Môn toán thi THPT quốc gia khó và nặng hơn năm trước
"30 câu đầu có thể nói là trải hoa hồng cho thí sinh đi. 20 câu sau thực sự quá khó, phải học thuộc công thức thì mới có thể làm được. Toán thực sự rất nhiều công thức, cực kỳ khó", thí sinh Quốc Bảo nói với VietNamNet sau khi rời phòng thi môn Toán chiều nay.
Trao đổi sau khi kết thúc giờ thi, nhiều giáo viên và học sinh cho biết đề thi THPT quốc gia 2018 môn Toán khó hơn năm trước, được phân hóa từ câu 30 trở đi và mức điểm phổ biến sẽ từ 4-7.
"Rất khó đạt điểm tuyệt đối", cô Nguyễn Thị Giang, giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết như vậy.
Còn anh Hoàng Văn Thành, một phụ huynh có con thi tại điểm thi Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cho hay, trong 50 câu của đề thi, có 30 câu dễ hẳn và 20 câu khó hẳn. "Không có những câu ở quãng giữa" - vị phụ huynh từng thi ĐH khối A vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân nói.
Thí sinh trao đổi về đề thi sau khi kết thúc môn Toán chiều nay:
Theo phân tích của cô Giang từ mã đề 103, 20 câu đầu là kiến thức rất cơ bản, học sinh trung bình yếu có thể làm được; từ câu 20 - 25 là mức cho học sinh trung bình, trung bình khá; từ câu 26 đến 35, cùng câu 46, 47, học sinh học lực khá có thể làm được. Mức độ khó nằm ở các câu 36, 38, 39, 45, 49, dành cho đối tượng khá giỏi. Một số câu rất khó như 37, 41, 42, 43, 44, 50, đòi hỏi học lực xuất sắc.
Cụ thể hơn, về nội dung kiến thức, phần lớp 11 tập trung chủ yếu vào tổ hợp xác suất và hình không gian; còn kiến thức ở lớp 12 thì phân phối đều cả chương trình. Câu hỏi mức độ vận dụng cao chủ yếu tập trung về mũ và logarit, nguyên hàm, tích phân và hàm số.
Nhìn tổng quát, mức độ phân hóa đề thi khá rõ ràng, học sinh giỏi có thể đạt mức độ tới 9, nhưng để được điểm tuyệt đối sẽ rất khó. Học sinh phải tận dụng tối đa thời gian mới có thể hoàn thành được bài thi.
Một nét nữa là đề thi có 4 bài toán thực tế, liên môn, đòi hỏi học sinh phải có kiến thức thực tế về môn Vật lý mới có thể làm được.
Cô Giang dự kiến phổ điểm chủ yếu sẽ ở mức 5-7 điểm.
Tương tự, tiến sĩ Phạm Hồng Danh, Trưởng Bộ môn toán cơ bản Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng đề thi tương đối vừa trong đó 6 câu hỏi thuộc chương trình 11, điều này giống với đề thi minh Bộ GD-ĐT công bố trước đó.
Đề thi có sự phân hóa, từ câu hỏi 1-30 dành cho học sinh trung bình, trung bình khá. Từ câu hỏi số 31-50 tăng dần mức độ khó.
Điểm 9 không nhiều, điểm 10 rất hiếm
Các giáo viên tổ Toán của hệ thống giáo dục Hocmai nhận xét, nhìn chung, các mã đề có dạng câu hỏi tương tự nhau, phần lớn là thay số. Trong mỗi mã đề có khoảng 10 câu hỏi (chiếm 20% tổng số câu) thuộc chương trình lớp 11.
Về dạng thức và độ khó của câu hỏi ở mức độ tương đương đề thi minh họa. Đề được sắp xếp từ dễ đến khó như thông lệ hàng năm, khoảng 25 câu đầu ở mức Nhận biết, Thông hiểu; từ câu 26 trở đi là các câu hỏi có tính vận dụng, đặc biệt có khoảng 10 câu hỏi cuối có độ khó hơn hẳn.
Về độ khó, đề thi xuất hiện nhiều câu hỏi yêu cầu thí sinh vừa phải có tư duy tốt đồng thời giỏi về khả năng tính toán. Ví dụ câu 44 mã đề 105 (câu 50 của mã đề 115) đề bài hỏi về tiếp tuyến, có sự kết nối kiến thức lớp 12 và lớp 11. Thí sinh rất dễ bị mất điểm bởi các phương án nhiễu.
Đề thi cũng xuất hiện các câu hỏi có yếu tố thực tiễn bên cạnh những dạng toán thường gặp như mọi năm. Ví dụ: dạng toán về lãi suất; toán về thể tích khối hộp thì có một câu hỏi không khó nhưng tương đối lạ là bài toán về “bút chì” (câu 30, mã đề 104).
Thầy Trần Mạnh Tùng, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng đề thi môn Toán có phân hóa mạnh hơn so với năm 2017. Về cấu trúc, đề thi gồm 50 câu trắc nghiệm, làm trong 90 phút, gồm có 20% kiến thức lớp 11 và 80% kiến thức lớp 12. Một số câu được thiết kế giao thoa cả hai khối lớp.
Về nội dung, đề tương đối dài, tương tự cấu trúc đã công bố ở đề tham khảo, mức độ phân hóa tốt với tỉ lệ 60 + 40 (6đ + 1 đ + 1đ + 2đ). 6 điểm đầu tiên ở mức độ dễ, dùng để xét tốt nghiệp 30 câu đầu gồm nhận biết, thông hiểu, đối với các em học sinh nắm vững kiến thức và bản chất vấn đề có thể hoàn thành một cách nhanh chóng trong khoảng 45 – 60 phút.
4 điểm tiếp theo ở mức độ khó, nhằm mục tiêu xét tuyển vào đại học là 20 câu tiếp theo nằm trong mức độ vận dụng, vận dụng cao, yêu cầu học sinh có tư duy và kĩ năng tốt. Đề thi có 10 câu khó và có yếu tố lạ, gây khó khăn nhiều cho học sinh.
Theo thầy Tùng, mức độ khó tăng lên so với đề tham khảo mà Bộ GD-ĐT đã công bố. Độ khó cũng tăng lên rất nhiều so với đề thi THPT quốc gia 2017 (cấu trúc 70 + 30, chỉ có khoảng 5 câu thực sự khó, khoảng 15 câu bấm máy tính ra đáp số, rất nhiều câu có thể thử lại đáp án).
Thầy Tùng cho rằng, có thể rút kinh nghiệm từ hiện tượng "bội thực điểm 10" của kỳ thi năm 2017 nên đề Toán năm 2018 rất ít câu bấm máy tính ra ngay đáp số, đề cũng hạn chế các câu hỏi mà học sinh có thể làm ngược (thử lại đáp số). Đề thi đòi hỏi học sinh hiểu bản chất vấn đề thì mới làm tốt được.
Thầy Tùng cũng dự đoán điểm thi năm nay sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2017. Học sinh trung bình được khoảng 5 điểm. Học khá được khoảng 6 điểm. Học sinh giỏi khoảng 7, 8 điểm. Điểm 9 không nhiều và điểm 10 sẽ rất hiếm.
Tại TP.HCM thí sinh cho rằng đề thi có sự phân hóa khá rõ ở khúc 6 điểm và sau 6 điểm. Thí sinh Quốc Bảo, tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10, TP.HCM cho rằng đề thi có sự phân cấp rõ nét với dung lượng rất dài với 50 câu hỏi.
"30 câu đầu có thể nói là trải hoa hồng cho thí sinh đi. 20 câu sau thực sự quá khó, phải học thuộc công thức thì mới có thể làm được, tuy nhiên, Toán thực sự rất nhiều công thức, cực kỳ khó"- Quốc Bảo nhìn nhận.
Thí sinh Gia Phúc, học sinh trường THPT Nguyễn Khuyến cho biết làm được 35 câu, trong tổng số 50 câu. "Đề thi năm nay không liên quan gì năm trước và mức độ rất khó. 15 câu cuối có thể nói là rất khó và em chưa bao giờ làm dạng đề đó bao giờ'- Phúc nói.
Ban Giáo dục
Bài cùng chuyên mục