“Mother!”: Loài quái vật tàn nhẫn và vô ơn mang tên “Nhân loại”

Nguyễn Hoàng Thuận

Cánh cửa gỗ cứ thế mở ra chào đón những kẻ xa lạ bước vào ngôi nhà xinh đẹp, biến chốn thiên đường thành cõi địa ngục trần gian.

Darren Aronofsky là một trong những nhà làm phim gây “nhức nhối” tại Hollywood. “Nhức nhối” ở đây, mang ý nghĩa rằng phim của anh không tự dưng mà thẩm thấu được: phải đọc nhiều, trải nghiệm nhiều, và có khi mất mát nhiều ở cuộc đời thực thì xem mới thấy trọn vẹn. Trong năm nay, vị đạo diễn của Requiem for a DreamThe FountainBlack Swan,.. tiếp tục chia sẻ thế giới quan của mình cho toàn thể tín đồ điện ảnh, qua bộ phim kinh dị - kỳ bí Mother!.


“Mother!” - tác phẩm mới nhất gây tranh cãi của đạo diễn “Black Swan”.

Điều tạo nên sự rùng rợn của Mother! nằm ở cách dẫn chuyện: Một người phụ nữ (được đặt tên là “Mẹ” - do Jennifer Lawrence thủ vai) thức dậy trên chiếc giường trắng tinh khôi, điều đầu tiên cô ta đi tìm là người chồng của mình. Anh ta (Javier Bardem) là một thi sĩ đang đau đầu trong việc sáng tạo nên kiệt tác để đời của mình - Một bài thơ tuyệt đẹp dành cho cả nhân loại. Họ sống trong một ngôi nhà xinh đẹp tách biệt khỏi thế giới, nơi thời gian và không gian tựa như không tồn tại.

Và rồi sự bình yên thường nhật ấy bị xáo động, khi một Người đàn ông (Ed Harris) bước chân vào nhà. Sau Người đàn ông là vợ ông ta, Người đàn bà (Michelle Pfeiffer), rồi lũ lượt người lạ cứ thế tự tiện xông vào chốn riêng tư của cặp vợ chồng như thể họ mới là chủ ngôi nhà ấy. Thế nhưng điều đáng sợ nhất là khi nhân vật người chồng của Bardem, mặc cho lời can ngăn trong vô vọng của vợ mình, không hề tỏ ra kháng cự trước những vị khách không mời này; như thể có một thứ ma thuật đen tối đang chiếm lấy tâm trí anh ta vậy.

Hầu hết tín đồ điện ảnh sẽ nhận ra rằng, có một nét tương đồng rất lớn về mặt nội dung giữa Mother!và một tác phẩm kinh dị kinh điển ra mắt vào năm 1968 - Rosemary’s Baby. Không dừng lại ở đó, khâu quảng bá phim còn cố ý liên kết hai thế hệ phim điện ảnh với nhau, qua những nét tương đồng trong việc xây dựng trailer cũng như cách thiết kế poster. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu Mother! có phải là phần làm lại (không được thừa nhận) của Rosemary’s Baby ngày trước? Đích thân Aronofsky không hoàn toàn khẳng định hay phủ định điều này, còn bản thân dàn diễn viên thì hoàn toàn… mù mờ về bộ phim mà họ tham gia cho đến khi được xem lại thành phẩm vào giờ chót.


Một poster thể hiện sự tương đồng giữa “Mother!” và “Rosemary’s Baby”.

Thực tế, tất cả chỉ là một “vố lừa” lớn, một chiêu thức truyền thông thông minh nhắm đến những khán giả từng say mê với giai đoạn hoàng kim của Hollywood. Nửa đầu phim của Mother! mang đậm đặc phong cách của Rosemary’s Baby; với cốt truyện chậm rãi, âm thanh u buồn đầy ám ảnh và cả cách dẫn chuyện. Không những thế, những hình ảnh hư ảo đan xen trong suy tưởng của “Mẹ”, cũng như sự nhập nhằng giữa thực và mơ lại tô đậm phong cách làm phim riêng biệt của Aronofsky, mà khán giả từng được trải nghiệm qua Requiem for a Dream hay Black Swan. Chỉ đến hồi kết, Mother! mới gây ngạc nhiên đến choáng váng bằng một cú rẽ ngoặt đầy bất ngờ. Đó cũng là một hồi kết bạo liệt, nghẹt thở và không thể lường trước được, như chiếc hộp Pandora nằm im ắng chờ đợi để khi mở ra chỉ toàn những bí mật kinh hoàng.


Sự rùng rợn cứ thế xâm nhập vào tâm trí người xem qua mỗi thước phim.

Một trong những yếu tố làm nên thế giới quan phim ảnh của đạo diễn Darren Aronofsky nằm ở các hình tượng ẩn dụ. Khi bộ phim về những kẻ nghiện lại tràn ngập những hình ảnh trải dài cả vũ trụ, bộ phim về cô vũ công lại ẩn chứa ma quỷ và chứng tâm thần phân liệt, thì câu chuyện tưởng chừng rất cục bộ như Mother! lại mang trong mình yếu tố tôn giáo cũng như định nghĩa lại giá trị con người.

Trong phim, những người lạ cứ liên tục tiến vào ngôi nhà của cặp vợ chồng như thể đó là nơi ở hợp lẽ tự nhiên của họ, rồi họ cho mình cái quyền cướp bóc, cưỡng đoạt và phá hoại hạnh phúc của người khác. Có phải ngôi nhà là một cách ví von cho Trái Đất, và nói như nhân vật Đặc vụ Smith trong The Matrix thì “Trái Đất đang lên cơn sốt, và con người chính là bệnh dịch”? Xen lẫn những hành động tàn nhẫn đến vô lý của đám “người lạ”, là những điển tích trong Kinh Thánh được tái hiện lại với một góc nhìn khác - một góc nhìn của phim kinh dị. Đó là tất cả những chuỗi sự kiện kinh hoàng mà thế giới từng phải trải qua khi tôn giáo trở nên cực đoan, cực đoan dẫn đến đối đầu, tất cả dẫn đến một cuộc chiến đẫm máu; mà nạn nhân giờ đây không ai khác ngoài nhân vật “Mẹ” của Jennifer Lawrence.


“Mother!”, hay “Jennifer Lawrence chống lại cả thế giới”.

Là một bộ phim thuộc đề tài kinh dị - tâm lý, nhưng chính xác hơn cả thì Mother! vẫn mang tính “thử nghiệm”, bởi trong tác phẩm còn có cả yếu tố chính kịch, kỳ bí, gia đình,... Sự rùng rợn của phim như ngọn lửa cháy chậm, tí tách từng chút một, như bậc thanh xoắn ốc trong khái niệm về sự phát triển của bộ môn Xã hội học, mà mỗi vòng lặp là một sự tăng tiến về mức độ kinh hoàng. Gói gọn lại, thì Mother! gần như không có lấy một pha jump-scare, mà chỉ khiến người xem mỗi lúc một lạnh gáy trước những tội ác mà người với người có thể hãm hại nhau.

Xem Mother! có lẽ chỉ để… mất lòng tin vào con người. Qua bao lần những người lạ được người chồng cưu mang, tha thứ, họ chỉ thêm trở mặt và càng thô lỗ, bạo lực hơn. Tuyến phản diện vì thế là toàn bộ phần còn lại của dàn diễn viên trừ Jennifer Lawrence và Javier Bardem, nhưng nổi bật nhất vẫn là hai vai Người đàn ông (Ed Harris) và Người đàn bà (Michelle Pfeiffer). Dù chỉ xuất hiện trong một phần tư phim, chính thần thái cùng những biểu cảm “ăn rơ” của họ khiến cho mạch truyện càng thêm kịch tính và ám ảnh.


Tuyến nhân vật của hai diễn viên lão làng để lại nhiều dấu ấn.

Trong khi đó, hai vai diễn chính chỉ dừng ở mức tròn vai: Javier Bardem tuy có thực lực, nhưng vai của anh lại không có nhiều sự thay đổi xuyên suốt mạch truyện; ngược lại, cả bộ phim đều xoay quanh những cung bậc cảm xúc của Lawrence, thì minh tinh sinh năm 1990 lại chưa khắc họa tốt, còn khá “đơ” cho đến cảnh gần cuối.

Cũng không ngạc nhiên khi Mother! gặp rắc rối tại phòng vé, trở thành “thảm họa” dẫu tác phẩm được đánh giá cao tại các liên hoan phim danh giá. Với doanh thu 16.3 triệu USD cho kinh phí phải bỏ ra là 30 triệu USD, có thể thấy được rõ ràng rằng khán giả đại chúng không sẵn sàng để trải nghiệm một bộ phim, dù hấp dẫn cách mấy, lại quá nặng nề yếu tố xung đột tôn giáo.

Còn về giải Oscar? Hoàn toàn khả thi!


Một số hình ảnh trong phim

Phúc Logic

Muzuco.com

Bài cùng chuyên mục