Mark of The Ninja: Dấu ấn nhẫn giả
Trong khi Shank khá đẫm máu, game Mark of the Ninja của cùng nhà phát triển Klei Entertainment lại có tiết tấu chậm hơn rất nhiều. Với kiểu chơi đi stealth, đây rõ ràng là một trong những gương tốt điển hình của thể loại khá kén người chơi này.
Mark of the Ninja là game đi stealth dễ tiếp cận và khiến tôi hài lòng nhất ngay khi trải nghiệm. Nếu so với thời điểm phát hành năm 2012, trò chơi không quá phức tạp như Splinter Cell, nhưng cũng không quá thách thức như Batman: Arkham City. Nhà phát triển Klei Entertainment đã tạo nên sự cân bằng hoàn hảo giữa hai thái cực này. Gameplay của trò chơi phong phú và đa dạng, phần điều khiển phản hồi nhanh nhạy loại bỏ những thứ phức tạp thường thấy trong trải nghiệm.
Sau màn chơi hướng dẫn nhanh, người chơi được giới thiệu những kỹ năng cơ bản của trò chơi. Nhân vật của người chơi có thể bám tường, chui trốn trong những song sắt và hệ thống thông khí xuyên suốt trong những bức tường, tránh bị phát hiện. Thậm chí, người chơi có thể ẩn mình đằng sau một số cảnh vật nhất định, hay áp người vào cửa để “cảm” được mọi thứ diễn ra đằng sau nó.
Nội dung của Mark of the Ninja cũng không có gì hấp dẫn nhiều. Tất nhiên điều này có thể hiểu được vì đây không phải là nét chính của trò chơi. Thực tế, cốt truyện dạng này thường chỉ hấp dẫn trên kịch bản chứ hiếm khi được triển khai tốt trên trò chơi. Trên thực tế, những yếu tố cứu vãn phần cốt truyện của trò chơi là những nút thắt và gỡ ở gần cuối game. Phần giữa game gần như không có kịch bản gì rõ rệt. Dù vậy, tổng quan nội dung vẫn tạo được sự hấp dẫn tương đối với đa phần người chơi.
Nếu đã từng chơi qua N+ cũng của Klei, bạn sẽ thấy có nét gì đó phảng phất trong Mark of the Ninja. Nhưng với tựa game này, nhân vật cân bằng thực tế hơn giữa sự nhanh nhẹn và trọng lực. Bạn chẳng những không thấy thiếu sức nặng, mà còn có thể điều hướng uyển chuyển hơn hẳn bọn lính gác trong các màn chơi.
Nếu thích kiểu chơi stealth, Mark of the Ninja sẽ khiến bạn hài lòng. Trò chơi có rất nhiều cách khác nhau để thực hiện nhiệm vụ. Nếu muốn, bạn hoàn toàn có thể hoàn thành mà không cần đụng gì đến bọn lính gác. Mỗi màn chơi còn thưởng điểm khá hào phóng khi người chơi qua màn mà không đụng độ hay vấy máu kẻ thù. Nhưng trò vui chỉ đến từ những cách mà bạn “đùa cợt” với kẻ thù của mình. Rõ ràng không thể có tất cả, chúng ta phải lựa chọn giữa cái này hay các khác tùy theo quan điểm chơi game mà thôi.
“Kho vũ khí” của bạn ngoài thanh kiếm để hành thích bí mật, còn có một mớ đồ chơi hay ho khác. Tất nhiên, thứ cơ bản nhất không thể thiếu là dart (phi tiêu), hữu dụng trong việc phá hủy đèn chiếu sáng nhưng không có tác dụng gì trong việc chống lại bọn lính gác. Để hạ chúng, người chơi phải dùng firecracker tạo tiếng ồn, thu hút sự chú ý của lính gác và “xử” chúng từ đằng sau. Bạn cũng có thể dùng smoke bomb (bom khói) với mục đích tương tự. Nhưng đó chỉ là những vũ khí để “dương đông kích tây” kẻ thù. Thú vị hơn còn có spike mine “nướng chín” kẻ thù khi chúng dẫm phải, poison dart (phi tiêu có độc) khiến kẻ thù phát điên hay thậm chí là một bầy bọ cánh cứng “tống tiễn” chúng.
Âm thanh giữ một vai trò lớn trong Mark of the Ninja. Bất kỳ tiếng động nào do bạn hoặc kẻ thù tạo ra đều được hiển thị dưới dạng vòng tròn gợn sóng màu xanh. Nó giúp bạn định lượng cho các cuộc tấn công lén lút hơn, ví dụ thu hút riêng một tên lính giữa đám lính, hoặc chỉ đơn thuần nhằm đảm bảo kẻ thù không phát hiện ra bạn.
Bù đắp cho sự thiếu sót về cốt truyện chính là phong cách đồ họa của trò chơi. Có vẻ là chủ ý thiết kế, vì nhà phát triển Klei sử dụng đồ họa không chỉ đơn thuần mang tính thẩm mỹ. Người chơi có thể ẩn mình sau những vật thể tiền và hậu cảnh. Mark of the Ninja có rất nhiều vùng ánh sáng và âm thanh mà kẻ thù sử dụng để phát hiện nhân vật của người chơi. Đi kèm với đó cũng không thiếu những khu vực có độ cao nhất định để người chơi tránh né khỏi tầm nhìn của chúng. Việc ẩn mình trong bóng tối là yếu tố quen thuộc của các game đi stealth, thế nhưng nhà phát triển Klei biến nó trở nên khá mới mẻ trong Mark of the Ninja.
Với kiểu đồ họa hoạt hình, nhà phát triển sử dụng kỹ thuật lấy nét và mất nét hoặc mờ nhòe theo nét vẽ. Cách thiết kế này tạo cảm giác tức thì và liên tục với những gì có thể và không nhìn thấy được, dù đó là tầm nhìn hay ánh sáng và bóng tối. Chẳng hạn, bạn có thể “nhìn” thấy bước chân của kẻ thù đang tiến gần, trước khi nhân vật xuất hiện thật sự trên màn hình, bằng loạt tiếng vọng nhỏ kéo dài. Chuyển động trong game rất mượt mà và mức độ chi tiết rất cao. Nếu có gì để phàn nàn, có lẽ là do rất nhiều thiết kế tối giản bạn chỉ có thể nhìn thấy được trên màn hình kích thước lớn.
Tuy nhiên, đồ họa đẹp thế nào cũng không thể quan trọng bằng chất lượng gameplay. Điều này không là vấn đề vì Mark of the Ninja được trau chuốt rất cẩn thận. Thiết kế nút bấm thông minh khiến việc di chuyển và chiến đấu khá “nhẹ nhàng”. So sánh với các dòng game stealth chính yếu khác, người chơi cần phải có sự kiên nhẫn nhất định và lên kế hoạch trước khi muốn loại trừ kẻ thù nào đó. Việc này thường tốn nhiều phút và tình hình có thể trở nên lộn xộn ngay khi người chơi chỉ phạm một sai lầm. Trong Mark of the Ninja lại khác, những tình huống này đều có thể vượt qua bằng tốc độ và khả năng tùy biến. Người chơi không phải luôn cần nhớ hành trình đi tuần của lính gác và đặt bẫy, mà có thể cân nhắc chấp nhận rủi ro trong hành động của mình. Đó là một thử thách khá thoải mái và hiếm khi gây ức chế như nhiều game đi stealth khác.
Tuy thế, sự ức chế trong Mark of the Ninja không phải không có. Nhưng nó thường đến từ hệ thống điều khiển, đặc biệt là ở khả năng nhanh nhạy của nhân vật nhưng đôi lúc cũng trong cự ly gần. Nhân vật của người chơi là một ninja khá… dính, nên việc điều hướng trong một số góc chật hẹp hay hạn chế chiều cao khá khó chịu. Trò chơi cũng có chút vấn đề với sự nhạy điều khiển theo bối cảnh. Nút B cho phép bạn nhặt xác tên lính gác nhưng cũng dùng để nấp ẩn thân. Giết một tên lính ngay trước chỗ nấp có thể khiến trò chơi lúng túng khi quyết định hành động của nhân vật. Đặc biệt khi đồng bọn của chúng đang cầm cây súng máy lò dò tiến tới, rõ ràng điều này chẳng tươi đẹp chút nào.
Mark of the Ninja không “trừng phạt” người chơi quá khắt nghiệt. Nếu có cũng chỉ là bị phát hiện và khéo léo “xuất quỷ nhập thần”, tạo nên sự căng thẳng mà thôi. Mặc dù đôi lúc cũng cần một kỹ năng nhất định để vượt qua một cái bẫy nào đó, nhìn chung người chơi có thể dễ dàng hạ gục hàng loạt kẻ thù chỉ với thanh kiếm và quan sát. Đây là điểm cộng khiến trò chơi dễ tiếp cận với nhiều đối tượng người chơi hơn so với các game đi stealth khác.
Mark of the Ninja không phải hoàn hảo. Phần kịch bản và độ khó nếu được xem xét tinh chỉnh tốt thì trò chơi sẽ hoàn mỹ hơn. Xét về tổng thể, đây chỉ là những điểm yếu nhỏ của trò chơi. Mức giá 15 USD khó có thể nói tương xứng với những gì nhà phát triển Klei mang đến hay không. Nhưng với những gì đã làm được, ít nhất các nhà phát triển khác nên học hỏi từ họ khi xây dựng những tựa game đi stealth mang thương hiệu của riêng mình.
Ngoài ra, Mark of the Ninja còn có một bản DLC Special Edition có giá 5 USD, bao gồm một màn chơi hồi tưởng, một số phục trang mới và rất nhiều lời bình luận từ nhà phát triển. Tuy nhiên, phần chơi trả phí này có lẽ chỉ dành cho những ai quá yêu thích trò chơi, muốn tìm hiểu thêm hơn là số đông người chơi còn lại.
Nguồn: Motgame
Bài cùng chuyên mục