Vì quá nổi tiếng, Tây Du Ký luôn là nguồn cảm hứng của nhiều tác phẩm điện ảnh song dường như điều này có vẻ tiêu cực khi ngày càng có quá nhiều những tựa phim "ăn theo" nhưng lại chứa các phân đoạn 18+ thô tục, phản cảm.
Là bộ phim nổi tiếng nhất Trung Quốc cũng như nhiều nước châu Á đã từng gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ, Tây Du Ký 1986 từ lâu vẫn luôn được xếp vào danh sách những huyền thoại vàng của làng điện ảnh. Chính vì điều này mà bộ phim luôn được nhiều hãng phim làm đi làm lại nhiều lần suốt những năm qua ở cả hai thể loại điện ảnh lẫn truyền hình. Tuy nhiên không ít lần khán giả phải lên tiếng chỉ trích gay gắt vì trong số những phiên bản làm lại, có những bộ phim có cốt truyện cùng với nhiều phân đoạn phản cảm quá đà - những thứ vốn dĩ không nên xuất hiện trong bộ phim được lấy cảm hứng từ tác phẩm huyền thoại của tuổi thơ.
Một trong số những lần đó là bản cải biên mới nhất, tựa phim mang tên Tôn Ngộ Không đại chiến Động Bàn Tơ được chiếu trực tuyến trên mạng ở Trung Quốc từ cuối tháng 5 vừa qua. Mặc dù gây chú ý mạng xã hội ngay từ khi bộ phim được công bố sẽ dựa trên nguyên tác bộ tiểu thuyết nổi tiếng của Ngô Thừa Ân thế nhưng bộ phim mới được ra mắt của đạo diễn Vương Tinh lại không được đánh giá cao về chuyên môn, thậm chí nhiều người còn cho rằng đây chỉ thực chất à một thảm hoạ điện ảnh với kỹ xảo rẻ tiền.
Phim lạm dụng quá nhiều cảnh ăn mặc hở hang, tắm suối tục tĩu phá đi nguyên tác của tác phẩm. Đặc biệt, dàn diễn viên vào vai yêu tinh nhện với những cảnh phim "trần trụi", hở hang mát mẻ được cho là rất phản cảm và không phù hợp với lứa tuổi của nhiều người, nhất là trẻ em.
Tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên bản chuyển thể từ nguyên tác Tây Du Ký lại nhận về làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của người hâm mộ. Trước bộ phim này chưa lâu, một bộ phim khác lấy cũng cảm hứng từ Tây Du Ký 1986 có tên là Thiên Bồng Nguyên Soái 1: Đại náo thiên cung thậm chí khi vừa chiếu thử đã bị cấm chiếu ngay lập tức. Nguyên nhân được cho là vì bộ phim có cảnh cải biên Thái Thượng Lão Quân và Bà La Sát có quan hệ tình cảm, động tác âu yếm được cho là khá thô tục.
Nhân vật Thái Thượng Lão Quân theo truyền thuyết là vị thần tối cao của Đạo giáo, có trước cả trời đất thậm chí đến Ngọc Hoàng còn phải kính nể lại có những hành động âu yếm khiến bộ phim bị tẩy chay mạnh mẽ. Không chỉ có cải biên chi tiết này, bộ phim còn bị ném đá khi xuất hiện cảnh Ngọc Hoàng thản nhiên đi vào phòng riêng của Hằng Nga lúc cô đang tắm và Thái Thượng Lão Quân sau đó cũng tranh thủ “nhìn trộm” tiên nữ này.
Chính vì những lùm xùm này, Thiên Bồng Nguyên Soái 1: Đại náo thiên cung khi vừa chiếu thử đã bị cả khán giả và Hiệp hội Đạo giáo Trung Quốc phản ánh dữ dội. Tất cả cho rằng biên kịch bộ phim đã tạo ra một kịch bản phản cảm, trái ngược hoàn toàn nguyên tác. Ngoài việc bị cấm chiếu, giám chế Dương Vỹ Quang của bộ phim sau đó phải tới Hiệp hội Đạo giáo Trung Quốc xin lỗi công khai.
Có thể thấy, được làm lại trong suốt những năm qua, nhiều bộ phim lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết Tây Du Ký đều rất khó để có thể vượt qua được thành công vang dội của bản phim truyền hình ra mắt năm 1986. Điều này cho thấy việc chuyển thể hay cải biên một tác phẩm nổi tiếng vừa là một cơ hội, cũng chính là thử thách lớn đối với các đạo diễn nếu không muốn đi vào các vết xe đổ trước đó chỉ vì muốn tạo ra một tác phẩm sơ sài và thu hút sự chú ý bằng những chiêu trò câu view phản cảm, rẻ tiền.