Chiếc ngà 13.200 năm tuổi giúp giải mã cuộc đời của loài voi răng mấu trước khi tuyệt chủng
Chiếc ngà được cho là "cuốn sổ" ghi chép mọi sự kiện trong cuộc sống của loài voi.
Các nhà khoa học tại Đại học Michigan phát hiện quá trình di cư hàng năm mà một con voi răng mấu đực thường xuyên thực hiện trước khi qua đời ở tuổi 34, cách đây 13.200 năm.
Voi răng mấu là sinh vật ăn cỏ giống voi sống thành đàn ở Bắc và Trung Mỹ trước khi chúng tuyệt chủng khoảng 10.000-11.000 năm trước. Loài voi này thường cao từ 2,5 - 3 m và nặng từ 3.600-5.400 kg. Ngoài biến đổi khí hậu, thì việc săn bắn của tổ tiên loài người cũng là một trong nguyên nhân khiến chúng tuyệt chủng.
Vào năm 1998, một cặp vợ chồng, Kent và Janne Buesching, đã tìm thấy một hóa thạch voi răng mấu trên tài sản của họ khi họ đang khai thác than bùn gần Fort Wayne, Indiana. Khi các nhà khảo cổ học hoàn thành địa điểm này, họ đã khai quật được một hóa thạch được bảo quản tốt của một con voi răng mấu mà trong thời kỳ sơ khai của nó cao 2,7 m và dài 7,6 m.
Mẫu vật được gọi là Buesching mastodon, và một nhà khảo cổ học sau đó đã tìm thấy một lỗ thủng ở bên phải hộp sọ của nó, khả năng cao là do ngà của một con voi răng mấu đực khác gây ra do trong mùa giao phối.
Daniel Fisher, một trong những nhà nghiên cứu đã giúp khai quật vào năm 1998 hiện là giáo sư cổ sinh vật học tại Đại học Michigan đồng thời là giám đốc Bảo tàng Cổ sinh vật học của trường đại học, nơi lưu giữ hóa thạch của voi răng mấu Buesching để nghiên cứu thêm.
Một nhóm do Fisher dẫn đầu đã cắt một đoạn dài mỏng từ chiếc ngà bên phải dài hơn 3 m của con voi răng mấu Buesching để biết thêm về sinh vật này và nơi ở của nó.
Theo Fisher, tương tự như các vòng tuổi hàng năm của cây, ngà của loài voi là một bản ghi chép về sự tăng trưởng và phát triển của nó. Bất cứ khi nào voi răng mấu ăn lá hoặc uống nước, các nguyên tố hóa học từ môi trường xung quanh sẽ ngấm vào ngà của chúng. Do đó, toàn bộ chiếc ngà là một bản ghi chép về cuộc sống của loài vật này từ các sự kiện khi sinh ra cũng như nguyên nhân khiến chúng qua đời.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi tỷ lệ của các đồng vị stronti trong mẫu ngà và lập bản đồ chúng với các vị trí khác nhau để xác định các khu vực địa lý mà voi răng mấu có thể đã đi tới. Các giá trị đồng vị oxy đã giúp xác định những thay đổi theo mùa trong vòng đời của sinh vật và thời gian trong năm chiếc ngà được hình thành.
Dữ liệu đồng vị sau đó được nhập vào một mô hình chuyển động do nhóm nghiên cứu thiết kế đặc biệt để ước tính quãng đường con vật đã di chuyển. Phân tích tiết lộ rằng nhà của voi răng mấu có khả năng ở Trung tâm Indiana.
Đông Bắc Indiana có thể là khu vực giao phối ưa thích của cá thể này. Những điểm tương đồng giữa voi ma mút và răng mấu trong cấu trúc đàn, tính lưỡng hình ngà, chức năng ngà và thành phần địa lý của sự trưởng thành của con đực cho thấy những đặc điểm này có khả năng được thừa hưởng từ một tổ tiên chung.
Bài cùng chuyên mục