Đan Mạch, Đức, Thụy Điển, Phần Làn, Nga, Pháp và Brazil. Với Việt Nam, chúng ta đã nhảy 11 bậc từ vị trí số 37 (năm 2016) lên 26 (năm 2017). Thành công này có được nhờ một phần lờn đóng góp của các đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại. Với việc lọt vào vòng chung kết của nhiều giải đấu lớn, đặc biệt là giải vô địch thế giới, các game thủ Liên Minh Huyền Thoại chính là cánh chim đầu đàn của làng eSports Việt Nam trong năm 2017.
Theo Tri Thức Trẻ