Review Ant Man and The Wasp: Quantumania - Kỹ xảo hoành tráng với phản diện lớn gây ấn tượng mạnh mẽ
Dù còn vấp phải khá nhiều những bất cập nhưng Ant Man and The Wasp: Quantumania gần như đã làm tròn được nhiệm vụ của mình, bao gồm việc giới thiệu Lượng Tử Giới cũng như phản diện lớn mới nhất của MCU
Ant Man and The Wasp: Quantumania sẽ là phần phim đầu tiên mở đầu Phrase 5 của MCU, đồng thời giới thiệu đến người hâm mộ một phản diện hoàn toàn mới, đó chính là Kang The Conqueror và những khái niệm liên quan đến thế giới lượng tử từng được nhắc đến rất nhiều qua các sản phẩm điện ảnh trước của nhà Marvel.
Dù là một phần phim vô cùng được trông đợi nhưng cộng đồng đã không khỏi hoang mang khi mà trang Rotten Tomatoes đã có một đánh giá không thật sự tốt đối với sản phẩm mới nhất của nhà Marvel Studios này, mà cụ thể thì Ant Man and The Wasp: Quantumania chỉ đạt 52% đánh giá từ chuyên trang này mà thôi.
Tuy nhiên theo như những đánh giá mới đây nhất từ nhiều chuyên trang khác cho thấy thì Ant Man and The Wasp: Quantumania không hề tệ như những gì mà bạn thấy trên Rotten Tomatoes.
Xem thêm: Những phim Marvel bạn nên xem trước khi thưởng thức Ant-Man and the Wasp: Quantumania
Với vai trò là một phần phim giới thiệu đến người xem về khái niệm Lượng Tử Giới, cũng như trình làng một nhân vật phản diện có sức ảnh hưởng ngang bằng, thậm chí là hơn cả Thanos, phần phim Ant Man này đã hoàn thành rất tốt, hay thậm chí là trọn vẹn những nhiệm vụ mà nó được giao phó.
Trong khoảng 30-40 phút đầu phim, người xem sẽ có thể hiểu được những khái niệm sơ bộ liên quan đến Thế giới Lượng Tử, đồng thời cùng các nhân vật chính đặt chân đến vùng đất vô cùng mới mẻ này trước khi bước vào những câu chuyện kịch tính và căng thẳng hơn. Cách khai thác mang tính tổng quát của phim cũng phần nào cho thấy được rằng Lượng Tử Giới cũng không quá khác biệt so với bất kì nơi nào ở ngoài vũ trụ, nơi mà bất kì ai cũng có thể tìm đến được chứ không cần đến hạt pym nhỏ đến mức nguyên tử mới có thể tiếp cận đến.
Tuy nhiên điều này cũng phần nào khiến cho chuyến hành trình đi vào Thế giới Lượng Tử trông không khác gì một chuyến du hành vũ trụ bình thường và thiếu đi sự đặc trưng của riêng mình.
Chất lượng hình ảnh Ant Man and The Wasp: Quantumania
Sức sáng tạo mà Marvel Studios tạo ra cho Lượng Tử Giới là một điều không thể xem nhẹ được, bởi các sinh vật, công trình, cảnh quan và mọi thứ thuộc môi trường này đều được thực hiện một cách vô cùng chỉn chu, không hề giống với bất kì bộ phim viễn tưởng nào mà bạn từng xem trước đây. Chưa kể phần kỹ xảo CGI được cải thiện một cách rõ rệt chính là thứ cho chúng ta thấy được rằng, Ant Man and The Wasp: Quantumania là một bom tấn có hình ảnh được thực hiện đẹp nhất kể từ sau Phrase 4 của MCU.
Dù hình ảnh được đầu tư vô cùng nhiều nhưng phần âm nhạc của Ant Man and The Wasp: Quantumania lại không nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía Marvel Studios. Cụ thể thì những phần nhạc nền không đóng góp quá nhiều vào những khoảng lặng của phim, thứ mà trailer đã làm rất tốt nhưng lại không thể hiện được nhiều trên màn ảnh rộng.
Siêu phản diện Kang The Conqueror
Xuất hiện lần đầu tiên trong series Loki, Kang The Conqueror nhanh chóng nhận được rất nhiều sự yêu thích từ người hâm mộ dưới diễn xuất của nam tài tử Jonathan Majors.
Tính cách của Kang chính là điểm gây ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với người xem bởi không như Thanos, bạn sẽ cảm thấy được những cảm giác vô cùng tiêu cực và không thể nào đồng cảm được với hắn ta. Một kẻ thượng đẳng, biết được cái kết của tất cả các vũ trụ, không sống trong dòng thời gian tuyến tính thông thường và có cho mình tham vọng chấm dứt toàn bộ Đa vũ trụ ngay lập tức.
Xem thêm: Trung Quốc chính thức gỡ bỏ lệnh cấp phim của Disney và Marvel sau Tết Nguyên Đán
Hắn ta tồn tại với một lý lẽ duy nhất và điều này khiến Kang The Conqueror trở nên cực kì đặc biệt, thu hút kèm những hành động quyết đoán đến mức tàn nhẫn.
Cốt truyện của Ant Man and The Wasp: Quantumania
Có một điều đáng nói ở đây đó là sự kiên định của Kang đã là một thứ khiến cho phần phim thứ 3 của Người Kiến trở nên hấp dẫn hơn. Mạch phim có phần hơi gấp khi phải đưa quá nhiều thứ vào một sản phẩm có thời lượng 125 phút, nhưng kết quả thì nó vẫn tạo nên được một tổng thể chặt chẽ, có chủ đề rõ rệt và không bị lan man.
Cốt truyện của phim ở 90 phút đầu không có quá nhiều điểm để chê, khi mà mọi thứ diễn ra đều nằm trong vùng an toàn được MCU xây dựng sẵn. Lối kể chuyên cuốn hút, mạch lạc và có một chút yếu tố hài hước có chủ đích khiến người xem không cảm thấy nhàm chán khi xem, để rồi càng về cuối, nhân vật Kang càng thể hiện bản thân là một phản diện tầm cỡ mà MCU luôn muốn xây dựng.
Xem thêm: Guardians of the Galaxy Vol. 3 tung trailer mới hé lộ thêm về Adam Warlock và High Evolutionary
Dù vậy, ở 30 phút cao trào cuối cùng lại phần nào khiến cho người xem cảm thấy hụt hẫng bởi mọi thứ vẫn cứ mãi nằm trong vùng an toàn và không có bất kì một bức phá rõ rệt nào cả.
Tất nhiên vì là một sản phẩm khởi đầu của Phrase 5 nên phía Marvel Studios cũng có cho mình những nỗi lo lắng nhất định và điều này đã dẫn đến việc Ant Man and The Wasp: Quantumania mất đinh tính bất ngờ, không đủ để khán giả bùng nổ cảm xúc về cuối phim. Không biết Marvel liệu có thể tìm ra cho mình một công thức đủ tốt để tạo ra những sản phẩm chất lượng hơn trong tương lai, hay chỉ mãi núp dưới cái bóng của Endgame mà không thể nào thoát ra được?
Dàn nhân vật chính của Ant Man and The Wasp: Quantumania
Dàn nhân vật chính của phim vẫn được giữ nguyên, với tính cách, thái độ và lý tưởng vẫn được giữ vững xuyên suốt những diễn biến của phần phim này. Những sự trưởng thành về nội tâm của nhân vật không thật sự rõ rệt dù nó có được thể hiện từ đầu đến cuối phim, từ đó tạo nên một sự chú ý đặc biệt của người xem đến những nhân vật phản diện hoàn toàn mới, sở hữu vai trò lớn hơn trong suốt những Phrase tiếp theo của MCU.
Điều đáng tiếc ở đây đó là phim vẫn chưa thể làm nổi bật lên được tình cảm cha con giữa Scott Lang và Cassie, như cách mà mối quan hệ giữa Hope và Hank Pym đã được hàn gắn trong phần phim thứ 2 của Người Kiến. Cassie đã thể hiện được bản thân là một cô nàng gan lì, độc lập giống như bố của mình, nhưng cô vẫn thiếu đi những nét duyên dáng vốn có của Người Kiến. May mắn thay sự liên kết giữa cả 2 nhân vật này vẫn vừa đủ để tạo nên sự mới mẻ cho Ant Man and The Wasp: Quantumania
Một số nhân vật phản diện khác ngoài Kang có thể kể đến đó chính là MODOK hay Darren - một nhân vật phản diện trong phần phim đầu tiên của Ant Man. Nhưng điều đáng tiếc đó chính là hai nhân vật này lại lộ ra một điểm yếu của nhà Marvel, đó chính là mạch cảm xúc liên tục bị đứt gãy về phía cuối phim. Câu chuyện được tạo ra dành cho MODOK không thật sự thuyết phục tạo một cảm giác không thật sự tốt đối với nhiều người xem.
Bài cùng chuyên mục