Trước khi thay đạo diễn, bom tấn kinh dị “It” có nội dung đen tối và “khó nuốt” hơn những gì bạn được xem ở bản phim chiếu rạp.
Bom tấn It vừa vượt mặt The Exorcist (1973) để trở thành phim thuần kinh dị có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Bắc Mỹ. Với đà này, bộ phim được dự đoán sẽ sớm cán mốc 300 triệu đôla, soán ngôi vương của The Sixth Sense (1999) – phim tâm lý-ly kỳ-kinh dị đang giữ kỷ lục doanh thu cao nhất Bắc Mỹ với 293 triệu đôla.
Thành công vang dội đó là điều hoàn toàn nằm ngoài dự đoán, bởi dự án chuyển thể tiểu thuyết của Stephen King gặp nhiều trục trặc trong quá trình sản xuất. Dự án bắt đầu được triển khai từ năm 2009 với kế hoạch ban đầu là chỉ làm một phim duy nhất. Nhận thấy tiểu thuyết quá đồ sộ để gói gọn trong một phần, hãng phim quyết định làm thành hai phần phim và giao ghế chỉ đạo cho Cary Fukunaga vào năm 2012. Cùng biên kịch Chase Palmer, Cary Fukunaga đã viết nên một kịch bản phim mà hãng sản xuất... khó lòng chấp nhận. Vì khác biệt trong quan điểm sáng tạo, Cary Fukunaga đã rời khỏi dự án, nhường cơ hội lại cho đạo diễn Mama Andy Muschietti.
Andy đã chỉnh sửa kịch bản do Cary để lại và cùng êkip đã tạo nên thành quả cuối cùng mà bạn thưởng thức ngoài rạp. Bộ phim đã khác đi rất nhiều so với kịch bản ban đầu – một ý tưởng đen tối, táo bạo và ít yếu tố thương mại hơn.
Sau đây là những điểm khác nhau quan trọng giữa kịch bản gốc so với kịch bản chính thức.
1. Bill không bị tật nói lắp
Không rõ lý do gì nhưng Cary Fukunaga và Chase Palmer đã thay đổi tên của hai nhân vật: Bill có tên là Will và Henry Bowers – thủ lĩnh nhóm bắt nạt được đổi thành Travis Bowers. Ngoài ra, Bill cũng không có tật nói lắp! Chi tiết không ảnh hưởng mấy đến cốt truyện nhưng các fan của It đã quá quen thuộc với đặc điểm này của nhân vật.
2. Các vị phụ huynh xuất hiện nhiều hơn
Mẹ của Beverly vẫn còn sống khoẻ mạnh, mặc dù vai trò của bà ta không nhiều hơn việc quăng băng vệ sinh vào mặt con gái mình và chửi rủa. Mẹ của Will (hay Bill) cũng góp mặt, đau khổ và trầm cảm sau cái chết của cậu con trai George. So với bản phim, mẹ Bill chỉ xuất hiện thoáng qua một lần duy nhất trong cảnh mở đầu, lúc bà đang ngồi đánh đàn.
Quan trọng hơn, cha mẹ của Mike vẫn còn sống (trong phim, cha mẹ Mike chết trong một vụ hoả hoạn). Giống như trong tiểu thuyết, cha Mike kể cho cậu nghe về kí ức kinh hoàng khi đối mặt Pennywise – điều này khiến ông là người lớn duy nhất biết được chuyện gì đang xảy ra tại thị trấn Derry.
3. Sự phân biệt chủng tộc được thể hiện rõ ràng hơn
Trong phim, sự phân biệt chủng tộc được thể hiện qua hành vi của tên bắt nạt Henry Bowers, hắn bắt cậu bé Mike da đen cút khỏi địa bàn, suýt giết Mike ở đoạn cao trào và tiết lộ ý định giết cha mẹ cậu nếu có cơ hội. Trong kịch bản gốc, mọi thứ còn rõ ràng hơn thế khi cha của Bowers – một viên cảnh sát, hỏi cung Mike vì nghi ngờ cậu có liên quan đến vụ mất tích của Patrick Hockstetter. Ông dùng từ “Negro” (một từ có ý miệt thị người da đen) khi nhắc đến Mike.
Kịch bản cũng kể lại việc cha của Mike đã thoát khỏi vụ cháy tại Black Spot - câu lạc bộ đêm dành cho người da đen như thế nào. Như vậy, sự phân biệt chủng tộc tại Derry và sự cách biệt của Mike so với bạn bè đồng trang lứa được mô tả cụ thể hơn so với bản phim.
4. Những cảnh hồi tưởng
Quá khứ đẫm máu của thị trấn Derry có được nhắc đến trong phim nhưng trong kịch bản gốc, có hẳn các cảnh mô tả những sự kiện này.
Khi Leroy – cha của Mike sắp chết vì ung thư, ông đã thuật lại sự kiện kinh hoàng nhất trong đời mình – đám cháy tại câu lạc bộ Black Spot. Legion of Decency – một hội kín bài trừ người da đen, đã đến bao vây câu lạc bộ, chặn lối ra vào rồi phóng hoả. Leroy cùng một người bạn may mắn thoát chết, khi ra khỏi đám cháy, ông đã bắt gặp Pennywise đang kéo lê từng cái xác chết cháy.
Một cảnh hồi tưởng khác mô tả sự kiện thảm sát tại quán rượu Silver Dollar năm 1879. Tên giết người hàng loạt Claude Heroux đã “thanh trừng” những người xấu số tại đây bằng một cây rìu.
Các phân cảnh hồi tưởng cho thấy khả năng thao túng của It lên người dân thị trấn Derry, điều khiển họ thực hiện những vụ giết người tập thể. Một khả năng khác của It là khiến những người sống sót có thể nhìn thấy các sự kiện thảm khốc trong quá khứ y như thật.
5. Những phân cảnh đe doạ “bạo” hơn
Nỗi sợ phải trưởng thành của Beverly được ẩn dụ qua hình ảnh chiếc bồn rửa mặt phun máu tung toé. Trong kịch bản gốc, điều này càng thể hiện “lộ liễu” hơn. Mẹ của Beverly khi chửi mắng cô bé về chuyện kinh nguyệt có nói rõ: “Khi chuyện này xảy đến, theo chu kỳ 27 ngày, mày sẽ chảy máu, và mày sẽ chảy máu nhiều nhất trước khi chết.” Đây không phải là một câu giải thích mà là một câu đe doạ, người mẹ lúc này đang bị It “nhập”. Nếu bạn để ý sẽ nhận ra sự trùng hợp - chu kỳ xuất hiện của It cũng là 27 năm một lần.
Chuyện cha của Beverly lạm dụng cô cũng được nhắc đến rất rõ ràng. Phân cảnh người cha tra hỏi Beverly về chuyện cô có “làm chuyện ấy” với tụi con trai như lời đồn không, trong kịch bản gốc còn có cả câu thoại ông đòi cô vén váy lên để kiểm tra hay ý định cưỡng bức cô: “Con sẽ thích điều ấy, Bevvie”, “Như cách con lơ lửng”.
Trong khi đó, phân cảnh Stan lần đầu chạm mặt It hoàn toàn khác. Trong phim, cậu bị hù doạ bởi người đàn bà có mặt dị dạng trong bức tranh. Còn trong kịch bản gốc, phân cảnh này diễn ra tại phòng mikveh của một đền thờ Do Thái giáo, đây là nơi phụ nữ theo đạo đến “tẩy uế” sau một kỳ kinh. Tại đây, Stan bị một người phụ nữ khoả thân trong bồn tắm quyến rũ, khi mụ đứng dậy, cậu thấy các mảng da thịt trên người mụ đang thối rửa. Tình huống này khá giống với một phân cảnh trong The Shining (1980) - phim kinh dị kinh điển chuyển thể từ tiểu thuyết của Stephen King.
6. Beverly không bị It bắt đi
Nhân vật nữ duy nhất của Losers’ Club không phải là người được các cậu bé giải cứu, ngược lại, cô bé là người chủ động cùng các bạn truy tìm hang ổ của Pennywise trước khi nó thao túng hoàn toàn các vị phụ huynh.
Trong phiên bản này, không phải Beverly mà Stan mới là người nhìn thấy “ánh sáng chết” – hình dạng nguyên thuỷ của It.
Cảnh cả nhóm chiến đấu với It không có nhiều khác biệt so với phim, nhưng sau khi đánh thắng, chúng không tìm thấy lối thoát. Lúc này, Beverly đã dùng tay sờ lên mặt của các chàng trai để khiến họ định hướng được đường đi – một chi tiết ẩn ý gợi nhớ đến cảnh quan hệ tập thể tai tiếng trong tiểu thuyết.
7. Không có cảnh hôn cuối phim
Giống như tiểu thuyết, Travis (Henry) bị cảnh sát bắt giữ sau khi giết cha, tóc của hắn cũng hoá trắng sau khi đối mặt It. Bản phim của Muschietti lại để nhân vật này té xuống giếng và không nói rõ hắn đã chết hay chưa.
Phân cảnh cuối cùng khi cả nhóm cắt máu lập lời thề, Will (Bill) và Beverly đã không hôn nhau. Thay vào đó, cả nhóm vẫy chào tạm biệt Will lúc cậu cùng cha mẹ đi nghỉ mát. Một quả bóng đỏ bay lên ngụ ý It vẫn chưa bị tiêu diệt hẳn.
Đăng Lê
(Nguồn: Buzzfeed)