Review phim Palazzina Laf: Sự Thật Tàn Nhẫn Lên Tầng Lớp Lao Động Tại Ý

Bộ phim Palazzina Laf giới thiệu khán giả đến với câu chuyện có thật về sự bất công trong lao động, nơi tầng lớp áp bức lợi dụng sức mạnh và vị thế của mình để củng cố quyền lực trên toàn bộ tầng lớp lao động nghèo và cả lao động tri thức.

Đôi nét về phim Palazzina Laf

Review phim Palazzina Laf: Sự Thật Tàn Nhẫn Lên Tầng Lớp Lao Động Tại Ý

Palazzina Laf là tác phẩm đầu tay của đạo diễn kiêm biên kịch Michaele Riondino, cũng là người đảm nhận vai chính trong phim. Tác phẩm kể lại một trong những sự kiện nổi tiếng trong lịch sử nước Ý - tình trạng áp bức lao động tại khu công nghiệp Ilva ở Taranto. Phim được đề cử giải Đạo diễn và Kịch bản xuất sắc, còn nam diễn viên Elio Germano giành giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Giải thưởng David di Donatello lần thứ 69, vinh danh các bộ phim Ý xuất sắc năm 2023.

Review phim Palazzina Laf

Review phim Palazzina Laf: Sự Thật Tàn Nhẫn Lên Tầng Lớp Lao Động Tại Ý 2

Lấy cảm hứng từ sự kiện có thật xoay quanh thương vụ tiếp quản công ty thép Ilva vào năm 1997, bộ phim theo chân nhân vật chính Caterino Lamanna (do chính đạo diễn Michele Riondino thủ vai), một công nhân tại Nhà máy thép Ilva ở Taranto, miền nam nước Ý.

Cũng như mọi công nhân khác, Caterino là một công nhân không có tay nghề hay kinh nghiệm làm việc cụ thể, công việc của anh không chỉ vất vả mà còn rất nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt là lá phổi. Tuy nhiên, anh không có tham vọng và cũng không đủ thông minh để nhận thức rõ tình hình, đồng thời còn bị thúc ép bởi mong muốn có một "cuộc sống thành thị đổi đời" của bạn gái anh.

Chính sự mệt mỏi của công việc và những hoài nghi về công đoàn đã biến Caterino thành mục tiêu dễ dàng cho ông chủ Giancarlo Basile thao túng, biến anh thành gián điệp – kẻ theo dõi, tố cáo những đồng nghiệp và cũng là công đoàn đang đấu tranh và giành quyền lợi cơ bản cho mọi người.

Caterino không nhận thức được hậu quả đạo đức của công việc mới này. Anh ta tin rằng, bằng cách chuyển đến Palazzina Laf – một tòa nhà bỏ hoang nơi các công nhân lành nghề và kỹ sư bị giáng chức vì "kế hoạch tái tổ chức" của công ty – anh sẽ trốn thoát khỏi công việc nặng nhọc. Caterino nghĩ rằng đây là nơi “không làm cũng có mà ăn”, nhưng thực tế đây lại là một ngục tù mà không ai muốn đến.

Review phim Palazzina Laf: Sự Thật Tàn Nhẫn Lên Tầng Lớp Lao Động Tại Ý 3

Bộ phim khắc họa đau lòng sự khốn khổ của những công nhân tại Palazzina Laf, nơi giống như một nhà tù, nơi những tài năng bị lãng phí và cuộc sống không có định hướng đang dần hủy hoại họ. Trong khi đó, Caterino lại cảm thấy thỏa mãn với vai trò gián điệp, vui mừng vì không phải làm việc nặng nhọc.

Một phân đoạn ấn tượng trong phim là khi Caterino đi dọc hành lang Palazzina Laf, nhìn thấy những đồng nghiệp cố gắng làm những việc vô nghĩa để giết thời gian. Hai người đàn ông chơi bóng bàn với những chiếc vợt tự chế, hai người khác giẫm lên những chiếc hộp rỗng, và một người đàn ông tập luyện với quả tạ tự tạo. Những người phụ nữ thì tập trung cầu nguyện trong một căn phòng. Bối cảnh này được miêu tả như một nhà tù hoặc viện tâm thần, nơi các công nhân đấu tranh để giữ cho tinh thần mình không sụp đổ.

Mặc dù chứng kiến sự tuyệt vọng của mọi người, Caterino vẫn không muốn thừa nhận sự thật cho đến cuối cùng. Tuy nhiên, cảm giác tội lỗi đã âm ỉ trong tâm trí anh, được thể hiện một cách tài tình qua giấc mơ đầy ám ảnh về lễ rước kiệu Phục sinh của Công Giáo.

Review phim Palazzina Laf: Sự Thật Tàn Nhẫn Lên Tầng Lớp Lao Động Tại Ý 4

Diễn xuất của Michaele Riondino toát lên sự chân thật, nhân vật Caterino của ông đại diện cho sự phân biệt và định kiến trong lực lượng lao động, bị những kẻ có quyền lợi dụng. Palazzina Laf là một tác phẩm xuất sắc, thể hiện nỗ lực của đạo diễn Riondino trong việc truyền tải một thông điệp sâu sắc về sự bất công và áp bức. Những câu chuyện thực tế trong phim cũng được lấy cảm hứng từ chính trải nghiệm của đạo diễn, khi cha của ông từng là một công nhân lao động tại Ilva, và ông lớn lên với những câu chuyện về họ.

Nhìn chung, Palazzina Laf là một tác phẩm chân thực, đậm chất xã hội, phơi bày những bất công mà người lao động phải đối mặt. Bộ phim không chỉ là lời tố cáo mạnh mẽ về việc lợi dụng con người trong hệ thống tư bản mà còn là lời nhắc nhở về lòng nhân đạo và giá trị của sự tôn trọng giữa người với người trong những tình huống khó khăn nhất.

Xem thêm: Review Phim Io Capitano: Sự Ngây Ngô Của Những Thiếu Niên Và Hành Trình Tàn Nhẫn Đến "Miền Đất Hứa"

Bài liên quan

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang