Có những tựa game yêu cầu bạn phải bỏ hàng trăm triệu VND để có thể sở hữu nó và đó là một cái giá không hề rẻ cho cho một tựa game
Trong thời điểm hiện nay thì game thủ trên toàn thế giới đã có thể tiếp cận được với rất nhiều tựa game thuộc nhiều thể loại khác nhau không qua Steam. Nhưng không phải bất kì tựa game nào cũng thuộc dạng miễn phí cho mọi người chơi, hoặc cũng không phải tựa game nào cũng sở hữu mức giá vừa túi tiền với game thủ. Thậm chí thì có những tựa game lại sở hữu cho mình một cái giá cực đắt đến mức không thể tin được. Dưới đây là danh sách những tựa game đắt quá thể mà không phải bất kì game thủ nào cũng có thể bỏ tiền ra mua được.
Crusader King II
Paradox Interactive khá nổi tiếng với những tựa game chiến thuật của mình, nổi bật nhất là tựa game Europa Universalis hay Hearts of Iron. Tuy nhiên nếu nhắc đến một tựa game chiến thuật đỉnh cao của hãng phát triển này thì chúng ta phải kể đến Crusader King II, thế giới của game cho phép bạn có thể xây dựng cho mình một đế chế kéo dài lên đến hàng trăm năm, thiết lập nên những cuộc hôn nhân hoặc sử dụng gián điệp ở những quốc gia khác để có thể giữ vững được quyền lực cũng như lãnh thổ của mình.
Tuy vậy Crusader King II lại yêu cầu người chơi phải mua một loạt nhiều gói mở rộng khác nhau nếu muốn mở khóa và khám phá những điều thú vị trong tựa game này. Các gói mở rộng hoạt động độc lập với nhau và người chơi hoàn toàn có thể toàn quyền lựa chọn có nên mua chúng hay không. Nhưng người chơi cần cân nhắc khi một gói mở rộng đầy đủ có thể lên đến 300$ đấy.
Crisis Action
Crisis Action được biết đến như một tựa game vô cùng đắt đỏ khi có giá lên đến 199.99$ trên hệ thống của Steam. Tựa game này được giới thiệu sẽ đem đến cho người chơi một cuộc phiêu lưu và chiến đấu trên một đấu trường thật sự, nhưng từ khi mới ra mắt thì game hầu như không thể vươn lên vị trí cao trong bảng xếp hạng người chơi cũng là số lượng bán ra.
Lý do dẫn đến việc này phần lớn đến từ mức giá có phần quá cao đến từ nhà phát hành. Nhiều người chơi đã chịu bỏ tiền để mua tựa game này đã nhận định rằng Crisis Action thật ra chẳng hề có sự hấp dẫn nào để xứng đáng với cái giá cắt cổ của nó, thậm chí nhiều người chơi cho rằng gameplay của Crisis Action vô cùng hỗn tạp và đau đầu. Nguyên nhân mà Crisis Action được bán với giá gần 200$ cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn.
Command: Modern Air/Naval
Trong thời điểm hiện nay thì những tựa game đang theo xu hướng tối ưu hóa nền đồ họa cũng như chất lượng hình ảnh của mình nhằm mang lại cho người chơi những trải nghiệm tuyệt vời nhất. Nhưng đối với Command: Modern Air/Naval thì lại không như vậy, người chơi tham gia game sẽ chẳng thấy được bất kì thứ gì giống như một tựa game cả, mà đơn giản đó là một đống dữ liệu với những khung lệnh và đồ họa của game thì không có chút gì nổi bật.
Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng đây là một tựa game chiến thuật thiên về sự tinh toán, logic và người chơi phải suy nghĩ rất kĩ trong từng hành động khi họ phải vào vai một người chỉ huy và chỉ huy binh lực của cả một nền quân sự. Nhưng một tựa game chiến thuật với cái giá 79.99$ mà nhà phát hành niêm yết trên Steam thì cũng khiến nhiều game thủ cảm thấy quan ngại rất nhiều.
DCS World
DCS World thực chất trên Steam là một tựa game miễn phí, nhưng đối với tựa game mô phỏng chiến đấu này thì việc bỏ tiền ra để chơi game cũng như là đang mua thêm chất lượng cho trò chơi cũng như là những gì mà bạn nhận được. Nếu bạn là một người chơi miễn phí thì chắc rằng bạn sẽ không chịu nổi quá 30 phút trong game này đâu.
Còn nếu bạn đã quyết tâm chơi game thì có thể mua cho mình một gói DCS bản đầy đủ với cái giá có thể lên đến 1.500$, lúc đó thì bạn sẽ được cung cấp đầy đủ tất cả các loại xe, bản đồ cũng như bối cảnh khác nhau. Nếu bạn muốn được tự mình ngồi trên một chiếc phi cơ đời mới F / A-18C Hornet bay lượn trên Vịnh Ba Tư thì hãy sẵn sàng tiền trong thẻ tín dụng đi nhé. DCS World là một minh chứng rõ nhất cho việc khi bạn càng bỏ nhiều tiền thì những gì bạn nhận được càng nhiều xứng đáng với số tiền bạn bỏ ra.
Train Simulator
Về cơ bản, đây là một tựa game khá hấp dẫn, khi bạn dường như được lựa chọn để thoải mái xây dựng một thế giới xe lửa tùy thích của mình. Cứ mỗi bản mở rộng, bạn sẽ nhận được nhiều tính năng mới mẻ như những chiếc xe, đầu máy, các loại đường ray, cảnh quan và vô vàn thứ khác nữa. Và tựa game này dường như rất phù hợp với những người đam mê nghệ thuật, cũng như có tính tỉ mỉ cao. Chỉ có điều, không phải ngẫu nhiên mà Kotaku gọi đây là tựa game có mức giá điên rồ đâu. Để sở hữu hết tất cả các bản mở rộng, số tiền bạn bỏ ra sẽ lên tới 8.000$.
Ngay cả nhà phát hành Dovetail cũng giải thích rằng họ hoàn toàn không khuyến khích người chơi mua tất cả các nội dung được thiết kế cho Train Simulator 2018 thì bạn cũng đủ hiểu rằng mình nên dừng ở đâu rồi đấy. Nếu có tiềm lực tài chính vững mạnh thì cứ trải nghiệm thôi, còn không, đừng quá để bị cuốn vào tựa game này nhé, tốn kém lắm.
Theo Trí Thức Trẻ