Là phim Việt đầu tiên ra mắt sau mùa dịch bệnh, Bằng chứng vô hình đóng vai trò quan trọng trong việc xúc tiến trở lại thói quen ra rạp xem phim của khán giả. Nhìn chung, bộ phim của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh khá tròn trịa, đầy đủ các yếu tố thu hút người xem. Có thể nói đây là bộ phim đáng chú ý nhất kể từ sau giai đoạn cách ly toàn xã hội.
Bằng chứng vô hình là tựa phim được remake từ kịch bản của Blind đến từ xứ Kim Chi. Trước đó, Blind đã được Trung Quốc làm lại với tên gọi Nhân chứng mù (Tôi là nhân chứng) và thu về nhiều phản hồi tích cực, thậm chí gây tiếng vang bởi khi đó Dương Mịch đã vào vai nữ chính.
Chuyện phim Bằng chứng vô hình kể về Thu (Phương Anh Đào) - một nữ học viên trường cảnh sát không may bị mù và vô tình trở thành nhân chứng của một vụ tai nạn giao thông. Tuy nhiên mọi chuyện không hề đơn giản chỉ là tai nạn, Thu đã vướng vào vụ án vô cùng rắc rối mà kẻ thủ ác là một bác sĩ thẩm mĩ mắt có tư duy biến thái, bệnh hoạn tên là Lê (Quang Tuấn). Vụ việc diễn ra trong bối cảnh hàng loạt các cô gái vô cớ mất tích, còn lực lượng chức năng vẫn chưa có manh mối nào để tìm ra nguyên nhân. Cuộc rượt đuổi nghẹt thở giữa tên tội phạm và các nhân chứng cuối cùng đã diễn ra, nó gợi mở nhiều chi tiết có liên quan giữa vụ tai nạn giao thông và việc mất tích hàng loạt của các cô gái.
Bộ phim thriller - giật gân của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh ở giai đoạn hiện tại có thể xem là cơn mưa tưới mát địa hạt phòng vé vốn đã quá ảm đạm, khô cằn thời gian qua. Xét tổng thể, Bằng chứng vô hình được làm tương đối chỉn chu và trọn trịa, ít nhất là tính từ đầu năm đến nay, đây có thể xem là phim Việt nổi bật và đáng chú ý nhất. Tình tiết và đường dây kịch bản được bố trí hợp lý, sáng tạo để phù hợp với văn hoá và bối cảnh Việt Nam. Điển hình cuộc rượt đuổi giữa tên tội phạm và nhân chứng mù trong Blind diễn ra ở ga tàu điện ngầm - một không gian công cộng thì ở Bằng chứng vô hình, phân cảnh này được thực hiện trên xe buýt và hầm giữ xe công cộng. Có thể nói, từ việc lựa chọn bối cảnh đã cho thấy sự ứng biến linh hoạt giữa tình huống và bối cảnh phim của ekip, tạo đường dây câu chuyện hợp lý, mạch lạc.
Tạm gác lại việc so sánh giữa các phiên bản, chỉ nhìn Bằng chứng vô hình với tư cách là "đứa con tinh thần" thứ hai của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh sau Thưa mẹ, con đi!, có thể thấy vị đạo diễn này đã bước ra khỏi vùng an toàn của mình và trở nên khác biệt với bộ phim thriller giàu thách thức. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều vấn đề mà phim chưa thể làm rõ cùng nhiều chi tiết không hợp lý.
Thứ nhất, việc xây dựng hình ảnh tội phạm biến thái của Quang Tuấn không khắc hoạ cụ thể trở ngại tâm lý của nhân vật để dẫn đến hành động cực đoan. Người xem sẽ khá hoang mang khi đến cuối cùng vẫn không rõ nhân vật Lê rốt cuộc bị ám ảnh bởi những đôi mắt vì bản thân là bác sĩ thẩm mĩ mắt hay vì bỗi đau bị phản bội trong quá khứ mà dẫn đến hành vi cưỡng hiếp những cô gái. Đặc biệt hắn chỉ thực hiện hành vi quan hệ với nạn nhân khi họ bất động, từ đây cho thấy xu hướng tâm lý lệch lạc của tên tội phạm. Điều này gợi nhớ đến hình ảnh thầy bùa của Quang Tuấn trong Thất Sơn tâm linh. Nhân vật này cũng chỉ quan hệ với cô gái câm (Hoàng Yến Chibi) khi đối tượng đã bất tỉnh. Nhìn chung giữa hai nhân vật của Quang Tuấn có nhiều nét tương đồng nhưng không thể phủ nhận rằng Quang Tuấn đã làm rất tốt vai trò của mình trong phim. Bởi nếu không phải anh thì vai diễn Lê sẽ không còn ai phù hợp hơn. Từ tông giọng nói, hành động và đặc biệt là ánh mắt, nam diễn viên khiến người xem đi từ ngỡ ngàng đến sửng sốt rồi vỡ oà bởi lối diễn thật đến khó tin.
Thứ hai, các chi tiết về việc bảo vệ nhân chứng, tạo mối liên hệ giữa Thu và Lê bằng việc khắc hoạ điểm chung trong nỗi ám ảnh của hai người vẫn khá gượng ép. Nghe qua có vẻ hợp lý nhưng nó không thực sự thuyết phục và đủ sức để khiến hai nhân vật này có tầm ảnh hưởng lẫn nhau. Thêm vào đó, ở giai đoạn đầu phim, khán giả sẽ có cảm giác diễn biến phim khá chậm, mọi thứ trôi đi cho đến khi các cuộc rượt đuổi bắt đầu nó mới lại trở nên cuốn hút. Điều mà bằng chứng vô hình thiếu có lẽ chính là cái chất thriller - cái chất khiến người ta thật sự hồi hộp, hoang mang và ám ảnh như chính cảm xúc của những nhân vật trong phim.
Tóm lại, Bằng chứng vô hình là một bộ phim chỉn chu, trọn vẹn nhưng phần kịch bản vẫn quá an toàn, chưa tạo được đột phá lớn. Tuy nhiên, với bộ phim này các diễn viên như Phương Anh Đào, Ái Phương, Quang Tuấn và cả đại diễn Trịnh Đình Lê Minh đều đã vượt qua giới hạn của chính mình. Phương Anh Đào lần đầu vào vai cô gái mù, vượt qua nỗi sợ chó để làm việc với bạn diễn là chú chó Ben. Trong khi đó, Ái Phương đã "lột xác" trở thành cô trinh sát mạnh mẽ, rắn rori khác với hình ảnh nữ tính thông thường. Còn Quang Tuấn, có lẽ người ta sẽ còn nói nhiều về anh khi chỉ với phim điện ảnh thứ hai, anh đã tạo ấn tượng vô cùng đậm nét trong lòng công chúng.
Phim chính thức công chiếu toàn quốc từ ngày 10.07.2020 và có các suất chiếu sớm từ sau 19h các ngày 08 và 09.07.2020.