Xem ra học phí cho Blizzard cũng như các hãng game kể trên quả là đắt đỏ. Đúng là sai một li đi cả dặm mà.
Sản xuất một tựa game chưa bao giờ là vấn đề đơn giản, đó có lẽ là điều mà bất kỳ nhà phát triển nào cũng đã từng thấm thía. Nhưng còn gì đau đớn hơn, khi chỉ với một vài sai lầm nho nhỏ, mà rất nhiều nhà phát hành game dưới đây đã phải mất cả núi tiền để có thể sửa chữa đấy.
Blizzard và cú tham vọng bất thành
Ai cũng biết rằng, World of Warcraft là một trong những thành tựu không thể bỏ qua của Blizzard Entertainment khi nó là một trong những tựa game có doanh thu cao nhất mọi thời đại, và không phải ngẫu nhiên mà nó vẫn đang chạy tốt trong suốt hơn chục năm qua.
Blizzard xem ra hơi lắm tham vọng với ý tưởng về Titan
Và đó là lý do mà Blizzard từng ấp ủ dự định cho ra đời thêm một bom tấn MMO nữa. Họ quả thật đã làm vậy, đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu, thu hút tài năng và tập hợp một đội ngũ để tìm cách phát triển bom tấn mới, mang tên Titan. Tham vọng của Blizzard bộc lộ rõ, khi họ muốn đa dạng hóa và khiến tựa game này cuốn hút tới mức tối đa. Như Kotaku chia sẻ, tựa game sẽ là sự tổng hợp của một game MMO, FPS và thậm chí còn có phần giống Sim nữa.
Nhưng xem ra Blizzard hơi tham quá thì phải. Titan mãi chẳng bao giờ ra đời, và cuối cùng, Blizzard đành hủy bỏ dự án này dù nó đã tốn của họ tới hơn 7 năm trời phát triển. Cũng may, một vài bit FPS trong Titan vẫn được giữ lại, và đó là nền tảng ra đời của Overwatch sau này.
Cảnh nóng trong GTA đáng giá $20.000.000
Các yếu tố bạo lực xuất hiện rất nhiều trong trò chơi điện tử. Với GTA, nó càng trở nên phổ biến hơn. Bạn có thể bắn, chém, giết và làm đủ thứ tội ác trong thế giới này. Nhưng bạo lực thì vẫn chưa phải là thứ đáng bàn nhất của tựa game này, một phân cảnh 18+ từng xuất hiện trong GTA: San Andreas mới là thứ đáng nói.
Phân cảnh đáng giá $20.000.000 của nhà phát triển GTA
Và cảnh này được gọi là Hot Coffee, khi một cặp đôi cố gắng quan hệ trong một quán cafe. Tất nhiên, phân cảnh này bị cắt ngay sau đó, nhưng nó cũng đủ để khiến công ty mẹ của Rock Star, Take-Two phải đền bù tới $20.000.000 trong vụ kiện tập thể. Quá chát cho một cảnh trong game.
Diablo III và chức năng Auction House
Ngay từ khi mới ra mắt, Diablo III đã phát sinh quá nhiều vấn đề khiến cho Blizzard phải đau đầu. Đầu tiên là lỗi kết nối tới máy chủ của người chơi, sau đó là vấn đề với các chế độ khó trong game. Nhưng nổi bật nhất phải kể tới Auction House, tính năng đấu giá mà Blizzard mới thêm vào giúp cho người chơi có thể giao dịch với nhau bằng tiền trong game hoặc tiền mặt.
Diablo III khiến nhà phát hành thiệt hại cả núi tiền với tính năng Auction House
Nhưng rồi sau đó, khi nhận thấy điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới định hướng của trò chơi, cũng như nhận phải vô số gạch đá từ phía cộng đồng, Blizzard đã phải nghiến răng loại bỏ tính năng này, dù đã mất khá nhiều chi phí cho nó. Chưa kể, điều này cũng làm ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của nhà phát hành. Nhưng dù sao, cũng nhờ thế mà thương hiệu Blizzard vẫn luôn tồn tại mãi trong lòng các game thủ. Tiền đổi lấy thương hiệu, tuy hơi chát nhưng cũng hợp lý nhỉ.
Battleborn và một cú "sinh nhầm thời"
Vào 5/2016, Gearbox Software đã quyết tâm làm một cú đột phá. Họ cho ra mắt siêu phẩm Battleborn, nơi mà người chơi sẽ chọn ra một danh sách các anh hùng, mỗi người có những khả năng và nhược điểm riêng, ghép đội rồi từ đó chiến đấu với nhau trong những trận thư hùng đầy kịch tính.
Nếu ra mắt ở một thời điểm hoặc vũ trụ khác, có lẽ Battleborn còn có cơ hội thở
Cũng tháng 5/2016, Blizzard Entertainment ra mắt Overwatch, cũng với gameplay giống hệt với Battleborn. Và điều gì xảy ra thì bạn cũng biết rồi đấy. Khi hai trò chơi có gameplay gần như tương đồng, ra mắt cùng một thời điểm, kẻ nào nổi bật hơn sẽ húp trọn oxy của đối thủ. Và đương nhiên, với thương hiệu lâu năm cùng chất lượng cực kỳ uy tín của mình, không khó để Overwatch trở thành người thắng cuộc. Kể từ ngày đó, cái tên Battleborn gần như chẳng bao giờ được ai nhắc tới. Cũng không ai ước tính mức độ thua lỗ của Gearbox Software. Nhưng quả thật, việc ra mắt cùng thời điểm với Overwatch chẳng khác nào màn tự hủy của nhà phát hành này.