Những câu chuyện đẹp tại "tâm dịch" Vũ Hán khiến thế giới rơi lệ
Những ngày vừa qua, thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã trở thành "điểm nóng" trên bản đồ Thế giới khi chủng nCoV tại đây vẫn chưa thể kiểm soát. Số ca mắc bệnh tăng, số người tử vong ngày càng nhiều và từ trong "tâm bão" những câu chuyện đẹp đã khiến người ta ấm lòng trước nghịch cảnh bi thương.
Từ ngày đại dịch nCoV bùng phát, người dân Vũ Hán nói riêng và Trung Quốc nói chung đã đứng trước rất nhiều thách thức và khó khăn. Mạng sống của công dân đất nước này bị đe doạ nghiêm trọng khi tình hình đang diễn biến ngày một phức tạp. Vũ Hán đóng cửa, Trung Quốc Đại lục lại ráo riết với những công tác đối phó dịch cường độ cao. Từ trong nghịch cảnh, những câu chuyện đẹp đã xuất hiện. Nó không chỉ nhắc nhở người ta về một thế giới tốt đẹp mà còn truyền đi thông điệp lạc quan và ý chí kiên cường trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành.
"Nếu sống sót, tôi sẽ cầu hôn đến lúc cô ấy đồng ý. Còn nếu không thì, ừm... tôi sẽ chết vậy? Và tất cả mọi thứ tôi có sẽ để lại cho cô ấy."
Những ngày nCoV tấn công Vũ Hán, Trung Quốc trở thành quốc gia được nhắc đến nhiều nhất trên các trang báo thế giới. Những người đang "sống chung với lũ" quả thật chẳng biết ngày mai sẽ ra sao, nhân sinh vốn dĩ vô thường. Vì vậy, trên một trang Confession của Việt Nam, một chàng trai người Trung Quốc đã để lại vài dòng cho người con gái Việt Nam mà anh yêu.
"Xin chào, tôi là người Trung Quốc, tôi tên Hu Yu Kun (tiếng Việt là Hồ Ngọc Khôn). Tôi thật sự không biết tương lai của tôi và bạn gái sẽ ra sao, vì Coronavirus đang hoành hành ở đất nước của tôi. Tôi hy vọng rằng bằng cách nào đó cô ấy có thể đọc được câu chuyện này trên trang của các bạn.
Bạn gái tôi nhỏ hơn tôi 2 tuổi. Chúng tôi quen nhau trên PUBG hồi 2018. Sau đó chúng tôi chia sẻ thông tin với nhau, tôi có xem được ảnh của cô ấy trên Instagram. Bạn biết đó... con gái nước tôi nhiều người trang điểm rất giỏi, nên tôi cũng không tin mấy bức ảnh đấy lắm. Chúng tôi càng ngày càng thân nhau hơn, và tôi cũng không biết đã yêu cô ấy từ khi nào. Mùa hè năm 2019, cô ấy bất ngờ đi Chengdu để dự đám cưới của bạn. Tôi bay từ HanZhong đến Chengdu để gặp cô ấy, xin một buổi hẹn và đợi. Cô ấy gọi cho tôi, khi nhấc máy lên, tôi lại nghe thấy giọng cô ấy ở sau lưng. Tôi quay lại, nhìn được cô ấy ngoài đời, chẳng khác gì trên I nstagram. Thế là chúng tôi chính thức hẹn hò nhau. Từ lúc quen nhau cho đến giờ, tôi tiết kiệm hết tất cả tiền từ việc làm thêm, từ dự án ở công ty, hầu như tất cả để dành cho cô ấy. Nếu sống sót, tôi sẽ cầu hôn đến lúc cô ấy đồng ý. Còn nếu không thì, ừm... tôi sẽ chết vậy? Và tất cả mọi thứ tôi có sẽ để lại cho cô ấy."
Những dòng tâm sự của chàng trai người Trung Quốc với cô gái Việt Nam đã thu hút không ít sự chú ý. Tấm chân tình đẹp bỗng trở thành thứ ánh sáng sáng tươi đẹp và lạc quan trong bối cảnh u tối hiện tại của Thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng. Và tình yêu đôi khi chỉ là dù bạn không thể bên cạnh, bạn vẫn mong người mình yêu có thể sống thoải mái một chút, dư giả một chút.
"Chờ em ra ngoài, mình kết hôn nhé"
Vừa qua những hình ảnh và thông tin về một nữ y tá chỉ độ đôi mươi, tên là Trần Dĩnh, đang công tác công tác tại bệnh viện số 4 trực thuộc Đại học Y khoa Chiết Giang được tờ Chinanews chia sẻ. Cô và bạn trai mình đã dành cho nhau nụ hôn qua tấm kính cách ly của khu vực chăm sóc bệnh nhân nhiễm Corona. Đây là lần đầu tiên họ được nhìn thấy nhau sau 11 ngày cô gái trẻ cùng đồng nghiệp lao vào cuộc chiến chống dịch.
"Mắt của em thâm quầng rồi kìa, hình như còn gầy đi nhiều nữa, bây giờ chỉ còn có 40kg đúng không?", chàng trai nói qua điện thoại khi trên tay đang cầm những món ăn mà cô thích nhất.
Nụ hôn qua lớp khẩu trang bảo hộ và lớp cửa kính cách ly của đôi tình nhân trẻ khiến không ít người xúc động. Họ đã dự định sẽ đăng kí kết hôn vào ngày Valentine năm nay. Tuy nhiên sự bùng phát của đại dịch đã khiến kế hoạch của họ không thành. Cô y tá trẻ đã chủ động xin tham gia vào cuộc chiến chống dịch với các đồng nghiệp, việc đeo mặt nạ và kính bảo hộ trong một thời gian dài, khuôn mặt Trần Dĩnh bị in hằn nhiều vết đỏ, trầy xước. Khi các dấu vết cũ còn chưa kịp tan đi, ngày hôm sau cô lại phải tiếp tục đeo chúng lên và tiếp tục công việc của mình.
Nhìn thấy những hình ảnh đó qua điện thoại, bạn trai Trần Dĩnh vì quá đau lòng nên đã đến bệnh viện thăm cô. Anh chàng chia sẻ trước đây mỗi ngày anh đều đến đón cô tan làm. Kể cả có bận đến mấy, cũng phải ghé qua nhìn mặt nhau một chút. Nhưng lần này, anh chỉ đành chọn cách ầm thầm đứng phía sau ủng hộ cô.
Đối mặt với vô vàn khó khăn và nguy hiểm, cô gái trẻ vẫn không ngừng nghĩ về một tương lai tốt đẹp với thái độ lạc quan: "Khi dịch bệnh kết thúc, chờ em được ra khỏi bệnh viện, điều đầu tiên phải làm là đi đăng kí kết hôn nhé!".
Những người mẹ đẹp nhất
Sự hi sinh của những nhân viên y tế tại Vũ Hán khi dịch bệnh nổ ra là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, bạn có biết những nữ y tá - những người mẹ đang cho con bú đã chủ động uống thuốc cai sữa để cùng những người đồng nghiệp bước lên tuyến đầu chống dịch? Thông tin này được tờ Metropolis Daily (Nhật báo Sở Thiên) đưa tin vào ngày 07.02.
7 nữ y tá và cũng là những bà mẹ đang cho con bú tại Bệnh viện Y học cổ truyền Giang Hạ, thành phố Vũ Hán đã cùng nhau uống thuốc cai sữa, hành động này khiến nhiều người nể phục nhưng không khỏi xót xa. Người ta gọi những người phụ nữ này là những người mẹ đẹp nhất. Về sau, những đứa con của những bà mẹ này hẳn sẽ rất tự hào bởi mẹ của chúng là một người hùng.
Khi quyết định trở thành lực lượng tiền tuyến trong công tác ngăn chặn và chăm sóc bệnh nhân, các chị đã bỏ lại những đứa con chưa đầy một tuổi. Có đứa nhớ mẹ, khát sữa quấy khóc cả đêm không ngủ, cũng không chịu ti bình. Có đứa suýt chút đã quên mất mặt mẹ vì còn quá nhỏ. Cũng có người về nhà thăm con vì quá nhớ, song cũng chỉ dám đứng dưới lầu, nhờ chồng ẵm con ra ban công để nhìn một chút cho bớt xót xa. Cai sữa cho con đã khó, ngăn bản thân mình tiết sữa lại càng khó hơn. Có chị ngực đã sưng tấy, xong ca làm việc mới có thể hút sữa ra. Việc này dễ dẫn đến những căn bệnnh như nhiễm trùng, áp xe hay thậm chí là ung thư.
Ngoài ra, một số nhân viên y tế nữ khác đã chủ động cạo trọc/cắt tóc cho nhau để tránh tình trạng lây nhiễm chéo cho đồng nghiệp và bệnh nhân.
Cuộc chiến này, những người mẹ đã được gia đình ủng hộ, dù bị che kín bởi những lớp áo và khẩu trang bảo hộ, không ai nhớ mặt đặt tên nhưng họ chính là những nữ siêu anh hùng quả cảm của cuộc chiến khốc liệt này.
Bài cùng chuyên mục