Dù chỉ là những thứ tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng những phát minh này lại khiến cả thế giới thay đổi theo nhiều phương diện tốt đẹp
Nhật Bản là quốc gia của những nhà sáng chế. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ biết tới những con rô bốt, máy tính xách tay hay những chiếc ô tô chất lượng cao, còn quá nhiều thứ bạn chưa biết về những phát minh sinh ra từ xứ sở mặt trời mọc.
Hãy cũng nhìn xem, Nhật Bản đã mang đến những món đồ, thiết bị, công cụ nào mà khiến cả thế giới thay đổi theo chiều hướng tích cực như vậy.
Từ điển Oxford đã đưa từ "selfie" trở thành một từ chính thức vào năm 2013. Tuy nhiên, những chiếc gậy tự sướng đã có mặt từ trước đó khá lâu. Chiếc gậy selfie đầu tiên được đăng ký bản quyền vào đầu những năm 1980 bởi 2 nhà thiết kế người Nhật Bản, Hiroshi Ueda và Yujiro Mima.
Toyota Corolla là chiếc xe bán chạy nhất mọi thời đại. Nó được đưa ra thị trường lần đầu vào năm 1966 và sớm trở nên thịnh hành trên toàn thế giới. Với phiên bản thế hệ 10, Corolla đã bán được 44,1 triệu chiếc ô tô.
Pokemon được phát minh bởi Satoshi Tajiri vào năm 1995. Không cần phải nói cũng biết, nó đã trở thành hiện tượng trên toàn thế giới như thế nào. Nhiều người đánh giá, sự nổi tiếng của Pokemon cũng ngang ngửa Harry Potter trên phạm vi toàn cầu.
Thiết bị điện tử mang tên PlayStation 2 được ra đời vào năm 2000 bởi hãng Sony tại Nhật Bản. Đây được coi là thiết bị điện tử gia đình bán chạy nhất mọi thời đại với khoảng 155 triệu bản đã được bán ra. Ra đời 6 năm sau PlayStation 1, đã có hơn 3,800 tựa game được phát hành kể từ khi máy này được ra mắt.
Karaoke là một trong những thú vui giải trí phổ biến nhất trên thế giới. Máy karaoke đầu tiên được phát minh tại Nhật Bản vào năm 1971, bởi một tay trống tên Daisuke Inoue.
Shinkansen là hệ thống tàu cao tốc có thể đạt tới vận tốc 400kmh. Đây được coi là chiếc tàu cao tốc đầu tiên trên thế giới.
Sudoku là một trò chơi ô chữ được phát minh bởi Maki Kaji vào năm 1984. Từ Nhật Bản, nó đã lan rộng ra toàn thế giới. Mục đích của trò chơi là điền một ô lưới kích cỡ 9x9, sao cho mỗi hàng, mỗi cột, mỗi ô 3x3 có đầy đủ số từ 1 đến 9.
Thiết bị VHS (hệ thống đầu băng gia đình) được ra đời tại Nhật Bản vào năm 1976. Đây được coi là một phát minh vô cùng sáng tạo vào thời điểm đó, cho phép người xem TV có thể ghi lại các chương trình. Ngoài ra, bạn có thể mua hoặc thuê băng VHS về nhà xem.
Nhật Bản là "kinh đô" đồ ăn giả trên thế giới. Những món đồ ăn bằng nhựa được phát minh bởi Takizo Iwasaki từ đầu thế kỷ 20. Chúng được sử dụng để làm mẫu trong các nhà hàng. Đồ ăn giả giờ đây được làm bằng nhựa và xuất hiện rất nhiều nơi trên thế giới.
"Câu chuyện của Genji" là một truyện của Nhật Bản, được coi là những cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên trên thế giới. Nó được viết bởi nữ sĩ Murasaki Shikibu vào đầu thế kỷ 11 với nội dung về cuộc sống và tình yêu của hoàng tử Genji.
Hệ thống định vị trên ô tô được ra mắt lần đầu vào năm 1981 bởi công ty Honda. Tuy còn nhiều nhược điểm khi mới được ra mắt nhưng đây được coi là tiền đề phát triển cho nhiều hệ thống định vị sau này.
Máy nghe nhạc Sony Walkman đã thay đổi cách chúng ta nghe nhạc. Nó cho phép người nghe có thể vừa nghe nhạc, vừa đi đường. Sony đã thông báo về những chiếc Walkman từ năm 1979 và sau một tháng, tất cả các cửa hàng đều bán hết veo. Sau đó, nó đã trở thành hiện tượng toàn cầu.
Shigetaku Kurita đã phát minh ra hệ thống cảm xúc (emojis) vào những năm cuối 1990 và áp dụng với điện thoại di động tại Nhật Bản. Ban đầu, emojis không để dành cho việc nhắn tin mà để dự báo thời tiết một cách đơn giản. Giờ đây, emojis đã trở thành một phần trong ngôn ngữ hàng ngày và từ này cũng đã được vào từ điển hồi năm 2015.
Epson HX-20 là máy tính xách tay đầu tiên trên thế giới. Ra mắt vào năm 1982, chiếc máy tính này gồm một bàn phím, một màn hình LCD, một máy in và chỗ sạc điện.
Công việc in 3D phát triển từ những năm 1980, khi chiếc máy in 3D đầu tiên được phát minh bởi Hideo Kodama tại Nhật Bản.
Năm 1955, công ty điện tử Toshiba đã ra mắt nồi cơm điện đầu tiên trên thế giới. Giờ đây, bạn có thẻ thấy nồi cơm điện ở bất cứ đầu trên toàn cầu.
Máy tính bỏ túi là một phát minh của Nhật Bản từ năm 1970 và đã được sử dụng trên phạm vi toàn cầu.
Dưa hấu vuông là một món quà đắt tiền tại Nhật Bản. Tuy nhiên, người ta đã phát triển ra chúng vì những lý do thực tế (việc vận chuyển, sắp xếp...). Những quả dưa hấu vuông được phát minh vào năm 1978 bởi Tomoyuki Ono.
Vào những năm 1990, 3 nhà khoa học Nhật Bản đã sử dụng các ống bán dẫn để chế tạo ra một loại đèn rất sáng có ánh sáng xanh. Công nghệ đèn LED là một phát minh mang tính cách mạng và được sử dụng trong nhiều sản phẩm như TV, di động, máy tính...
Dù không phải quê hương của mỳ nhưng mì gói được ra đời lần đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 1958. Giờ đây, sản phẩm này đã được bày bán trên toàn thế giới và là món ăn không thể thiếu của nhiều gia đình.