Muôn hình vạn trạng các chiêu trò qua mặt bản quyền trên Facebook và Youtube
Thời gian gần đây, một số nhà cung cấp ứng dụng OTT như Clip TV, FPT Play, MyTV Net đã đồng loạt hạ các kênh truyền hình của VTV (từ VTV2 đến VTV9) sau khi Đài Truyền hình Việt Nam đã gửi văn bản cho một loạt nhà cung cấp dịch vụ OTT thông báo về việc vi phạm bản quyền khai thác trái phép các bộ phim truyền hình đang hot trên VTV là Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử.
Đài Truyền hình Việt Nam đã làm việc với nhiều bên, có gửi văn bản để nhắc nhở các đơn vị tuân thủ về bản quyền đối với các chương trình của VTV. Trong thời gian tới, VTV sẽ tiếp tục rà soát và yêu cầu các đơn vị cung cấp OTT tuân thủ về vấn đề bản quyền, không có ngoại lệ.
Việc một số đơn vị đã bước đầu tuân thủ bản quyền các kênh truyền hình của VTV được người dùng cũng như giới làm nội dung trên Internet ủng hộ. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm bản quyền của VTV mới chỉ đạt kết quả ở một số ứng dụng OTT chính thống, còn trên thực tế hàng chục nghìn chương trình của VTV vẫn bị vi phạm bản quyền trên YouTube, trên Facebook và trên các trang phim lậu. Các đơn vị vi phạm bản quyền này mới thu lợi bất chính từ hành vi ăn cắp các chương trình của VTV, cũng như nhiều đài truyền hình, hãng điện ảnh trong nước và quốc tế.
Mặc dù VTV khẳng định chưa cấp quyền phát sóng cho bất cứ ứng dụng OTT nào nhưng chỉ cần gõ từ khóa trên YouTube có hàng chục kênh đang phát sóng các bộ phim ăn khách của VTV như: Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Zippo mù tạt và em, cùng với rất nhiều các gameshow có đông người theo dõi cũng được khai thác triệt để. Trên các trang phim online thì hầu hết các chương trình ăn khách của VTV đều bị thu và phát lại. Mục đích của các trang vi phạm bản quyền này là để thu lợi bất chính từ quảng cáo.
Thu nhỏ màn hình là cách qua mặt YouTube để vi phạm bản quyền.
Theo ý kiến của một số người, cơ chế xử lý vi phạm bản quyền của các trang Facebook và YouTube chủ yếu là từ báo cáo vi phạm và rà soát tự động bằng các thuật toán. Do đó, hầu như chỉ phát hiện những nội dung vi phạm giống hoàn toàn. Nhưng người dùng Việt Nam lại quá “thông minh” khi có nhiều chiêu trò để lách luật như Live streaming facebook, hoặc thu nhỏ màn hình lại, riêng về thể loại vi phạm này thì cả Google, Facebook, Netflix… đều vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn.
Theo đại diện VTV Digital, nạn vi phạm bản quyền các chương trình của VTV tồn tại trên rất nhiều kênh YouTube và Facebook. Hàng ngày đội ngũ của VTV Digital thường xuyên rà soát, theo dõi và “đánh chặn” các tài khoản vi phạm bản quyền trên hai mạng xã hội này, số lượng các kênh bị chặn rất nhiều, nhưn cũng không ngăn được nạn vi phạm bản quyền. Vì cứ chặn tài khoản này họ lại đổi ngay sang tài khoản khác, thậm chí nhiều tài khoản vi phạm bản quyền đã tìm cách “qua mặt” YouTube và Facebook bằng cách thu nhỏ hình ảnh, hoặc bóp méo tiếng đi một chút là YouTube không thể tự phát hiện ra hành vi vi phạm. Còn trên các trang phim lậu thì chưa có cách gì để xử lý được vì hầu hết họ đặt máy chủ ở nước ngoài và dùng tên miền quốc tế.
Theo ông Phan Thanh Giản, CEO Clip TV, nếu các nhà đài xử lý tốt về mặt công nghệ thì có thể giảm thiểu hoặc chí ít tạo ra một rào cản đáng kể để cho người dùng, họ sẽ mệt mỏi khi phải dùng lậu vì quá nhiều rào cản, họ sẽ lựa chọn dịch vụ hợp pháp với một chi phí nhỏ để sử dụng dịch vụ tốt nhất. Giống như Hàn Quốc và Mỹ họ chuyển người dùng ứng dụng lậu sang trả phí bằng cách dùng biện pháp này.
Ông Phan Thanh Giản cũng cho rằng, VTV không chấp thuận cho các ứng dụng OTT chính thống khai thác các kênh truyền hình, trong khi đó thì các ứng dụng lậu vẫn phát tràn lan mà không có cách gì ngăn chặn được. Điều này gây bất bình đẳng cho các nhà cung cấp OTT chính thống, OTT chính thống bị hạn chế, trong khi các ứng dụng lậu vẫn tồn tại.
Nạn vi phạm bản quyền truyền hình Internet ở Việt Nam vẫn còn nhức nhối phần lớn là do tín hiệu gốc không có biện pháp bảo vệ chặt chẽ, từ đó các ứng dụng lậu sẽ sử dụng chính các tín hiệu đó và phát lên ứng dụng của mình. Điển hình nhất là VTVcab đã hai lần bị ngừng phát sóng giải đấu Cúp C1 và C3 vì bị nhiều đơn vị OTT vi phạm bản quyền. Trong khi đó không có ứng dụng lậu nào thu được tín hiệu stream của Netflix hay K+, bởi giải pháp bảo vệ của các đơn vị này được đầu tư bài bản hơn. Dịch vụ OTT lậu sẽ vẫn tràn lan vì việc lấy tín hiệu gốc các chương trình truyền hình của Việt Nam quá đơn giản và khó kiểm soát, trong khi nhu cầu người dùng thì ngày càng tăng cao trên nền tảng OTT.
Bài cùng chuyên mục